Cô giáo bắt học sinh quỳ, phụ huynh bức xúc tới tận trường bắt cô giáo quỳ lại. Màn ăn miếng trả miếng dậy sóng mạng xã hội chưa lâu thì đã lại có màn mới từ phụ huynh khi thấy con mình có vết bầm tưởng cô giáo đánh bèn tới đạp và bắt cô giáo quỳ, bất chấp việc cô giáo đang mang thai.
Và hôm qua thì lại là tin chấn động nữa:
Cô giáo bắt lớp trưởng vắt giẻ lau bảng lấy nước để phạt một học sinh lớp 3 nói chuyện riêng - bắt uống. Cứ như thể đang có một cuộc chiến xem ai ác hơn ai vậy. Điều kinh khủng gì đang xảy ra với giáo dục Việt Nam vậy???
Một cô giáo sinh năm 1993, đã 25 tuổi, là con của Phó phòng giáo dục huyện, 2 bằng Đại học (chính quy ĐH Kinh tế - văn bằng 2 là ĐH Sư Phạm tiểu học do trường ĐH Hải Phòng cấp) mà lại có cách cư xử "thổ dân", thậm chí nghĩ ra hình phạt đã ác còn quái chiêu như thời trung cổ.
Không chỉ em học sinh nạn nhân của cô phải chịu "ngộ độc tâm lý", mà còn cả em học sinh phải vắt giẻ lau lấy nước, và cả lớp - những em nhỏ đã chứng kiến hình phạt rùng rợn của cô giáo này.
Hàng triệu phụ huynh khác đang rùng mình khi đọc tin này, hàng trăm ngàn giáo viên đang đứng lớp, những nhà giáo tâm huyết hẳn cũng đang thấy đau đớn.
Cô gái này không thể và không bao giờ được gọi là cô giáo nữa. Nếu không, tôi tin, hàng trăm ngàn giáo viên tử tế và tâm huyết khác sẽ cảm thấy bị sỉ nhục ghê gớm.
Những gì cô đã làm vượt quá giới hạn của một con người bình thường chứ đừng nói là một giáo viên. Với những gì cô đã làm, tôi nghĩ, không chỉ là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp nhà giáo mà còn là một hành vi bạo hành trẻ em đáng lên án.
Trong hàng trăm vụ bạo hành trẻ em mà cả xã hội đang lên án, việc bắt một đứa trẻ uống nước từ giẻ lau bảng là trường hợp đáng coi là quái dị.
Một lời xin lỗi, cắt hợp đồng hay kể cả đuổi ra khỏi ngành, cấm cửa làm giáo viên vĩnh viễn và tước bằng sư phạm… tất cả chỉ là giải quyết một sự vụ.
Vài hôm nữa, chúng ta sẽ lại đọc thấy những sự vụ khác. Có thể nhẹ hơn hoặc nặng hơn. Nhưng lòng tin vào giáo dục Việt Nam lại thêm một lần nữa bị bào mòn vẹt đi.
Thầy cô sẽ đề phòng phụ huynh xông vào trường đánh mình. Phụ huynh sẽ nhìn thầy cô đang dạy con mình bằng đôi mắt dè chừng, cảnh giác. Những đứa con của chúng ta sẽ học được điều gì từ thầy cô và cha mẹ của mình?
Kể cả nghĩ một cách "tích cực", khi thầy cô bắt đầu biết "sợ" học sinh, không dám đánh mắng học sinh, đến phạt học sinh cũng phải che chắn trăm bề nếu không muốn sai một ly đi… sấp mặt, thì khi đó, giáo dục sẽ chỉ thuần là truyền bá kiến thức. "Ai dám động vào con ông bà".
Đến đây thì tôi lại cảm thấy thương cho lũ trẻ sinh ra ở cái thời mạng xã hội bùng nổ như hiện nay. Khi mà cha mẹ nào cũng có "vũ khí" là cái Facebook của mình để doạ bất cứ một thầy cô nào đối xử không tử tế với con của họ.
Cô giáo tại trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Yên Thọ, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) xuống tận chỗ ngồi bạt tai học sinh, sự việc xảy ra năm 2014. (Ảnh cắt từ clip)
Khi mà những câu chuyện về một vài giáo viên tha hoá, biến chất, tồi tệ cũng dễ bị thổi phồng lên thành vấn nạn và rồi hàng vạn giáo viên khác cũng bị vạ lây.Những thứ được gọi là "tôn sư trọng đạo" bỗng chốc tan biến như chưa từng có trước những cách hành xử như giang hồ của nhiều vị phụ huynh.
Lũ trẻ tưởng như đang được bảo vệ nghiêm ngặt bỗng chốc bị đẩy vào "giữa hai làn đạn" của cuộc chiến tương tàn giữa thầy cô với các phụ huynh.
Mà lũ trẻ, chúng như một tờ giấy trắng vậy, người lớn làm gì nó sẽ in hằn lại ngay.
Vậy, giải pháp lúc này có thể là gì? Các thầy cô cần làm gì trước hàng triệu cặp mắt phụ huynh đang nhìn mình?
Bản thân các phụ huynh cần làm gì để tránh rối nhiễu thông tin khiến bản thân mất lòng tin vào những người đang dạy con em mình?
Các nhà quản lý giáo dục cần làm gì để ngăn chặn từ xa, không để xảy ra những tình huống phản sư phạm như thế?
Và thưa bộ trưởng Nhạ, ông sẽ làm gì để lấy lại lòng tin của xã hội với nghề giáo? Chúng ta có hàng trăm câu hỏi cần trả lời nhưng hình như lâu lắm rồi chúng ta chỉ quen hỏi, quen phán xét người khác.
Chừng nào chúng ta vẫn chỉ coi chuyện bắt quỳ, chuyện bắt uống nước giẻ lau chỉ là chuyện để phẫn nộ thì chúng ta sẽ còn phẫn nộ dài dài.
Tôi chỉ xin nhắn gửi đến các thầy cô đang đau đớn trước "con sâu làm rầu nồi canh", đang nghĩ nghề giáo là nghề nguy hiểm nhất thì xin hãy cứ vững tâm vì cũng như một số giáo viên chả ra gì thì cũng sẽ chỉ có một số phụ huynh chả ra gì thôi.
Hoàng Anh Tú - VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC