© Ảnh:Công trình xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên đảo Duy Mộng - Ảnh chụp màn hình BenarNers
Trang BenarNews ngày 6.11 đưa tin Trung Quốc ngang ngược xây dựng nhiều công trình phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy có nhiều công trình mới tại một số đảo, bao gồm nhà, trạm cấp điện, khu trồng trọt và công trình giống một bãi đáp trực thăng.
Theo bản tin, Trung Quốc có thể đang tìm cách củng cố khả năng tiếp cận và sự ổn định của các đảo mà nước này chiếm đóng phi pháp.
Tại đảo Duy Mộng xuất hiện một công trình giống bãi đáp trực thăng, có thể nhằm giải quyết vấn đề tiếp cận vì các tàu hiện đang phải đi qua một rãnh giống như kênh đào để đến đảo. Hình ảnh vệ tinh cho thấy kể từ ngày 20.5, một bãi đất được dọn trống ở phía tây của bến tàu và đang được xây dựng. Khu vực hình vuông dường như đang được lót nền với một số công trình được xây hoặc đã xây móng tại rìa phía tây bãi đất. Đến ngày 3.10, việc xây dựng vẫn tiếp tục.
Tại đảo Cây, hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều công trình được tôn tạo từ ngày 21.4 đến 7.10 nhằm hỗ trợ cư trú và trồng trọt.
Một bãi đất được dọn sạch cạnh công trình ở phía đông bắc của bến tàu và một công trình giống như sắp được xây thêm thành dãy nhà ở và kho.
Nơi trồng trọt ở phía bắc bến tàu trong xanh hơn trước, cạnh một tua bin gió được tháo rời gần nhiều tấm pin năng lượng mặt trời trong hình ảnh ngày 21.4 đã được dựng lên trong hình ảnh ngày 7.10.
Khu xây dựng lớn nhất nằm cạnh bến tàu, với bãi đất hình tam giác nơi các nhà tạm được dần thay thế bằng các công trình vững chắc hơn. Bãi đất xanh hóa trong 6 tháng qua cho thấy Trung Quốc có thể đã đưa đất đến hoặc dùng hóa chất để dần dần biến cát thành đất.
Hình ảnh vệ tinh Cồn Cát Tây ngày 14.5 (trên) và 6.10 Ảnh chụp màn hình BenarNews |
Tại Cồn Cát Tây, hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã trồng nhiều cây chứ không phải cây cối phát triển tự nhiên, khi so sánh hình ảnh ngày 14.5 và 6.10.
Trước đó vào tháng 6, cũng theo BenarNews, tàu Trung Quốc có thể đã bắt đầu hoạt động đặt cáp ngầm phi pháp ở Hoàng Sa. Trước thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
“Mọi hoạt động liên quan đến 2 quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị. Các nước cần hành động có trách nhiệm, tránh làm phức tạp tình hình, đóng góp vào hòa bình và an ninh ở Biển Đông”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Thanh Niên điện tử
© 2024 | Thời báo ĐỨC