Nhà máy của Intel ở Khu Công nghệ cao Sài Gòn, TP HCM
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong một văn bản hôm 29/6, nói rằng nhà sản xuất chip Intel của Mỹ đã đề xuất đầu tư 3,3 tỷ USD vào một dự án tại Việt Nam và đề nghị nước chủ nhà “hỗ trợ tiền mặt” ở mức 15%, nhưng sau đó hãng quyết định chuyển dự án sang Ba Lan.
Cũng theo báo cáo này, công ty LG Chem Ltd của Hàn Quốc cũng bỏ Việt Nam để đầu tư vào dự án pin tại Indonesia, sau khi đề nghị Việt Nam hỗ trợ 30% chi phí đầu tư.
Hai hãng này không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters về đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ này đã trình một đề án lập quỹ khuyến khích đầu tư để chính phủ Việt Nam phê duyệt hôm 5/7.
“Gần đây, nhiều tập đoàn lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam nhưng sau đó lại quyết định chuyển sang các nước khác vì Việt Nam chưa có quy định về hỗ trợ đầu tư,” Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Chuyển hướng đầu tư khỏi Việt Nam
Việt Nam, cơ sở sản xuất quan trọng của các công ty như Samsung Electronics, Foxconn và Intel, phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư nước ngoài để tăng trưởng. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gián tiếp xác nhận một bản tin hồi tháng 11 của Reuters rằng Intel đã hủy bỏ khoản đầu tư theo kế hoạch vào Việt Nam, vốn có thể giúp tăng gần gấp đôi hoạt động của nhà sản xuất chip Mỹ tại đây.
Tài liệu cho biết thêm, nhà sản xuất chất bán dẫn AT&S có trụ sở tại Áo đã quyết định đầu tư vào Malaysia sau khi đề nghị hỗ trợ đầu tư tại Việt Nam không được đáp ứng và cho biết Samsung Electronics đang chuyển một số hoạt động sản xuất sang Ấn Độ.
AT&S và Samsung Electronics chưa đưa ra bình luận ngay.
Các công ty đa quốc gia đang theo dõi kế hoạch thành lập quỹ ưu đãi đầu tư của Việt Nam sau khi Quốc hội hồi năm ngoái thông qua mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đề xuất là 15%, thực tế là nâng mức thuế mà các công ty phải nộp.
Chính sách ưu đãi chưa phù hợp bối cảnh mới
Chính sách ưu đãi của Việt Nam chỉ tập trung vào các hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập (miễn, giảm thuế) và ưu đãi về tiền thuê đất, hầu như chưa có các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá chính sách ưu đãi của Việt Nam về cơ bản đã bám sát tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước và liên tục được hoàn thiện trong hơn 30 năm qua, nhưng chưa tương thích với bối cảnh mới, đặc biệt với việc ra đời của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp để tránh thuế.
Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 21.000 tỷ đồng) trở lên trong hai năm của 4 năm gần nhất.
Thuế tối thiểu toàn cầu được Việt Nam áp dụng từ đầu năm nay, khiến các nhà đầu tư lo ngại bởi ưu đãi thuế dành cho họ trước đây là dưới 15% không còn tác dụng.
Thông qua nguồn thuế bổ sung, chính quyền Việt Nam ước tính sẽ thu thêm được 14.600 tỷ đồng tiền thuế hằng năm từ 122 doanh nghiệp nước ngoài.
Sau đó, việc mở rộng đầu tư của một số dự án công nghệ cao có quy mô lớn có dấu hiệu chững lại để chờ phản ứng chính sách của Việt Nam.
Báo VNExpress nêu dẫn chứng các dự án khác chững lại, gồm dự án sản xuất thiết bị y tế 500 triệu đến 1 tỷ USD tại Đồng Nai của SMC (Nhật Bản); dự án mở rộng đầu tư các thiết bị phụ trợ cho Apple, IBM, Sisco của Foxconn, Compal, Quanta (Đài Loan).
Doanh nghiệp nước ngoài đóng một vai trò lớn trong nền kinh tế Việt Nam
Làm sao ‘ăn miếng bánh’ Trung Quốc + 1?
Những năm gần đây, Việt Nam được hưởng lợi từ chính sách "Trung Quốc cộng một" mà các tập đoàn quốc tế áp dụng nhằm tránh chỉ đầu tư vào đất nước 1,4 tỷ dân.
Bản chất của chiến lược này là các tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển các nhà máy gia công lắp ráp của mình ra khỏi Trung Quốc hoặc mở thêm đầu tư trải rộng tới các nước thay thế để giảm rủi ro, đặc biệt là sau bài học zero Covid ở Trung Quốc, và để tránh các nguy cơ của thương chiến Mỹ-Trung.
Với lợi thế vị trí địa lí gần và có nhiều sự tương đồng với Trung Quốc, lực lượng lao động dồi dào với lương nhân công cạnh tranh, Việt Nam đã đang là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp nước ngoài và dần trở thành “công xưởng lắp ráp” mới trong khu vực cũng như trên thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có nhiều lí do khiến Việt Nam khó có thể thay thế Trung Quốc, ngoài chính sách thuế và ưu đãi.
“Mặc dù còn nhiều dư địa để phát triển nhưng Việt Nam khó có thể thay thế Trung Quốc trở thành trung tâm trong các ngành công nghiệp chuỗi cung ứng quan trọng,” tiến sĩ Jayant Menon, học giả cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), nhận định với BBC.
Ông cho rằng Việt Nam không thể cung cấp hệ sinh thái đầy đủ ở quy mô tương tự như Trung Quốc, mặc dù Việt Nam vẫn có thể mở rộng đáng kể theo hướng đó.
Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ nói với BBC rằng những xáo động trong chính trường Việt Nam những tháng gần đây đã làm mất hình tượng Việt Nam là một điểm đến ổn định và khiến cho các nhà đầu tư nghi ngại.
“Thứ nhất, người ta thấy các lãnh đạo đấu nhau và không biết rằng người chiến thắng sẽ ra chính sách gì. Thứ hai là họ nhìn vào việc Việt Nam thực thi những thỏa thuận với các nước ngoài thì ở mức độ không cao.”
Ông nêu dẫn chứng trong khi hiệp định giữa Việt Nam và EU có những khoản về môi trường, thì Việt Nam lại có những động thái đi ngược lại những cam kết đó, dẫn đến mất lòng tin.
Theo ông, Việt Nam không thể thay thế được Trung Quốc mà chỉ có thể cùng với nhiều nước khác, thậm chí là 20-30 nước cùng nhau mới có thể phần nào làm điều đó.
Chuyên gia này cho rằng, Trung Quốc vẫn tiếp tục là công xưởng của thế giới, chỉ có điều là các nước ở Đông Nam Á và châu Á ngày càng nổi lên đóng vai trò ngày càng lớn.
“Việt Nam làm thế nào để ăn được miếng bánh đó thì còn là một câu chuyện yêu cầu rất nhiều điều kiện, bao gồm hệ sinh thái, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng…”, Giáo sư Vuving cho hay.
Nguồn: BBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC