Chị Hồ Thị Liên cùng con trai dùng bữa trưa. Ảnh: Hoàng Táo.
Trong căn nhà hai gian nền đất thưng tre ở thôn Sa Trầm, xã Ba Nang, huyện Đăkrông, ông Lập, 48 tuổi và vợ Hồ Thị Liên, 41 tuổi, vừa dùng xong cơm trưa. Bữa cơm chỉ có ít nếp rẫy dọn trên cái mâm nhôm lót lá chuối, ăn kèm măng rừng nấu với cá suối.
Ông Lập nói hơn 10 ngày trước, vợ chồng ông cùng đàn con mới được ăn thịt heo với gạo trắng. Đó là lúc ông được nhận tiền hỗ trợ dành cho hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Gia đình có chín nhân khẩu, gồm vợ chồng và bảy người con (hai con gái đầu đi làm ăn xa và vừa lập gia đình), mỗi người nhận được 750.000 đồng tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Lập bị cán bộ thôn Sa Trầm thu ngay 450.000 đồng, tương ứng 50.000 đồng một nhân khẩu.
Trước hôm nhận tiền, thôn Sa Trầm họp dân rồi vận động các hộ nghèo đóng 50.000 đồng mỗi khẩu từ tiền hỗ trợ dịch Covid-19 để "bồi dưỡng cán bộ thôn uống nước và chia lại cho các hộ khá giả hơn không được nhận tiền hỗ trợ". "Thôn xin thì mình phải cho, phải đồng ý", ông Lập nói.
Số tiền còn lại, vợ chồng ông Lập mua ngay hai tạ gạo trắng về tích trữ, sắm cho năm đứa con năm bộ áo quần mới để đi học. Hai lao động chính quần quật cả năm trên rẫy lúa chỉ đủ nuôi các miệng ăn trong chín tháng. Vợ chồng ông làm thêm rẫy sắn nhưng đất đai cằn cỗi, chỉ thu được sáu triệu đồng một năm.
Ông Hồ Văn Hiếu nói "ủng hộ" 400.000 đồng tiền hỗ trợ Covid-19 cho cán bộ thôn. Ảnh: Hoàng Táo.
Các thôn Ra Lây, Ra Pong, Pa Nang... cũng diễn ra tình trạng thu tiền hỗ trợ Covid-19 của hộ nghèo. Trong căn nhà sàn thưng gỗ không có gì đáng giá, ông Hồ Văn Hiếu, 46 tuổi, trú thôn Ra Lây, xã Ba Nang, cho hay gia đình thuộc diện hộ nghèo hai năm nay.
Tuần trước, ông Hiếu đến trụ sở UBND xã Ba Nang nhận 6 triệu đồng tiền hỗ trợ. Vừa ra khỏi ủy ban xã, ông bị gọi vào nhà cộng đồng thôn Ra Lây để đóng góp 400.000 đồng. "Trước khi nhận tiền hỗ trợ, thôn họp dân vận động mỗi khẩu đóng lại 50.000 đồng", ông Hiếu kể. Cả gia đình ông tám miệng ăn nhưng chỉ có hai tấm lúa rẫy, mỗi năm đủ ăn được bảy tháng, còn rẫy sắn thu chưa đến năm triệu đồng một năm.
Cách nhà ông Hiếu không xa, bà Hồ Thị Mèn, 53 tuổi, trú thôn Ra Lây, cũng thuộc diện hộ nghèo. Bà Mèn được vận động cho cán bộ thôn tiền uống nước, nên ủng hộ tổng cộng 300.000 đồng cho sáu nhân khẩu. "Gia đình chỉ muốn ủng hộ 50.000 đồng, nhưng họ lại xin một khẩu 50.000 đồng. Nhiều người khác cũng cho như vậy nên mình đành phải cho đúng sáu khẩu", bà Mén nói và cho biết năm nay đến mùa lúa trổ bông thì khỉ về phá hoại nên gạo chắc chắn không đủ ăn, rẫy sắn có nhưng thu cao lắm chưa đến sáu triệu đồng.
Lý giải việc thu 50.000 đồng/khẩu hộ nghèo, ông Hồ Văn Mắt, Bí thư thôn Sa Trầm, nói cuộc sống người dân ở đây tương đồng nhau, hộ nghèo và hộ không nghèo không cách biệt lớn, nhưng một số hộ phải rút khỏi hộ nghèo nhằm đạt chỉ tiêu cấp trên giao.
Ngày 25/5, thôn Sa Trầm họp dân và vận động hộ nghèo hỗ trợ 50.000 đồng/khẩu để ủng hộ các hộ không được nhận. Việc ủng hộ này được lập thành biên bản gửi UBND xã, ghi rõ "ủng hộ cán bộ thôn uống nước và một số hộ không được hỗ trợ".
Đến ngày 28/5, xã Ba Nang chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 đợt một tại nhà trưởng thôn Sa Trầm. Sau khi người dân nhận tiền từ cán bộ xã, thôn thu lại của 48/50 hộ nghèo, gồm 324 khẩu với số tiền 13,7 triệu (hiện do Trưởng thôn cầm tiền); hai hộ không đồng ý nộp tiền.
Ông Mắt cho hay "số tiền này chưa ai tiêu đồng nào". Thôn dự định thu thêm tiền từ các hộ cận nghèo, hộ bảo trợ xã hội nhận đợt 2 mới tính toán việc sử dụng.
Ông Hồ Văn Mắt (trái) nói thôn gợi ý và người dân đồng ý việc thu tiền. Ảnh: Hoàng Táo.
Trong khi đó, Trưởng thôn Ra Lây Hồ Văn Nhơn khẳng định 65 hộ nghèo của thôn đã nhận xong tiền hỗ trợ Covid-19 đợt một và cán bộ thôn "không vận động, không lấy của người dân một xu". "Thôn họp dân nói các hộ được nhận 750.000 đồng/khẩu, nhận tiền tuyệt đối không đưa cho ai. Bà con có tấm lòng cho cán bộ thôn thì không quá 50.000 đồng", ông Nhơn nói.
Theo ông Nhơn, sau khi nhận tiền đợt một, nhiều người ủng hộ và đưa cho một số cán bộ của thôn, cộng lại được 1,2 triệu đồng. Số tiền này thôn đã cho thanh niên mua hai quả bóng để tập thể thao, chi ra một ít để mọi người uống nước khi sửa đường đi lại và tiếp xúc cử tri.
Chủ tịch UBND xã Ba Nang Hồ Văn My cho hay ngày 28 và 29/5, xã Ba Nang chi trả đợt một tiền hỗ trợ cho 292 hộ nghèo, 1.685 khẩu với số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Trước khi cấp phát, xã yêu cầu cán bộ không nhũng nhiễu của dân một đồng nào. Tiền hỗ trợ do cán bộ xã trực tiếp cấp, có nhiều ban ngành đi giám sát.
Ông My nói việc người dân tự nguyện cho 10.000 đến 20.000 đồng thì "chấp nhận được", nhưng việc thu 50.000 đồng/khẩu là tuyệt đối sai. "Việc thu tiền xã chưa nắm được. Chúng tôi sẽ thành lập ban kiểm tra và chỉ đạo trả lại tiền cho dân nếu có việc này", ông My nói.
Trước đó, văn phòng UBND xã Ba Nang nhận được biên bản họp dân của thôn Sa Trầm về việc vận động người dân nộp tiền hỗ trợ Covid-19. Tuy nhiên, ông My nói chưa tiếp cận được văn bản này do những ngày gần đây bận tiếp xúc cử tri.
Tiền “uống nước” từ gói hỗ trợ Covid-19: "Nói tự nguyện là rất phi lý"ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, giải thích dân "tự nguyện" trích lại 50 nghìn đồng/người khi nhận hỗ trợ từ gói 60 nghìn tỷ là rất phi lý. Ông Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp). Bàn về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng ,việc làm này là không phù hợp và cần phải chấm dứt ngay. “Giải thích như vậy là không thỏa đáng, thỏa mãn. Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt về việc chi trả tiền trợ cấp trong gói 62 nghìn tỷ đồng và khẳng định số tiền phải được trao tận tay đến các đối tượng chính sách, không mất đồng xu nào”, ông Hòa nói. Đại biểu Hòa nêu quan điểm về việc phải trích 50 nghìn đồng một người/hộ khi nhận tiền hỗ trợ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 là rất phi lý. Ông cho rằng: “Nếu không có sự gợi ý thì chắc chắn người dân sẽ không “tự nguyện” đưa lại tiền “uống nước” như vậy. "Theo tôi là có sự gợi ý trích lại để “uống nước” chứ làm gì có chuyện tự nguyện", ông Hoà phân tích và đề xuất, cần phải có sự thanh, kiểm tra hoạt động chi trả tiền hỗ trợ tại xã Ba Nang “Vấn đề này phải được chính quyền các cấp ở Quảng Trị vào cuộc thanh kiểm tra và xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Những người này rất khó khăn trong dịch Covid-19 mới được Chính phủ hỗ trợ, bây giờ cán bộ thôn lại thu tiền như thế thì không thể chấp nhận được. Cho dù người dân có “tự nguyện” trích lại cũng không nên nhận”, ông Hòa nêu quan điểm. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho cũng cho rằng, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ thể hiện Chính phủ ta quan tâm đến mọi mặt đời sống của nhân dân, vì vậy các cấp thực hành chi trả nguồn tiền này cần phải nghiêm túc, nếu có sự “cắt xén” thì sẽ mất đi phần nào giá trị của hỗ trợ của Chính phủ. Phùng Đô |
Hoàng Táo
Nguồn: vnexpress.net, baogiaothong.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC