Bên cạnh những lời phản bác có phần quá khích và vô tình, đã có những phản biện chuyên môn rất đáng chú ý với góc nhìn học thuật sâu sắc và trên cơ sở đóng góp, cầu thị.
Câu chuyện về con chữ đã được mở rộng ra, chúng ta lại có thêm những kiến thức không mới nhưng rất thú vị và một cơ hội để nhìn lại những điều tuyệt vời đã mất.
Mới đây Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai thuộc Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan đã chia sẻ góc nhìn của mình về chữ viết với khái niệm “tri nhận nghiệm thân” (embodied cognition).
Dưới phân tích của chị, những cảm nhận mơ hồ của rất nhiều người đã được bảo vệ và khẳng định bằng những kết luận khoa học thuyết phục. Phần lớn trong chúng ta đều cảm nhận được rằng chữ viết không chỉ là công cụ để ghi lại lời nói, không chỉ là những ký tự vô tình và chúng ta có thể sửa đổi nếu cần. Đâu đó trong chúng ta thấy được mối liên hệ mật thiết, hiện hữu nhưng vô hình giữa hình thức của chữ viết và những rung động từ nội tâm của mình.
Nó không chỉ là một sự quen thuộc, tình yêu và quá trình hình thành tư duy theo thời gian mà còn là cảm nhận thẩm mỹ, thị giác tác động ngược trở lại cảm thụ nội hàm của con chữ. Và trên hết là mối liên hệ thiêng liêng với truyền thống cổ xưa, những khái niệm sơ khai nhất nhưng sâu sắc nhất về mọi sự vật hiện tượng và cảm thụ mà con người có thể có trong quá trình sống được lưu lại và truyền thụ cho các thế hệ thông qua chữ tượng hình. Đó là điều mà chữ tượng thanh, hay hệ thống Tự mẫu ghi âm quốc tế (International Phonetic Alphabet – IPA) không thể làm được.
Ở đây không nói đến việc chữ viết nào ưu việt hơn, bởi mọi sự so sánh là khập khiễng và tùy vào việc bạn hiểu thế nào là ưu việt. Có thể với người này, sự ưu việt là khả năng học nhanh, sử dụng đơn giản, tốc độ ghi chép nhanh. Nhưng với người khác ưu việt của chữ viết là phải truyền tải được nội hàm sâu sắc của chủ đề được đề cập, lưu giữ được những giá trị chung nhất cho nhiều đời sau nữa… Từ góc nhìn văn hóa, chúng tôi chỉ muốn chia sẻ nét đẹp và những giá trị không thể chối cãi của chữ viết tượng hình đối với văn hóa truyền thống và đạo đức con người.
Nét đẹp và những giá trị không thể chối cãi của chữ viết tượng hình đối với văn hóa truyền thống và đạo đức con người. (Ảnh: youtube.com)
Chữ tượng hình là rối rắm, khó học?
Có một khái niệm trong tâm lý học, không tương đồng với “tri nhận nghiệm thân” nhưng đã được cố giáo sư Cao Xuân Hạo dùng để giải thích cho cái “hay ho” của chữ tượng hình, được gọi là tâm lý học Gestalt hay nôm na là tri giác tổng thể. Khi con người chúng ta nhìn thấy một nhóm vật thể, chúng ta nhận ra toàn bộ chúng trước khi nhìn các vật thể riêng biệt. Chúng ta thấy tổng thể nhiều hơn là thấy tất cả các chi tiết, và thậm chí khi những phần được chia ra riêng rẽ, chúng ta vẫn nhìn theo cách tập hợp chúng như tổng thể.
Cố Giáo sư lấy ví dụ rằng, ở phương Tây có một số trẻ em không sao học đánh vần được. Tỷ lệ trong cộng đồng không phải là nhỏ, cứ một triệu em sẽ có khoảng từ một ngàn hai đến hai ngàn em như thế. Đó là chứng alexia (không đọc chữ được) hay dislexia (mất khả năng đọc chữ). Những em này thường được coi là “khuyết tật” hay thậm chí là “quá đần độn” để tiếp thu tri thức. Rất may cho các em là đã có những nhà ngôn ngữ học nghi ngờ rằng nguyên nhân của tình trạng này không phải ở các em, mà chính là ở lối viết abc.
Năm 1978, một nhóm chuyên gia người Mỹ quyết định làm một cuộc thí nghiệm. Họ mở một lớp các em mắc chứng alexia và dạy chương trình tiểu học cho chúng bằng chữ Hán. Học sinh học các môn bằng tiếng Anh, nhưng các từ tiếng Anh đều được viết bằng chữ Hán. Chẳng hạn, câu “He came to a high mountain” được viết bằng sáu chữ Hán là “Tha đáo cập nhất cao sơn”, đều cùng một nghĩa là “Anh ấy đã tới ngọn núi cao”.
Sau một năm, các em đọc và viết được 1.600 từ đơn, và về khả năng hấp thu tri thức, chúng tỏ ra không “đần độn” chút nào, thậm chí có phần trội hơn các em học tiểu học bằng chữ abc.
Người ta hiểu ra rằng bán cầu phải (phụ trách tri giác tổng hợp) của các em trội hơn bán cầu bên trái (phụ trách tri giác phân tích), cho nên các em chỉ nhận dạng được chữ Hán vốn có hình thể đặc trưng mô tả được sự vật hiện tượng cụ thể. Trong khi với các em này, việc tách các từ ra từng âm tiết, từng chữ cái lại rất đỗi khó hiểu. Như việc chúng ta nhận diện ra người quen là thông qua tổ hợp gương mặt bao gồm cả mắt, mũi, mồm, tai… chứ không chỉ qua một chi tiết trong đó. Hay nói cách khác, chúng ta tư duy bằng cả hình ảnh, bằng thị giác một cách tổng hợp chứ không chỉ là bằng lời nói.
Những người học tiếng Hán đều sẽ thấy rất thú vị và dễ hiểu khi được dậy rằng chữ Mộc (木) nghĩa là cây, với những nét mô tả một cái cây rất sinh động. Chữ Lâm (林) bao gồm 2 “cái cây” đứng cạnh nhau, mô tả số nhiều, có nghĩa là rừng.
Rồi đến những chữ mô tả khái niệm không dễ định nghĩa như chữ Phạ (e sợ, sợ hãi) là do chữ Tâm (心) và chữ Bạch (không, trống không: 白) ghép thành. Ngụ ý rằng, một người mà nội tâm trống rỗng, hư không thì thường hay lo lắng, sợ sệt. Ẩn trong đó là cả bài học làm người. Muốn tự tại, luôn vươn mình đứng thẳng không e sợ điều gì trong cuộc sống, thì bạn phải luôn học hỏi, hoàn thiện bản thân, lấp đầy nội tâm trống rỗng. Nếu trong chữ viết ghi âm, chúng ta học chữ “sợ” thì cũng không thể biết khái niệm sợ là gì nếu không có những trải nghiệm cá nhân. Mỗi người sẽ lại có những ấn tượng và mức độ khác nhau, hơn nữa lại hoàn toàn không có được những bài học đạo đức mà tiền nhân để lại thông qua ngôn ngữ tượng hình sinh động.
Ví như chữ nghĩa (義) dạng phồn thể bao gồm chữ ngã (我) và chữ dương (羊). Thời xưa, dê là con vật dùng để tế sống, đem ra tế lễ Thần linh, Trời đất, thể hiện tinh thần hiến dâng. Còn chữ Ngã (我) là ta, cái tôi, đặt ở dưới chữ dương (羊) mang ý nghĩa sự hiến dâng, tức là tinh thần phụng sự. “Nghĩa” là phụng sự, dâng hiến, vì người khác, vì công bằng (tín ngưỡng) mà chinh chiến…
Có thể thấy, “thiện” chính là điều kiện tiên quyết của “nghĩa”. Cả bộ truyện “Tam Quốc diễn nghĩa” cũng là để diễn giải nội hàm của chữ “Nghĩa” này. (Ảnh: tinhhoa.net)
Khi “nghĩa” phù hợp với tự nhiên thì nó là chính nghĩa, “nghĩa” trái với tự nhiên thì nó là phi chính nghĩa. Lúc điều phi chính nghĩa đem lại sự nguy hại to lớn đối với nhân loại thì thảo phạt, chinh chiến, dẹp bỏ cái phi chính nghĩa ấy sẽ là một loại việc làm chính nghĩa. Thời cổ đại, các cuộc chinh chiến, thảo phạt dùng “thiện” làm mục đích thì mới được xưng là “nghĩa”. Do vậy có thể thấy, “thiện” chính là điều kiện tiên quyết của “nghĩa”. Cả bộ truyện “Tam Quốc diễn nghĩa” cũng là để diễn giải nội hàm của chữ Nghĩa này. Nhưng chỉ một chữ viết với hai bộ thủ đã phần nào thấy được tổng kết mà người xưa đúc kết từ bao đời. Đó là điều mà chữ viết ghi âm không thể làm được chỉ qua một con chữ.
Thậm chí có những khái niệm mà người đời nay không hiểu rõ, không tin là có tồn tại, nhưng đã được người đời xưa định nghĩa vô cùng dễ hiểu. Như chữ “Thánh” chính thể gồm chữ “Nhĩ” (耳 – cái tai), chữ “Khẩu” (口 – miệng), và chữ “Vương” (王 – vua). Như vậy, “Thánh” là đôi tai, là cái miệng của Trời, truyền đạt ý chỉ của Trời, biết lắng nghe thiên hạ, truyền đạo của Thiên tử, giáo hóa để nhân tâm con người hướng thiện.
Có người nói “Hiểu chữ Hán, hiểu đạo lý nhân sinh”, chính là vì trong mỗi một chữ lại là những câu chuyện đạo đức, những giáo lý đúng đắn, những truyền thống văn hóa tốt đẹp. Thế nên những quốc gia còn sử dụng chữ Hán chính thể (không phải chữ giản thể đã được cải cách ngày nay của Trung Quốc) đều giữ được phần nào những giá trị đạo đức lâu đời tốt đẹp trong nền văn hóa hiện đại của họ, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…Và tất nhiên, xã hội nào lưu giữ được những giá trị truyền thống nhân văn, tốt đẹp thì sẽ có sức mạnh nội tại và sự liên kết bởi các thành viên đều có được sự ước thúc và áp lực trở nên tốt hơn trong xã hội coi trọng đạo đức. Đó là điều kiện cần cho sự phát triển mọi mặt.
Có người nói “Hiểu chữ Hán, hiểu đạo lý nhân sinh”, chính là vì trong mỗi một chữ lại là những câu chuyện đạo đức, những giáo lý đúng đắn, những truyền thống văn hóa tốt đẹp. (Ảnh: japantoday.com)
Cố Giáo Cao Xuân Hạo, vì thế cũng đã từng viết:
“Có khá nhiều người Việt nghĩ đến những ai đã đem chữ ‘Quốc ngữ’ thay cho chữ Hán, chữ Nôm với một lòng biết ơn sâu xa, cho rằng việc đó đã đưa nước ta tiến vào hiện đại. Nghĩ như thế tôi e có phần vội vàng. Chẳng lẽ sự tiến bộ của Trung Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan, Hương Cảng, Ðại Hàn, Singapore không đủ để chứng minh sự sai trái của ý nghĩ đó hay sao?
Năm 1985, trong một cuốn sách nổi tiếng, cuốn Le nouveau monde sinisé (Thế giới Hán hóa ngày nay), Léon Vandermeersch khẳng định rằng sở dĩ những “con rồng” nói trên thành rồng được chính là vì họ vẫn dùng chữ Hán. Chỉ còn một nước chưa thành rồng được: Việt Nam. Nước này đã bỏ mất chữ Hán mà trước kia nó đã từng dùng.
Dĩ nhiên, ta có thể không đồng ý với học giả này, nhưng khó lòng có thể nói rằng đó là một chuyện hoàn toàn ngẫu nhiên”.
Có thể thấy quan niệm rằng chữ tượng hình như chữ Hán chính thể là quá rối rắm, khó học không hoàn toàn chính xác. Bởi chúng ta cũng tư duy bằng cả hình ảnh và quá trình tiếp cận chân lý hoàn toàn có thể là con đường của tư duy thị giác. Việc học có thể mất nhiều thời gian hơn so với chữ ghi âm, nhưng một khi đã trải qua những bước cơ bản, việc học lại không hề quá khó. Hơn nữa, trong chữ tượng hình cổ có lưu lại những quan sát và bài học về nhân sinh cảm ngộ rất sâu sắc, thuần khiết của người xưa. Đó là những di sản rất trân quý nên được lưu truyền lại một cách nguyên vẹn nhất có thể cho các thế hệ mai sau.
Một lần nữa xin nhắc lại, chúng ta có thể tranh luận còn dâu dài về việc chữ viết nào ưu việt hơn. Nhưng việc nhìn nhận lại và công nhận những di sản rất có giá trị của chữ tượng hình, hay với người Việt là chữ Hán – Nôm cổ, là có ý nghĩa to lớn hơn nhiều so với sự tự tôn quá cao tới mức mất lý trí về việc học chữ của “người hàng xóm”.
Học chữ Hán – Nôm, học làm người
Ở Thuận Thành, Bắc Ninh, có một phong trào học chữ Hán – Nôm rất thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Tiến Chẩn chia sẻ rằng: “Cả huyện Thuận Thành có hơn chục lớp học chữ Hán – Nôm. Người theo học trẻ nhất khoảng hơn 20 tuổi, người nhiều tuổi nhất đã 84”. Bác Nguyễn Duy Chuẩn (học viên cao tuổi nhất trong lớp Hán – Nôm ở Song Hồ) tâm sự rằng: “Học chữ Hán – Nôm đã giúp tôi hiểu thêm về đạo đức, chuyện ‘làm người’. Có nhiều người hỏi, tôi tuổi đã cao rồi còn học để làm gì. Với tôi đơn giản học chỉ để biết thêm. Biết được cái gì thêm cũng có lợi cho mình”.
Anh Nguyễn Đức Phú, kinh doanh đồng hồ đeo tay, cũng là một học trò trong lớp học chữ Hán – Nôm, chia sẻ: “…Tiếp thu được chữ Hán- Nôm giúp tôi hiểu được nhiều nghĩa của từ ngữ gặp hàng ngày. Cơ bản là việc học Hán- Nôm giúp bản thân tôi có được những thay đổi trong suy nghĩ và cách sống. Từ việc học chữ, bản thân tôi cảm thấy muốn học hỏi thêm nhiều điều hay lẽ phải”.
Cơ bản là việc học Hán- Nôm giúp bản thân tôi có được những thay đổi trong suy nghĩ và cách sống. Từ việc học chữ, bản thân tôi cảm thấy muốn học hỏi thêm nhiều điều hay lẽ phải”. Chia sẻ của anh Nguyễn Đức Phú, kinh doanh đồng hồ đeo tay. (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn)
Người ta nói “Học chữ Hán, học làm người” không phải là nói ngoa, những bài học về đạo lý làm người, về sự hòa hợp giữa con người, tự nhiên, và vũ trụ trong chữ Hán chính thể đều rất xúc tích và thể hiện được tính chân lý cho tới tận mấy nghìn năm sau. Bản thân người Hoa ngày nay cũng đang phải tìm về với nguồn cội, với sợi dây níu giữ đạo đức bằng cách học lại chữ Hán chính thể, sau khi chữ giản thể phá hoại mọi sự kết nối với truyền thống tốt đẹp của 5.000 năm văn hóa Thần truyền trên mảnh đất Thần Châu.
Hãy cùng tìm hiểu một số ví dụ cho thấy sự thay đổi của chữ viết có thể ảnh hưởng tới nhận thức của con người thông qua nội hàm sai lệch mà nó chuyển tải như thế nào.
Chữ “Vi” chính thể (đọc là “Wéi” – thanh 2), có nghĩa là “tu dưỡng”. Nên câu “Nhân bất vi kỷ, thiên trụ địa diệt”có nghĩa là: “Con người không tu dưỡng bản thân, trời tru đất diệt”. Đây là lời răn dạy, nhắn nhủ của người xưa làm người phải coi trọng việc tu tâm dưỡng tính, thiện đãi mọi người xung quanh.
60 năm sau, chữ “Vi” giản thể (đọc là “Wèi” – thanh 4) có nghĩa là “vì”. Vậy nên nghĩa trong câu này lại bị tráo đổi thành: “Người không vì mình, trời tru đất diệt”. Một con chữ đã khiến bao thế hệ hiểu lầm, lệch lạc về tư duy, không những không còn coi trọng việc tu tâm dưỡng tính, mà chỉ muốn giành giật những điều tốt đẹp cho bản thân mình. Vì điều đó thậm chí họ có thể làm hại tới người khác.
Chữ “Kỹ” (kỹ nữ). Chính thể (伎): Thời xưa, kỹ nữ chỉ bán tài nghệ, không bán thân. Bởi vì kỹ nữ thông thường đều nhảy múa, hát ca, ngâm thơ, đối đáp để làm đẹp lòng người thưởng thức. (Ảnh: youtube.com)
Chữ “Kỹ” (kỹ nữ). Chính thể (伎): Thời xưa, kỹ nữ chỉ bán tài nghệ, không bán thân. Bởi vì kỹ nữ thông thường đều nhảy múa, hát ca, ngâm thơ, đối đáp để làm đẹp lòng người thưởng thức.
Chữ giản thể (妓): Ngày nay, kỹ nữ bán thân chứ không bán tài nghệ. Bởi vì kỹ nữ ngoài thân thể ra thì chẳng có tài nghệ gì đặc biệt cả.
Đó là vẻ đẹp và nội hàm thâm sâu không thể chối cãi của tiếng Hán cổ, mọi sự cải cách khi chưa nghiên cứu nghiêm túc về những cái được mất, đặc biệt là sự mất mát về đạo đức, sự cách ly với truyền thống đều là điều đáng buồn cho các thế hệ mai sau.
Và bởi vì chữ viết không chỉ là ký tự, là công cụ ghi lại lời nói của con người, đó cũng là tác phẩm nghệ thuật, có khả năng tác động được đến suy nghĩ và cảm nhận của chúng ta thông qua tri giác tổng hợp, nên nó cũng phải đảm bảo hiệu ứng thẩm mỹ. Xin được mượn lời của Phó Giáo sư Phương Mai: “Một chữ cái giản đơn thôi cũng có tác dụng gợi lại các kết nối văn hoá, giá trị, tình cảm, cảm giác cơ thể, và trải nghiệm bồi đắp sau hàng trăm nghìn năm của từng cá nhân và dân tộc”.
Việc chữ viết nào tốt hơn không phải là vấn đề, vấn đề là chúng ta có thể đánh giá được hết ý nghĩa của mỗi loại chữ viết để có thái độ ứng xử cho đúng, tránh gây ra sự mất mát to lớn đối với chính bản thân mình và những thế hệ con cháu sau này hay không? Sự kiện đề xuất cải cách chữ viết của ông Bùi Hiền cũng như một hòn đá ném xuống mặt hồ phẳng lặng, nó không chỉ là để chúng ta tranh luận và phản ứng ngay tắp lự, mà còn là một cơ hội để cùng nhìn lại, đánh giá lại những gì chúng ta có thể đã đánh mất. Những gợn nước sẽ còn lan tỏa xa, đánh động và nhắc nhở về sự chơi vơi của chúng ta, như những đám bèo nổi không có cội rễ khi không có mối liên kết với truyền thống lâu đời.
Thu Hiền
© 2024 | Thời báo ĐỨC