Trung Quốc ồ ạt qua mua giun đất, vườn cây Việt Nam gặp nạn

Việc thương lái Trung Quốc qua Việt Nam mua giun đất dẫn đến tình trạng trộm giun tràn lan ở các tỉnh phía bắc bằng cách kích điện, gây tai họa cho các vườn cây ăn trái trong lúc chính quyền vẫn chưa có cách xử lý.

1 Trung Quoc O At Qua Mua Giun Dat Vuon Cay Viet Nam Gap Nan

Giun đất được phơi khô để làm nguyên liệu bào chế thuốc trong Đông y

Việc thương lái Trung Quốc qua Việt Nam mua giun đất dẫn đến tình trạng trộm giun tràn lan ở các tỉnh phía bắc bằng cách kích điện, gây tai họa cho các vườn cây ăn trái trong lúc chính quyền vẫn chưa có cách xử lý, theo tìm hiểu của VOA.

Từ nửa sau tháng Bảy đến nay, các tỉnh phía bắc như Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Bắc Giang đã rộ lên tình trạng kích điện giun đất ở các vùng trồng cây ăn trái, trang mạng VnExpress cho biết.

Kênh VTC News hôm 8/8 cho biết mỗi ký giun tươi bán được 70 ngàn đồng, còn sau khi sấy khô thì có giá 900 ngàn đồng một ký. Trung bình mỗi tay trộm giun có thể bắt được khoảng 10 kg giun mỗi đêm.

Các tay trộm giun sẽ đi vào ban đêm vào các vườn cây của người dân, dùng que kích gắn với bình điện cắm xuống đất. Dòng điện sẽ khiến toàn bộ giun đất trong vòng một mét vuông chui lên mặt đất để họ bắt.

VTC News cho biết các chủ vườn cam ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, phải cắt giữ người canh giữ vườn ngày đêm, dựng thêm rào chắn, lắp camera, phối hợp với nhau lập các tổ đội canh gác những kẻ trộm giun.

Giun bắt được sẽ được bán cho thương lái Trung Quốc nhưng những tay trộm giun không hề biết họ mua giun để làm gì, cũng theo VTC News.

‘Địa long’

Từ ngày xưa, từ thời Hải Thượng Lãn Ông, giun đất đã được dùng làm thuốc, nhất là đông y Trung Quốc rất thích giá trị của giun, và giờ đây họ càng thấy tác dụng chữa bệnh của nó, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành Sinh học Việt Nam, giải thích với VOA lý do thương lái Trung Quốc đi thu mua giun đất.

Giáo sư Hùng nói chính vì được dùng để làm thuốc nên giun đất mới được mua với giá như vậy và cho biết trong kháng chiến chống Pháp ‘bộ đội đã từng ăn giun để chống sốt rét’ và hiện giờ giun có thể được dùng bào chế thuốc ‘chữa các bệnh như tim mạch, thần kinh’.

“Cho nên một số người Trung Quốc sang Việt Nam nhờ bà con Việt Nam mình đi bắt giun. Người ta mua giá cao nên bà con mình làm theo mà không để ý gì.”

“Và chính Trung Quốc đã ra lệnh cấm bắt giun tại con giun là thợ cày đất. Đất mà không có giun thì làm thế nào, làm sao xáo đất, làm sao làm tơi đất được?” ông nói thêm.

Giáo sư-Tiến sỹ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, cho biết giun đất, hay trùn đất, trong y học Trung Quốc có tên gọi là ‘địa long’. “Bây giờ họ xài hết rồi nên họ qua mua bên Việt Nam,” ông nói.

Giáo sư Xuân nói với VOA lợi ích của giun đất như sau: “Giun rất quan trọng. Chúng giữ cho đất được màu mỡ, đất được tơi xốp. Nếu thiếu giun đất thì đất dễ dàng bị nén chặt.”

Nếu không có giun đất thì cây vẫn ra trái nhưng ‘không tốt’ và ‘phải tốn kém thêm phân bón’, chưa kể đất bị nén chặt thì cây không được cung cấp nước đầy đủ trong khi mưa lớn sẽ gây ngập lụt, Giáo sư Xuân giải thích thêm.

Giáo sư Hùng lên án việc kích điện giun đất mà ông nói là cứ bắt hết liên tục từ đợt này đến đợt khác thì ‘sẽ hết giun’.

“Thực tế là trong đất vẫn còn rất nhiều trứng giun. Giun mà người ta bắt đi rồi thì giun con vẫn còn phát triển lên. Không hết được đâu. Nhưng mà cứ bắt liên tục thì rất nguy hiểm, nên phải chấm dứt việc kích điện thì giun con mới phát triển được.”

 

Nuôi giun thương mại?

Trước nhu cầu cao của phía Trung Quốc, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Lân Hùng đề xuất thử nghiệm nuôi giun đất đồng thời vận động bà con ‘đừng đi kích giun nữa’. Ông cho biết cách nuôi giun đất giống như nuôi giun quế mà Việt Nam đã làm lâu nay để làm thức ăn chăn nuôi, chỉ có điều thức ăn khác nhau, tốc độ nuôi sẽ chậm hơn.

Giáo sư-Tiến sỹ Võ Tòng Xuân cũng đồng ý với việc nuôi trùn đất mà theo ông ‘cũng không khó gì đâu vì Việt Nam đã nuôi trùn chỉ để làm phân bón’.

“Trung Quốc đặt hàng, bên mình nuôi và cung cấp cho họ chứ đừng có làm chuyện xua thương lái đi dụ dỗ nông dân mình nữa,” ông nói.

Giáo sư Xuân lưu ý nạn kích điện giun có hại như thế mà hiện nay Việt Nam không thể xử lý vì không có quy định. “Bây giờ mình chưa có luật lệ để mà phạt mấy người xâm hại đất đai của mình thành ra muốn bắt những người đó hơi khó,” ông giải thích.

Cho nên, ông khuyến nghị Việt Nam nên gấp rút ra luật vì đã có quy định chế tài việc chích điện bắt cá nhưng chưa có cách gì xử phạt những người kích điện bắt giun.

VTC News dẫn lời ông Trịnh Trung Hưng, phó công an xã Thu Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình cho biết công an ở đây bắt những người trộm giun xong thì phải thả ra sau khi tịch thu tang vật và chỉ bắt họ làm bản cam kết không tái phạm. Điều này không đủ sức răn đe những người này tái phạm, kênh này cho biết.

Cũng trên kênh này, ông Trịnh Bá Ninh, cựu phó Tổng Biên tập báo Nông nghiệp, đề xuất ‘để thương mại diễn ra bình thường, không cấm đoán, Trung Quốc muốn mua cái gì thì cứ bán cái đấy’.

“Anh muốn mua thì tôi sẽ kêu giá rất cao. Chẳng hạn như nếu anh muốn mua lúa non thì tôi sẽ bán như giá lúa chín. Nếu anh muốn mua lá nhãn thì tôi sẽ bán bằng giá với giá bán cả cây nhãn. Nếu anh muốn mua cau non thì tôi bán luôn, nhưng tôi sẽ bán giá gấp đôi cau già. Không cần biết anh mua làm gì.” ông trình bày.

Ý đồ của Trung Quốc?

Ông Ninh cho rằng trong vụ mua giun đất này ‘không có bằng chứng để suy đoán Trung Quốc muốn phá hoại nền nông nghiệp của Việt Nam’.

Các thương lái Trung Quốc trong những năm qua đã nhiều lần qua Việt Nam mua những mặt hàng lạ mà nông dân Việt Nam dù không biết họ mua làm gì nhưng vẫn bán và sau đó phải hứng chịu hậu quả. Chẳng hạn như họ mua móng trâu thì đồng ruộng thiếu sức kéo; hay khi họ mua lá điều thì điều không ra trái được nữa, họ mua cau non thì nông dân không còn quả cau mà thu hoạch.

Giáo sư Xuân cũng cho rằng có thể hiện tượng này chỉ là do ‘nhu cầu địa long bên Trung Quốc tăng cao mà họ không đáp ứng đủ’ chứ không phải có ý đồ phá hoại nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, dù thế nào thì việc kích điện giun hiện nay đã gây hại cho nông dân trong nước, ông nói.

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng nhận định việc này là ‘do cá nhân các thương lái Trung Quốc’ chứ không phải chủ trương của chính quyền Trung Quốc.

“Việc bắt giun ở vườn tược đồng ruộng như vậy là làm hại cây cối. Việc đó cả Trung Quốc, cả Việt Nam đều lên án. Không ai ủng hộ cả,” ông chỉ ra.

‘Việt Nam cần cảnh giác’

Trước hiện tượng thương lái Trung Quốc sang Việt Nam mua các mặt hàng lạ, Giáo sư Võ Tòng Xuân kêu gọi nông dân trong nước ‘phải cảnh giác’.

Ông dẫn ra đợt Trung Quốc thu mua lá điều ồ ạt khiến điều hết lá thì không thể hấp thụ dưỡng chất để ra hoa kết trái và các nhà máy chế biến điều không đủ nguyên liệu để hoạt động, hay quả cau bán khi còn non thì không có thu nhập nhiều như khi bán cau già.

Ông nói trong những trường hợp như vậy bản thân người nông dân phải sáng suốt, dè chừng, quyết định không bán những mặt hàng lạ cho dù giá có cao vì Nhà nước ‘thực sự không có cách nào cấm chủ vườn, chủ đất bán hoa lợi của họ’ và Nhà nước ‘cũng không thể ngăn sông cấm chợ’.

Vị giáo sư này cũng đề nghị chính quyền địa phương nên ‘quan tâm nhiều hơn’ và nếu họ thấy gì bất thường, chẳng hạn như người lạ tới mua những thứ bất thường thì họ ‘có quyền điều tra, như hỏi anh mua về làm gì, có ý đồ phá hoại hay không’.

“Nói chung bây giờ nông nghiệp Việt Nam mình rất cần đầu ra, nhưng đầu ra nó phải hợp lý thì mới bền vững được, còn những đầu ra không hợp lý như vậy nó có thể làm tổn hại nền nông nghiệp của mình,” ông nói.

Khi được hỏi liệu nông dân Việt Nam có rút ra bài học kinh nghiệm sau nhiều lần bị rơi vào bẫy của thương lái Trung Quốc hay không, Giáo sư Võ Tòng Xuân nói: “Bình thường những người nghèo họ không chịu học bài học. Cứ thấy cái gì kiếm tiền được là họ chơi liền, không cần biết tương lai như thế nào.”


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày