Ngày 15/11, nữ Đại úy Lê Thị Hiền (36 tuổi, cán bộ Đội CSGT, trật tự, phản ứng nhanh, Công an quận Đống Đa, Hà Nội), người làm náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 11/8 vừa qua, bị Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an Thành phố quyết định giáng 2 cấp bậc hàm từ Đại úy xuống Trung úy và yêu cầu bà Hiền viết đơn xin ra khỏi ngành.
Bên cạnh đó, tổ chức Đảng của Công an quận Đống Đa kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng đối với Đại úy Lê Thị Hiền.
Nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra là tại sao lãnh đạo Công an Thành phố không cho bà Hiền ra khỏi ngành, mà lại yêu cầu bà Hiền viết đơn xin ra khỏi ngành?
Đại úy Lê Thị Hiền gây náo loạn ở sân bay Tân Sơn Nhất hôm 11/8.
Trả lời PV, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, sự việc cựu Đại úy Lê Thị Hiền làm náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất là vi phạm hành chính, vi phạm kỷ luật của ngành công an (có thái độ, lời nói, phát ngôn thiếu chuẩn mực...) và vi phạm kỷ luật Đảng (vi phạm quy tắc ứng xử của người đảng viên đối với quần chúng nhân dân, vi phạm về lối sống hành vi ứng xử...). "Nếu cựu đại úy Lê Thị Hiền là công dân bình thường thì chỉ bị xử phạt hành chính.
Tuy nhiên bà Hiền là cán bộ công an nhân dân thì phải tuân thủ các quy định về đạo đức, tác phong, ứng xử trong ngành công an. Ngoài ra, bà Lê Thị Hiền còn là đảng viên nên phải tuân thủ các quy định của điều lệ Đảng. Bởi vậy, với hành vi vi phạm này thì nữ cán bộ công an sẽ bị xử phạt hành chính, bị kỷ luật Đảng và kỷ luật của ngành", luật sư Cường phân tích.
Về việc bà Hiền không bị cho ra khỏi ngành mà bị yêu cầu viết đơn xin ra khỏi ngành, luật sư phân tích:
Nữ đại úy bị xử phạt vi phạm hành chính, hạ cấp bậc từ Đại úy xuống Trung úy và hình thức kỷ luật đảng cao nhất là khai trừ khỏi Đảng, nên về nguyên tắc thì một hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật chỉ bị xử lý một lần. Cho nên, bà Lê Thị Hiền không bị cho ra khỏi ngành.
"Khi đã áp dụng hình thức kỷ luật ngành đối với cựu Đại úy Lê Thị Hiền là hạ cấp bậc, thì không thể áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là tước danh hiệu công an nhân dân", luật sư Cường phân tích.
Bởi vậy, nếu Công an TP Hà Nội thống nhất cho bà Lê Thị Hiền ra khỏi ngành ngay thì phải hủy quyết định xử lý kỷ luật là giáng cấp bậc quân hàm.
Theo luật sư Cường, việc yêu cầu bà Lê Thị Hiền viết đơn xin ra khỏi ngành không phải là bắt buộc, cũng không phải là hình thức kỷ luật. Tuy nhiên, nếu cán bộ này tự nguyện nộp đơn xin ra khỏi ngành thì với tính chất của vụ việc như vậy, có lẽ đơn này sẽ được chấp nhận.
"Nếu không đồng ý với các quyết định xử lý vi phạm hành chính, hình thức kỷ luật thì bà Lê Thị Hiền cũng có quyền khiếu nại theo quy định pháp luật", luật sư Cường phân tích thêm. Tuy nhiên theo vị luật sư, tất cả các cán bộ công an nhân dân đều là đảng viên, bà Hiền bị nhận hình thức cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng thì không còn cơ hội để phấn đấu, thăng tiến. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng sẽ gặp khó khăn trong công tác quản lý cán bộ này.
"Bà Lê Thị Hiền sẽ phải cân nhắc đến sự lựa chọn của mình sao cho phù hợp với điều kiện đặc thù của công việc và tình thế, hoàn cảnh hiện nay để giữ lấy những gì còn là của mình. Nếu nữ cán bộ công an này tự nguyện viết đơn xin ra khỏi ngành thì có lẽ dư luận sẽ thấy thỏa đáng và uy tín của lực lượng công an nhân dân sẽ được nâng cao hơn", luật sư Cường nói.
Mạnh Đoàn
Nguồn: vtc.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC