Sáng 11-9, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã tổ chức họp báo tại TP.HCM và Hà Nội để "nói rõ sự tình" và tuyên bố từ quý 4-2017 sẽ thu tác quyền ở khách sạn khắp cả nước, kể cả Đà Nẵng.
Cho dù là khách sạn bình dân hay khách sạn năm sao, resort cao cấp gì thì mức thu cũng 25.000 đồng/phòng ngủ, phòng khách có tivi/năm.
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tuyên bố
Mức giá cào bằng này có thể sẽ tiếp tục tạo nên những bất đồng ở vài đơn vị kinh doanh hoặc vài địa phương nhưng Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết nhiều năm qua vẫn áp dụng mức giá này và nhìn chung là "không có phản ứng gì đáng kể".
Sau những dư luận tại Đà Nẵng, việc thu tác quyền ở khách sạn đã được Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch khẳng định hôm 25-5 là hợp pháp.
Theo quy định tại Điều 33, Luật sở hữu trí tuệ, việc sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình nhằm mục đích thương mại thì tổ chức khai thác sử dụng phải trả tiền bản quyền tác giả.
Ngoài ra, tại điểm b khoản 1 điều 20 Luật sở hữu trí tuệ cũng quy định về "quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng" bao gồm việc biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được, ngoại trừ tại gia đình.
Thực tế, trong 10 năm qua, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thực hiện thu tiền tác quyền âm nhạc ở các khách sạn 4,5 sao trên cả nước, và hiện nay bắt đầu triển khai đối với các khách sạn từ 1 đến 3 sao.
Đây là một khoản thu rất nhỏ so với những lợi ích mà chúng ta có được khi tham gia chi trả tác quyền đúng luật.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - phó giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam
Ông Cẩn cũng chia sẻ rằng với khoản thu này, nếu các doanh nghiệp khách sạn khắp cả nước đóng đủ hết thì mỗi năm trung tâm cũng chỉ thu về được hơn 200 triệu, một con số quá khiêm tốn so với các loại hình kinh doanh phải đóng tác quyền khác.
PhíaTrung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng cho hay đã thu tác quyền tại các khách sạn ở nhiều tỉnh, thành mà không gặp bất kỳ vướng mắc gì.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - phó giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - chủ trì cuộc họp tại TP.HCM vào sáng 11-9 - Ảnh: Q.N.
Sở dĩ Đà Nẵng có một vài đơn vị phản ứng vì họ chưa nắm rõ luật cũng như không tham gia vào các hội nghị về bản quyền mà trung tâm đã tổ chức suốt nhiều năm qua.
Ông Cẩn cũng nói rằng từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị để phổ biến về tác quyền tại Đà Nẵng nhưng chưa thu tác quyền tại các khách sạn vì muốn người dân được tiếp cận với luật và các quy định một cách rõ ràng trước khi trung tâm thực hiện thu tác quyền.
Và đến nay thì không thể tiếp tục chần chừ nữa.
Cũng trong sáng 11-9, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã chia sẻ khá nhiều thông tin về hoạt động của mình trong 15 năm qua. Trung tâm cho biết hiện có gần 4.000 tác giả trên khắp cả nước đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Và gần như mỗi ngày đều có tác giả mới, trẻ để để ủy quyền cho trung tâm thu tác quyền hộ.
Về các đối tác nước ngoài, trung tâm cũng cho biết hiện đã là đối tác về tác quyền tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Cẩn cũng hé lộ từ khi thành lập trung tâm đến nay, các trung tâm tác quyền ở các nước đã trả tác quyền về cho Việt Nam hơn năm tỷ đồng.
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng đã trả tác quyền cho các nước, tổ chức có ký kết trên 62 tỷ đồng.
Phía trung tâm cũng khẳng định tác quyền sau khi thu sẽ được chuyển đến các tác giả 80%.
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam sẽ giữ lại 20% để chi trả công tác vận hành trung tâm. Tác quyền sẽ được trung tâm chi trả từng quý, trong khi ở các quốc gia khác thường chỉ được trả một đến hai lần trong năm.
QUỲNH NGUYỄN/ TUOITRE
© 2024 | Thời báo ĐỨC