Thông báo của Bộ Y tế về việc phê duyệt nhập khẩu “có điều kiện” vaccine ngừa COVID-19 do Công ty AstraZeneca/ĐH Oxford hợp tác sản xuất làm cho những người có mong muốn được tiêm ngừa thấy đỡ lo lắng.
Nhưng ai được tiêm, giá vắc xin thế nào… cũng là điều rất được người dân quan tâm.
Nanogen thử nghiệm lâm sàng trên chuột hamster tại Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen – Ảnh: H.Y.
Ưu tiên tiêm cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 30-1, ngay sau khi Bộ Y tế thông báo chính thức sẽ phê duyệt nhập khẩu vắc xin này, đại diện đơn vị nhập khẩu vắc xin chia sẻ đơn vị này đã ký với AstraZeneca một văn bản bảo mật toàn bộ về giá vắc xin, số lượng vắc xin sẽ được nhập về…
“Chậm nhất là thứ hai tới (ngày 1-2), toàn bộ các thủ tục hành chính về việc nhập khẩu vắc xin sẽ được hoàn tất. Khoảng 6 giờ sau đó, các thông tin này sẽ được công khai. Nhưng trước mắt tôi có thể thông tin rằng số lượng về đợt đầu lớn hơn so với con số trước đây (trước đây số dự kiến về đợt đầu là 50.400 liều – PV)” – vị này cho biết.
Nguồn tin cũng cho biết giá vắc xin mà công ty bán cho Việt Nam sẽ dưới 10 USD/2 mũi tiêm, theo nguyên tắc phi lợi nhuận. Như vậy nếu không có gì trở ngại, vắc xin này sẽ được nhập về Việt Nam trong tháng 2-2021.
Một vấn đề nữa được quan tâm là thông tin “ai sẽ được tiêm đầu tiên”. Theo vị đại diện kể trên, nhóm nguy cơ cao như y bác sĩ, cán bộ chiến sĩ biên phòng ở tuyến đầu… sẽ là những người được xếp ưu tiên đầu tiên. Nguồn chi trả cho nhóm này sẽ là ngân sách nhà nước.
Trong trường hợp số lượng vắc xin về Việt Nam nhiều hơn, sẽ thực hiện theo kế hoạch tiêm ngừa do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xây dựng, trong đó có cả việc thực hiện tiêm song song hai nguồn Chính phủ chi trả và xã hội hóa (tiêm vắc xin dịch vụ).
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chủ động, tích cực đàm phán với các hãng có vắc xin đã được nhiều quốc gia phê duyệt là Pfizer, Moderna và một số nhà sản xuất khác để có thêm vắc xin cho Việt Nam.
Nguồn: TÚ ANH (Theo Sky News)
Vắc xin Việt Nam có thể ra mắt vào giữa năm
Theo ông Lê Văn Truyền – chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc và sinh phẩm y tế của Bộ Y tế, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, hôm 28-1 hội đồng này đã họp khẩn về việc xem xét phê duyệt vắc xin AZD1222 của AstraZeneca, theo quy định trong khoản 1, điều 67, nghị định 54 của Chính phủ (nhập khẩu cho nhu cầu khẩn cấp phòng chống dịch bệnh).
Ông Truyền cho biết 100% thành viên hội đồng đã thống nhất trình bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt nhập khẩu vắc xin này.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết do Việt Nam đã ký một bản ghi nhớ với nhà sản xuất vắc xin từ trước theo hình thức “đầu tư mạo hiểm” nên số lượng và giá vắc xin đàm phán được đều ở mức tốt, số lượng lớn và giá thành hạ hơn nhiều so với các nước cùng mua vắc xin này.
Ông Truyền cho hay hiện đã có khoảng 10 nước cho lưu hành 1 năm hoặc nhập khẩu khẩn cấp/có điều kiện vắc xin của AstraZeneca. Ở Việt Nam, đơn vị có trách nhiệm đã nộp hồ sơ hôm 6-1, các chuyên gia đã xem xét đánh giá trước khi Hội đồng tư vấn xem xét hôm 28-1.
Hiện Việt Nam còn bốn công ty đang nghiên cứu sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 “made in Vietnam”, hai trong số đó ở giai đoạn tiêm thử nghiệm trên người. Ngay sau Tết Nguyên đán, vắcxin Nanocovax của Công ty Nanogen sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 trên 560 người tình nguyện. Nếu triển khai nhanh và được phê duyệt khẩn cấp, vắc xin này có thể ra mắt vào giữa năm 2021. Khi đó, diện người được tiêm ngừa sẽ rộng hơn.
Đáng kể là vắc xin Covivac – sản phẩm hợp tác giữa Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Vắc xin sinh phẩm y tế (IVAC), ĐH Y Hà Nội và các tổ chức quốc tế – được phát triển trên biến chủng mới của SARS-CoV-2. “Chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào vắc xin này” – tiến sĩ Phạm Văn Tác, cục trưởng Cục Công nghệ khoa học và đào tạo (Bộ Y tế), khẳng định.
Nhưng có một điều cần chú ý là không vắc xin nào đảm bảo phòng bệnh 100%, do đó bên cạnh tiêm ngừa vẫn nên áp dụng những biện pháp phòng dịch đầu bảng như khẩu trang, rửa tay sạch, giữ khoảng cách… để thật sự an toàn.
Hải Phòng đề xuất mua vắc xin tiêm cho hơn 2 triệu dân
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 30-1, ông Lê Khắc Nam – phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng – cho biết trước những diễn biến mới của dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng, thành phố đã chủ động lên phương án và đề xuất xin ý kiến Chính phủ về việc mua vắc xin COVID-19 để tiêm chủng cho toàn bộ người dân thành phố cảng. Theo ông Nam, đề xuất này là hợp lý trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hiện nay cũng như đã có nhiều loại vắc xin ngừa COVID-19 được sản xuất, tiêm chủng cho người dân.
Về thời điểm thành phố đặt mua, ông Nam cho biết đang chờ Chính phủ cho ý kiến và sau đó còn phải làm các thủ tục pháp lý liên quan việc mua bán. Tuy nhiên, nếu được thông qua thì thành phố sẽ tập trung nguồn lực để triển khai sớm nhất.
Về nguồn kinh phí, phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết nguồn chính sẽ lấy từ ngân sách thành phố và một phần từ hỗ trợ của trung ương. Trong trường hợp Chính phủ chưa bố trí được nguồn ngân sách thì thành phố sẽ chủ động về kinh phí để triển khai. “Mục tiêu chính của thành phố là giúp người dân trên địa bàn đảm bảo sức khỏe và sẽ góp phần cùng với cả nước khống chế dịch bệnh này trong thời gian sớm nhất để ổn định sản xuất, đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường” – ông Nam chia sẻ.
Trước đó vào chiều 29-1, tại hội nghị họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hải Phòng do ông Lê Văn Thành – bí thư Thành ủy Hải Phòng – chủ trì từ điểm cầu Hà Nội, ông Lê Khắc Nam đã nêu đề xuất mua vắc xin tiêm chủng cho 2,051 triệu người dân thành phố với quy trình tiêm 2 liều/người, mỗi liều cách nhau 21 ngày.
Đã chuẩn bị cho tình huống có 10.000 người bị nhiễm
Đội ngũ y bác sĩ thuộc tổ phản ứng nhanh tăng cường đến thị xã Đông Triều, Quảng Ninh xuyên đêm truy vết COVID-19 – Ảnh: TIẾN THẮNG
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết đợt dịch lần này có mức độ lây nhiễm rất cao, chỉ sau một ngày đã có 82 trường hợp mắc mới và sau đó tiếp tục phát hiện thêm trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.
Phân tích về nguyên nhân dẫn tới việc virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết hiện tình trạng nhập cảnh trái phép từ các nước đã được nâng lên mức độ cảnh giác cao nhất theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng chúng ta cũng không thể hoàn toàn kiểm soát được.
Thứ hai, các trang phục bảo hộ của nhân viên phục vụ tại cảng, cửa khẩu chưa thực hiện đúng theo quy định là yếu tố gây ra nguy cơ lây nhiễm từ hành khách mang virus đi từ các chuyến bay giải cứu về Việt Nam.
Thứ ba, điều kiện bảo đảm an toàn trong khu cách ly và cơ sở tập trung được quản lý tốt nhưng cũng có thể một ai đó lơ là trong khâu, trong quá trình tiếp xúc người cách ly chưa phát hiện mắc bệnh nên sau đó lây ra cộng đồng. Vì thế, chúng ta phải hết sức cẩn thận, không được lơ là.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, việc truy vết F0 là cần thiết. Nhưng kinh nghiệm từ Đà Nẵng cho thấy dù chưa phát hiện F0 vẫn truy vết được. Do đó, ưu tiên đầu tiên thời điểm này là truy vết các trường hợp có tiếp xúc liên quan các bệnh nhân. Tại Quảng Ninh, không chỉ xét nghiệm cho F1, F2, F3 mà đã xét nghiệm lên tới F4, tức mở rộng cộng đồng thuộc diện nghi ngờ để làm xét nghiệm.
“Chúng ta có kinh nghiệm trong các vụ dịch gần đây. Bộ Y tế đã xây dựng các tiểu ban, trong đó có tiểu ban hậu cần, bảo đảm từ giờ đến tết mọi phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng, chuẩn bị cho tình huống có 10.000 người bị nhiễm trong nước. Chúng ta quyết tâm chặn được dịch trong vòng 10 ngày từ ngày 28-1. Đến 25 tết có thể nỗ lực khống chế, kiểm soát được hai ổ dịch này”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Nguồn: tuoitre
© 2024 | Thời báo ĐỨC