'Tráo' cấp dưới đi cách ly thay: Phải phạt cả người nhờ lẫn người được nhờ

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia pháp lý trước thực trạng một số người khai báo gian dối để trốn cách ly hoặc nhờ người đi cách ly thay. Trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp thì cần có mức chế tài nặng đối với hành vi này.

132 1 Trao Cap Duoi Di Cach Ly Thay Phai Phat Ca Nguoi Nho Lan Nguoi Duoc Nho

Đêm 8-3, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã có mặt tại một khách sạn tại huyện Hướng Hóa để đưa bốn người trên chuyến bay VN1547 về cách ly tại TP Đông Hà - Ảnh: H.T

Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM), Điều 8 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm hành vi không chấp hành các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. 

Việc không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm của cơ quan chức năng đều sẽ bị xử lý tùy vào tính chất, mức độ vi phạm.

Theo điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế , hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Người vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

Ngoài ra người có hành vi trốn tránh cách ly y tế mà mang mầm bệnh, lây lan cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác theo Điều 240 Bộ luật hình sự. 

Tùy theo mức độ gây thiệt hại, người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền 20 -100 triệu đồng.

Về trường hợp đưa nhân viên đi cách ly thay của ông L.T.H. - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty PĐ (một công ty đang thực hiện dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng ông H. đã có hành vi không chấp hành yêu cầu cách ly y tế của cơ quan chức năng và có thể bị xử phạt theo quy định tại điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP. 

Còn đối với người đi cách ly thay ông H. cũng có thể xem là giúp sức và có thể xử lý vi phạm hành chính trong việc khai báo gian dối như người nhờ.

Luật sư Võ Đan Mạch cho rằng việc quy đinh mức chế tài xử phạt hành chính từ 5-10 triệu đồng là còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe so với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm này. Đặc biệt là khi dịch COVID-19 đang bùng phát và có những diễn biến phức tạp, để lại những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

"Cần phải tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng kể trên, đồng thời áp dụng thêm một số chế tài khác để cảnh tỉnh mọi người, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng" - luật sư Mạch nói.

Luật sư Học cho rằng nhà làm luật cần phải quy định cụ thể hơn như trong trường hợp trốn cách ly đã bị xử lý hành chính mà còn tái phạm thì sẽ bị xử lý hình sự hoặc cần phải có mức chế tài nặng hơn đối với những trường hợp trốn cách ly mang mầm bệnh và vô ý lây bệnh cho người khác. Bởi việc trốn tránh yêu cầu cách ly y tế là đã cố ý về hành vi nhưng vô ý về hậu quả. 

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, ông L.T.H. (chủ tịch hội đồng quản trị công ty PĐ - một công ty đang thực hiện dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) được xác định là người ngồi trên chuyến bay VN1547 từ Hà Nội về Huế ngày 6-3.

Ngày 8-3, một người trên chuyến bay này bị phát hiện dương tính với COVID-19. Đến tối 8-3, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã lên danh sách 4 người trên chuyến bay này về Quảng Trị để đưa đi cách ly, trong đó có ông H. Cả bốn người này đều làm việc cho công ty điện gió PĐ và đều về huyện Hướng Hóa.

23h đêm 8-3, cơ quan chức năng đến Hướng Hóa đưa 4 người ngồi chung chuyến bay VN1547 về Đông Hà cách ly thì ông H. đã chỉ đạo cấp dưới của mình đi cách ly thay.

 

 

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày