Liên quan tới thông tin được lan truyền về việc "Nhân viên Samsung lây HIV cho 16 người", Công an tỉnh Thái Nguyên khẳng định đây là tin đồn thất thiệt và đã triệu tập 3 cá nhân gồm Nguyễn Hồng Quân, Nguyễn Đức Nam và N.L.H. tới làm việc. Tại cơ quan công an, Quân (Nhân viên Công ty Samsung) khai thấy 2 video có nội dung khiêu dâm, đồi trụy trên mạng xã hội có thông tin, hình ảnh một cô gái làm việc tại Samsung lây nhiễm HIV cho nhiều người.
Sau đó, Quân dùng tài khoản nội bộ công ty tra cứu và có thông tin của nữ nhân viên tên C.T.D. nên sử dụng điện thoại chụp lại hình ảnh, thông tin của chị D. rồi chia sẻ lên nhóm Zalo tên "Giáo Án". Sau 10 phút, Quân thu hồi hình ảnh nhưng nội dung trên đã được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội.
Khai thác dữ liệu nhóm Zalo "Giáo Án", công an làm rõ Quân, Nam và H. đã chia sẻ tổng cộng 6 video có nội dung nghi vấn khiêu dâm, đồi trụy vào nhóm. Hồ sơ vụ việc đã được bàn giao cho Công an TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, để tiếp tục xác minh hành vi có dấu hiệu Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy và Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Với những hành vi này, người vi phạm bị xử lý ra sao? Các cơ quan, tổ chức có quyền lợi bị xâm phạm cần làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân?
Cảnh sát làm việc với 3 đối tượng (Ảnh: Công an Thái Nguyên).
Chế tài xử lý ra sao?
Theo dõi sự việc, luật sư Võ Nguyễn Bảo Trâm (Phó Giám đốc Công ty Luật Bizlawyer & Partners) cho biết theo quy định của pháp luật, mọi công dân có quyền bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Mọi hành vi xâm hại trái pháp luật, gây tổn hại nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ, người sử dụng mạng xã hội bị nghiêm cấm thực hiện hành vi thông tin sai sự thật, xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội. Trong trường hợp vi phạm các nguyên tắc về sử dụng mạng xã hội, tùy thuộc mức độ và tính chất nghiêm trọng của hành vi, người vi phạm có thể bị áp dụng các chế tài khác nhau theo quy định của pháp luật.
Về chế tài hành chính, khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức phạt đối với tổ chức có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên mạng xã hội là phạt tiền 10-20 triệu đồng. Đối với cá nhân, mức phạt bằng 1/2 khung hình phạt trên, tức 5-10 triệu đồng.
"Đối với các tổ chức, cá nhân có danh dự, uy tín bị xâm phạm mà cụ thể có thể nhắc tới là chị D. và Công ty Samsung, nếu có đủ chứng cứ chứng minh hành vi lợi dụng mạng xã hội của người khác để lan truyền thông tin sai sự thật, tổ chức, cá nhân có quyền làm đơn trình báo, tường trình sự việc tới các cơ quan bảo vệ pháp luật nhằm yêu cầu xác minh, giải quyết, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm.
Dưới góc độ hình sự, nếu cơ quan công an xác định hành vi có dấu hiệu nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác; đã gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên hoặc gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, việc xử lý hình sự về tội Vu khống (Điều 156) hoặc tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288) có thể được xem xét, đánh giá", luật sư Trâm bình luận.
Đối với hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, trách nhiệm hình sự sẽ được đề cập nếu thuộc các trường hợp như văn hóa phẩm là dữ liệu được số hóa có dung lượng 1GB trở lên; là ảnh có số lượng từ 100 ảnh trở lên; Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị trở lên hay phổ biến cho từ 10 người trở lên. Theo Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt cơ bản của hành vi này là phạt tiền 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Luật sư Võ Nguyễn Bảo Trâm - Phó Giám đốc Công ty Luật Bizlawyer & Partners (Ảnh: NVCC).
Bồi thường dân sự như thế nào?
Về trách nhiệm dân sự, các cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật còn có trách nhiệm bồi thường cho chị D. và Samsung thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Căn cứ Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm bao gồm Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và Thiệt hại khác do luật quy định.
Tuy nhiên, để yêu cầu các cá nhân bồi thường, cá nhân, tổ chức có quyền lợi bị xâm phạm cần cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh cho những thiệt hại đã xảy ra bởi hành vi vi phạm pháp luật nêu trên.
Đồng thời, họ có thể yêu cầu các cá nhân, các trang tin, hội nhóm đăng sai sự thật xóa, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật trên không gian mạng và đăng báo xin lỗi, cải chính công khai những nội dung này nhằm khôi phục danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại.
Về trách nhiệm pháp lý, ngoài cá nhân đăng bài, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét trách nhiệm của quản trị viên các hội nhóm trong việc quản lý, kiểm duyệt nội dung thông tin. Trên thực tế, đã xảy ra trường hợp quản trị viên của diễn đàn bị khởi tố vì phê duyệt đăng tải nội dung sai sự thật. Do đó, quản trị viên của các hội nhóm có thông tin sai sự thật hoàn toàn có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp này.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC