Trung Quốc lặng lẽ cài đặt tên lửa bất hợp pháp ở Trường Sa

Trung Quốc lắp đặt bất hợp pháp tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và hệ thống tên lửa phòng không HQ-9B là một bước leo thang đáng kể quân sự hóa Biển Đông.

Trung Quốc lặng lẽ cài đặt tên lửa bất hợp pháp ở Trường Sa - 0

Tên lửa hành trình chống hạm YJ của Trung Quốc, hình minh họa, nguồn: Twitter.

Đài CNBC ngày 2/5 (3/5 giờ Hà Nội) đưa tin, Trung Quốc đã lặng lẽ cài đặt (bất hợp pháp) tên lửa hành trình chống hạm và hệ thống tên lửa phòng không trên 3 đảo nhân tạo họ xây dựng (trái phép) ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Động thái này cho phép Bắc Kinh tiếp tục tăng cường quân sự hóa và khả năng kiểm soát khu vực, theo các nguồn thạo tin từ báo cáo tình báo của Hoa Kỳ.

Đánh giá của báo cáo tình báo Hoa Kỳ cho thấy, các hệ thống tên lửa này mới được cài đặt trong vòng 30 ngày qua.

Việc lắp đặt tên lửa diễn ra sau khi cài đặt các thiết bị tác chiến điện từ gây nhiễu quân sự, có thể được sử dụng để làm gián đoạn các hệ thống truyền thông và ra đa đối phương.

Lắp đặt hệ thống tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa phòng không tại các địa điểm này là một bổ sung đáng kể vào danh mục quân sự hóa mà Bắc Kinh triển khai tại một trong những khu vực "tranh cãi nhất thế giới".

Hoa Kỳ vẫn trung lập, nhưng bày tỏ lo ngại về những tuyên bố chủ quyền chồng chéo lên quần đảo Trường Sa.

Các nguồn tin cho hay, tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa phòng không đã được Trung Quốc bố trí lên các đảo nhân tạo ở Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn.

Tên lửa hành trình là loại YJ-12B có tầm bắn 295 hải lý được sử dụng để tấn công các tàu chiến mặt nước.

Còn hệ thống tên lửa phòng không tầm xa mới được lắp đặt là HQ-9B với tầm bắn 160 dặm nhằm vào các mục tiêu máy bay không người lái, máy bay quân sự và tên lửa hành trình đối phương.

Những vũ khí này cũng đã xuất hiện trong các bức ảnh vệ tinh chụp đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam; hiện quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp).

Nhà nghiên cứu Gregory Poling, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với CNBC, bất cứ vũ khí nào nhìn thấy ở Phú Lâm cuối cùng cũng sẽ hiện diện trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Trong một động thái khác có liên quan, Tân Hoa Xã ngày 3/5 đưa tin, Trung Quốc đã sử dụng 2 tàu lặn để nghiên cứu vùng biển sâu ở Biển Đông.

Đây là lần đầu tiên 2 tàu lặn biển sâu do Trung Quốc chế tạo, được sử dụng để nghiên cứu, tìm kiếm các khu vực chứa khí đốt tự nhiên và các lĩnh vực khoa học khác. 

Nguồn: Hồng Thủy/ Giaoduc.net.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày