Tính đến này, riêng tại TP.HCM đã đổ không biết bao nhiêu tiền của và nguồn lực để chống lại hiện tượng ngập úng sau khi mưa, cũng như kẹt xe vào giờ cao điểm. Tuy nhiên mọi thứ dường như trở nên ngày càng tồi tệ hơn so với những năm trước đây.
Một số dự án chống ngập đã được triển khai từ cách đây hàng chục năm. Điển hình như tại các lưu vực đều có các dự án với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó phải nhắc đến dự án cải thiện vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc -Thị Nghè, dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ – Bến Nghé và Kênh Đôi – Kênh Tẻ, dự án cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm.
Đó là chưa kể đến hàng trăm dự án chống ngập nhỏ, chống ngập cục bộ cho các khu dân cư cũng được triển khai và đưa vào sử dụng. Cho đến thời điểm hiện tại, TP.HCM vẫn đang tiếp tục triển khai các phương án chống ngập bằng cách thực hiện dự án chống ngập 10 ngàn tỷ, cùng hàng chục dự án tại các quận và địa phương.
Ấy vậy mà chỉ một cơn mưa lớn sau một đêm giữa tháng 9-2017, TP.HCM như rơi vào trạng thái tê liệt khi rất nhiều điểm ngập đến mức tồi tệ. Nếu khảo sát sẽ thấy toàn thành phố có đến trên dưới 40 điểm ngập.
Khi các ngành chức năng rụt rè đăng ký xóa điểm ngập với số lượng hạn chế thì số lượng điểm ngập mới lại xuất hiện với tốc độ và mức độ mạnh hơn. Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, thành phố hiện nay có đến khoảng 35 tuyến đường, gần 180 hẻm thường xuyên bị ngập nước với các lý do khác nhau nhưng chủ yếu là do các khu vực này có địa hình trũng thấp hoặc do hệ thống thoát nước bị xâm hại, không phát huy hiệu quả chống ngập.
Các chuyên gia đô thị quan sát, đánh giá các chương trình chống ngập của TP.HCM bao năm qua vẫn vậy: cũ kỹ, thụ động và thiếu hiệu quả trong khi tình hình ngập diễn biến ngày càng phức tạp. Nói cách khác, các chương trình chống ngập không đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Song hành với ngập úng chính là vấn nạn kẹt xe. Những ai quan sát tình hình giao thông TP.HCM những năm gần đây đều thừa nhận rằng kẹt xe ngày càng trở nên nghiêm trọng. Cũng cơn mưa gây ngập úng vào giữa tháng 9-2017, giao thông TP.HCM gần như tê liệt vào sáng ngày hôm sau khi lượng xe xếp dài hàng nhiều cây số. Một đánh giá của báo chí Việt Nam gần đây cho thấy, “Nếu những năm trước, kẹt xe ở TPHCM chỉ tập trung trên những trục đường chính, khu vực cửa ngõ, sân bay, nhà ga, bến xe vào giờ cao điểm, thì giờ đây kẹt xe đã tràn đến trước cổng trường học, trên cầu, thậm chí trong hẻm, đường nhỏ ở vùng ven; thời gian kẹt xe kéo dài hơn và xảy ra mọi lúc.”
Trong khi đó, cũng như việc triển khai chống ngập, TP.HCM cũng bỏ túi hàng nghìn tỷ đồng cho các chương trình chống kẹt xe: chuyển bến xe ra ngoại thành; tăng cường xe buýt công cộng, giảm phương tiện cá nhân; nâng cấp mở rộng, xây mới nhiều tuyến vành đai, xây cầu vượt bằng thép… Tuy nhiên, tương tự các điểm đen ngập úng, TP.HCM cũng có đến gần 40 điểm đen hay kẹt xe, một con số cho thấy xu hướng càng chống kẹt xe, càng kẹt xe.
Không thể phủ nhận nguyên nhân đằng sau ngập nước và kẹt xe có những yếu tố khách quan, ví dụ lượng mưa ngày càng tăng và bất ổn; ý thức tham gia giao thông rất kém của nhiều người Việt Nam;… nhưng vai trò và trách nhiệm của nhà nước hay các ngành chức năng là không thể phủ nhận. Để tình trạng “càng chống ngập thì càng ngập nặng, càng chống kẹt xe thì càng kẹt xe”, thiết nghĩ tư lệnh đầu ngành phải đặt dấu chấm hỏi và giải quyết nó một cách rốt ráo để dân không phải khổ sở vì đường vừa ngập, vừa kẹt xe khi thuế vẫn đóng đều.
Thùy Anh
© 2024 | Thời báo ĐỨC