Vì sao người Việt chi 4 tỷ USD mỗi năm cho con đi du học

"Ở nước ngoài học sinh chỉ học những môn quan trọng, liên quan đến tương lai của mình chứ không học một lần 14-15 môn như tại Việt Nam".

Sáng 6/6, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Theo đó, Bộ trưởng Nhạ cho biết: "Mỗi năm chúng ta mất khoảng 3-4 tỷ USD cho học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập, nghiên cứu. Đây là số tiền rất lớn".

VnExpress đã nhận được hàng trăm bình luận của độc giả về vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng người Việt bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy cho con đi du học là vì chất lượng giáo dục ở nước ngoài tốt hơn.

Vì sao người Việt chi 4 tỷ USD mỗi năm cho con đi du học - 0

Độc giả Đông Triều viết: "Tôi nghĩ những gia đình bỏ tiền cho con cái họ đi du học là để hy vọng tương lai con cái họ tiếp cận được những nền giáo dục văn minh và những kiến thức cao siêu của các nước để sau này có thể có cuộc sống tốt đẹp hơn".

Còn bạn đọc Tiến Tùng chia sẻ: "Chất lượng giáo dục Việt Nam kém, ra trường thất nghiệp, điều đó làm cho phụ huynh lo ngại nên cho con đi du học để có kiến thức cơ bản, có đầu óc mở dễ thích nghi với môi trường dù có bán nhà bán đất. Thực tế cho thấy sinh viên du học về ít có ai thất nghiệp, nhưng điều đáng lo là sau khi về nước đi làm họ lại tìm đường ra nước ngoài".

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến nhiều người giàu lo lắng là bạo lực học đường, bệnh thành tích và chất lượng giáo viên kém nên mới cho con đi du học. "Bạn nghĩ sao những học sinh thi mỗi môn chỉ được 3 điểm cũng đỗ vào sư phạm? Tương lai chất lượng giáo dục của Việt Nam sẽ ra sao khi chính những người đó dạy con bạn?", độc giả Hồng Loan quan ngại.

Còn bạn đọc Phuong Vuong bình luận: "Xã hội luôn tìm mọi cách để kiếm tiền, giáo viên dạy học cũng thế. Giáo viên bây giờ lên lớp là chỉ dạy cho học sinh biết, còn xuống lớp dạy thêm là để học sinh hiểu và đi thi. Mà học vấn thì cần những điểm số cao để tốt nghiệp. Vậy thì đừng đòi hỏi vì sao học sinh bây giờ đa phần là học thành tích. Còn những người có điều kiện thì họ cho con cái họ ra nước ngoài để du học".

Tuy nhiên, độc giả Tuấn Phạm cho rằng, vấn đề cốt lõi mà phụ huynh Việt cho con đi du học là do cách đào tạo ở nước ngoài. "Ở nước ngoài học không lan man như Việt Nam. Người ta áp dụng kiến thức từ thực tiễn chứ không chỉ giảng dạy lý thuyết trong sách. Họ dựa vào trình độ học của học sinh mà phân lớp để các em học kém không chịu thiệt thòi so với các em học giỏi. Chương trình học thì không lan man như mình, học sinh chỉ học những môn quan trọng và liên quan đến nghề nghiệp tương lai của mình chứ không học một lần 14-15 môn như ta", anh Tuấn Phạm chia sẻ. 

Cùng quan điểm, độc giả Anh Tuấn cho biết, con anh đang học ở Mỹ được 7 năm: "Chương trình học và hệ thống giáo dục ở Mỹ cũng rất phân khúc, những trường cấp 3 chất lượng lại không phải là trường công, mà là trường tư với học phí rất cao (không thể yêu cầu chất lượng tốt mà giá lại rẻ được). Chương trình học của những trường tư rất nặng". 

"Ở Mỹ, việc học chỉ bắt buộc cho tới hết cấp 3, còn sau đó học sinh sẽ lựa chọn nhiều hình thức để vào đời: học tiếp đại học, học nghề, làm thợ, chơi thể thao chuyên nghiệp... Tức là, khi bước vào 18 tuổi, thanh niên Mỹ gần như tự quyết định cuộc đời mình. Khác hẳn Việt Nam, khi định kiến về xã hội là phải học và học giỏi bằng mọi giá. Còn một số thứ liên quan tới hệ thống an sinh/ xã hội, cơ chế làm nên sự khác biệt giáo dục của Việt Nam và Mỹ. Nhưng nhìn chung khác biệt nhiều nhất là họ học "Để làm gì?" Còn người Việt thì cứ ép con em cứ học, sau đó tính tiếp", anh Anh Tuấn cho biết.

Quốc Anh tổng hợp


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày