Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan trong một đợt diễn tập quân sự với Nhật Bản và Canada ngày 3/11/2018.
Tin tức về sự hiện diện của USS Ronald Reagan, chiếc hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hạm đội 7 Hoa Kỳ, với sức chứa lên đến hơn 70 máy bay phản lực siêu thanh F18, trực thăng và máy bay trinh sát, trong khu vực Biển Đông hôm 6/8 đã được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam.
"Mừng và hy vọng", Facebooker Thùy Đan bày tỏ, trong lúc Facebooker Đoàn Kiên Giang nói "Chào 500 anh em USS Ronald Reagan ghé Biển Đông chơi" và "chúc team thuận buồm xuôi gió".
Facebooker Mai Nuong To viết "Hy vọng Mỹ đánh cho nó (Trung Quốc) sập luôn chế độ cs (Cộng sản) để dân ko khổ nữa". Còn Facebook Thu Tran thì "Cầu mong sao cho sớm lập lại trật tự ở biển đông".
Lý giải cho sự "ủng hộ nhiệt tình" của công luận Việt Nam đối với sự hiện diện quân sự của Mỹ, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến người dân Việt Nam ngả về phía Mỹ trước nguy cơ xung đột với Trung Quốc ở Biển Đông.
"Những năm gần đây, khi Trung Quốc tăng cường lấn hiếp ở Biển Đông, Hoa Kỳ đã tỏ thái độ rất rõ, ngay cả từ sự kiện giàn khoan HD-981 năm 2014. Lúc đó, Quốc hội Mỹ đã có nghị quyết phản đối chuyện đó rồi, trong khi Quốc hội Việt Nam thì chưa dám ra nghị quyết", nhà báo cư ngụ tại Nha Trang đưa ra nhận định với VOA.
Tàu thám hiểm "Hải Dương Địa Chất 8" của Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc (Ảnh: China Geological Survey)
Một lý do nữa, theo nhà báo Võ Văn Tạo, là động thái mới nhất của Washington rất có lợi cho Việt Nam và khu vực, giữa bối cảnh đang diễn ra "đối đầu" giữa Việt Nam và Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh đưa tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 đến hoạt động gần Bãi Tư Chính, khu vực thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, kể từ ngày 3/7.
Ông nói: "Tôi cho rằng nhất cử nhất động của các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, đặc biệt là các hạm đội, mà Hoa Kỳ là một cường quốc đại dương, là rất quan trọng. Họ đưa (tàu) xuống như thế thì dù mình không biết thực chất tàu đó đến Biển Đông nhằm mục đích gì, nhưng dù sao trong bức tranh tổng thể nó vẫn có lợi cho Việt Nam và hòa bình, an ninh khu vực, và cũng làm cho Trung Quốc phải lo lắng, giật mình theo dõi".
Nhà báo độc lập này cho rằng tình hình Biển Đông và mối quan hệ Việt-Trung hiện nay đang khiến cho những người dân am hiểu thời cuộc ở Việt Nam "rất lo lắng".
Ông nói: "Chính sách 'lấy thịt đè người' của Trung Quốc, ăn hiếp láng giềng, tìm cách lấn lướt và ăn cướp quyền lợi chính đáng của các nước láng giềng thì đã rõ rồi, nhưng khổ cái là Việt Nam từ những năm trước đây, đặc biệt tính từ Hội nghị Thành Đô vào tháng 9/1990 đến nay, thì rõ ràng quan điểm của Đảng Cộng sản, chóp bu của Nhà nước Việt Nam nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. Họ nêu lên quan tâm lớn nhất của họ là giữ chế độ, nghĩa là thực ra là giữ quyền lợi cho chóp bu của Đảng Cộng sản Việt Nam thôi, còn quyền lợi của quốc gia, dân tộc bị xem nhẹ, nên người dân rất lo lắng trước tình hình đó".
Mặc dù thừa nhận Hà Nội đã "thay đổi quan điểm" và có "bước ngoặt tương đối quan trọng" trong mối quan hệ Việt-Trung sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông năm 2014, nhưng theo nhà báo Võ Văn Tạo, quá trình "thoát Trung" và mở rộng quan hệ với các cường quốc, đặc biệt là với Mỹ, của Việt Nam hiện nay đang diễn ra "quá chậm", khiến cho ông và nhiều người dân "vô cùng sốt ruột".
Sự kiện hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đến Biển Đông diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper lên tiếng chỉ trích Trung Quốc "gây bất ổn" trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng chỉ trích Bắc Kinh đã có hành động "cưỡng ép" trên Biển Đông.
Trả lời báo chí về thông điệp của sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan ở Biển Đông trong bối cảnh đang có nhiều căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam, Chuẩn Đô Đốc Mỹ Karl Thomas được AP dẫn lời nói sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ là nhằm "giúp mang lại an ninh và ổn định, thúc đẩy các cuộc đàm phán ngoại giao".
Nguồn: Khánh An/ VOA
© 2024 | Thời báo ĐỨC