Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine (Summit on Peace in Ukraine) sẽ được tổ chức tại khu resort Bürgenstock của Thụy Sĩ từ ngày 15-16/6.
NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC/GETTY IMAGES
Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine (Summit on Peace in Ukraine) sẽ được tổ chức tại khu resort Bürgenstock của Thụy Sĩ từ ngày 15 đến 16/6
Trước đó sự xuất hiện bất ngờ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 tại Singapore được xem nhằm có dụng ý kêu gọi các quốc gia châu Á tham dự thượng đỉnh hòa bình sắp tới.
Nga không được mời tham dự thượng đỉnh lần này, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không tham gia vì không có Nga.
Tổng cộng Kyiv đã gửi thư mời tham gia thượng đỉnh đến khoảng 160 quốc gia và tổ chức.
Vào ngày 6/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu quan điểm của Việt Nam về thượng đỉnh sắp tới như sau:
"Lập trường của Việt Nam về vấn đề xung đột Nga – Ukraine đã được nói rõ nhiều lần. Việt Nam ủng hộ giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, có tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới".
“Chúng tôi hoan nghênh và sẵn sàng tham gia các nỗ lực trung gian hoà giải quốc tế, nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, bền vững cho xung đột Nga – Ukraine, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, với sự tham gia của các bên liên quan”.
Tuyên bố không nêu Việt Nam sẽ có đại diện tham gia thượng đỉnh lần này hay không.
Trong ASEAN, 4 quốc gia đã xác nhận tham dự gồm Đông Timor, Philippines, Singapore và Thái Lan, theo trang Fulcrum.
Thế khó của Việt Nam là gì?
NGUỒN HÌNH ẢNH,MIKHAIL SVETLOV/GETTY IMAGES
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Sochi (Nga) vào ngày 6/9/2018
Ngày 10/6, bà Nataliya Zhynkina, cố vấn chính trị, phó Đại sứ Ukraine tại Việt Nam cho BBC News Tiếng Việt biết rằng cho đến nay bà chưa có thông tin cuối cùng về danh sách các quốc gia ASEAN nào sẽ tham dự thượng đỉnh sắp tới.
Bà cho biết thêm:
"Nhìn chung cho đến nay, có hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế đã xác nhận tham dự.
"Về sự tham gia của phía Việt Nam, chúng tôi dựa trên tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 6/6 khẳng định Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tham gia các nỗ lực trung gian, hòa giải quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, bền vững cho cuộc xung đột Nga - Ukraine phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc."
"Tôi muốn nói thêm rằng Thượng đỉnh hòa bình lần này là sự khởi đầu của một lộ trình chấm dứt chiến tranh, mang đến một loạt các cuộc họp theo chủ đề ở những quốc gia khác nhau.
"Quy trình chính trị này nhằm phát triển và đồng thuận về một kế hoạch hành động chung cho nền hòa bình chính nghĩa dành cho Ukraine dựa theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, căn bản để giải quyết bất kỳ xung đột nào trên thế giới.
"Tôi tin rằng sự tham dự của Việt Nam trong quy trình này sẽ có giá trị cao không chỉ để mang lại nền hòa bình cho Ukraine mà còn để tạo lập một thế giới an toàn hơn."
Trong bài viết đăng tải trên chuyên trang Fulcrum hôm 6/6, Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute) tại Singapore cho rằng ba quốc gia trong ASEAN có thể không tham dự thượng đỉnh sắp tới sẽ gồm Myanmar, Việt Nam và Lào.
Việt Nam và Lào có mối quan hệ gắn bó lâu đời với Nga và phụ thuộc vào Nga cho nguồn cung vũ khí.
Việt Nam được cho đang tăng tốc nỗ lực đa dạng hóa kho vũ khí của mình, hướng đến những những quốc gia ngoài Nga như Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ... dù kho vũ khí, phụ tùng hiện phụ thuộc rất lớn vào Moscow.
"Cả Việt Nam và Lào đều bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong các nghị quyết lên án việc Nga xâm lược Ukraine. Việc tham dự thượng đỉnh sẽ bị Moscow xem là hành động không thân thiện", Tiến sĩ Ian Storey đánh giá.
Việt Nam hiện đang thế phải duy trì cân bằng chiến lược giữa các cường quốc trong bối cảnh Tổng thống Nga Putin sẽ “rất sớm" đến thăm Việt Nam như tuyên bố của Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko vào ngày 15/5.
Trước đó những xáo trộn chính trị ở Việt Nam được cho có thể là một trong những nguyên nhân khiến ông Putin không thăm Việt Nam nhân chuyến công du đến Bắc Kinh trong hai ngày 16 và 17/5.
Việt Nam cho đến nay luôn khẳng định "là bạn, là đối tác tin cậy của Liên bang Nga", luôn nhắc tới sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô trước đây cũng như Nga ngày nay.
Việt Nam và Nga đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950, trở thành Đối tác chiến lược năm 2001 và nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện tháng 7/2012.
Các lãnh đạo Việt Nam luôn gọi quan hệ Việt Nam và Nga là quan hệ truyền thống "đồng chí, anh em".
Trong năm 2022 và 2023, Việt Nam đa số bỏ phiếu trắng trong các nghị quyết lên án Nga trong cuộc xung đột Ukraine tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Khi đó, Việt Nam và Lào thường có những lần bỏ phiếu giống nhau và Việt Nam cũng bỏ phiếu đồng điệu với Trung Quốc.
Một số chuyên gia về quan hệ quốc tế khi đó nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng Việt Nam đã nỗ lực duy trì sự cân bằng tối đa trong quan hệ với các cường quốc và đặc biệt không muốn phật lòng Nga
Trung Quốc, Campuchia tuyên bố không tham gia vì không có Nga
NGUỒN HÌNH ẢNH,POOL/AFP/GETTY IMAGES
Campuchia đang tiếp tục trở thành đồng minh sắt son nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Ảnh Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 22/4 tại Phnom Penh
Trung Quốc, quốc gia có mối quan hệ gần gũi với Moscow cho đến nay đã tuyên bố sẽ không tham dự thượng đỉnh lần này và tuyên bố việc hai quốc gia trong cuộc chiến này phải tham dự là một điều kiện tiên quyết cho một hội nghị hòa bình thực chất.
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện Campuchia tuyên bố Campuchia sẽ không tham gia vào Thượng đỉnh hòa bình Ukraine bởi vì cho rằng thượng đỉnh này sẽ "không thành công" vì không có Nga tham gia, theo Khmer Times hôm 10/6.
"Quyết định tham gia thượng đỉnh hòa bình là quyền của Campuchia vì Campuchia thấy thượng đỉnh sẽ không thành công.
"Liệu các quốc gia khác có tham gia hay không là quyền quyết định của họ," ông Hun Sen viết trên trang Facebook chính thức vào thứ Sáu 7/6.
"Vui lòng đừng đổ lỗi cho Trung Quốc về việc Campuchia không tham gia thượng đỉnh hòa bình sắp tới và làm ơn chấm dứt việc lôi kéo Campuchia và những các trò địa chính trị chống Trung Quốc," ông tuyên bố trên Facebook.
Mới đây ông Hun Sen đề nghị Mỹ không đưa Campuchia vào cạnh tranh địa chính trị trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Phnom Penh vào ngày 4/6 vừa qua, và khẳng định Campuchia đang thực thi chính sách ngoại giao dựa trên luật pháp.
Vì sao Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine lại quan trọng?
NGUỒN HÌNH ẢNH,ALEXANDER RYUMIN/POOL/AFP/GETTY IMAGES
Dự kiến các nhà lãnh đạo khối G7 sẽ đưa ra một thông điệp cứng rắng mới nhằm vào Trung Quốc trong thượng đỉnh sẽ diễn ra tại Ý từ ngày 13 đến 15/6. Ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh vào ngày 16/5
Ukraine tuyên bố hơn 100 nước đã chấp thuận lời mời tham dự để thảo luận về các điều khoản trong kế hoạch hoà bình do Tổng thống Volodymyr Zelensky soạn thảo để chấm dứt cuộc xâm lược toàn diện từ phía Nga bắt đầu từ tháng 2/2022, theo Reuters.
Về phần mình, Moscow đã lên tiếng chế giễu ý tưởng về hội nghị hòa bình mà không có sự tham dự của mình. Ukraine đã cáo buộc Moscow đang ra sức gây cản trở hội nghị.
Ông Zelensky đã bác bỏ chuyện mời Nga tham dự thượng đỉnh hòa bình tại Thụy Sĩ vào tháng 6.
Thượng đỉnh bao gồm các đại diện từ hơn 90 nước và dự kiến sẽ đề ra một lộ trình cho nền hòa bình của Ukraine dựa trên kế hoạch 10 điểm do Kyiv đề xuất, yêu cầu Nga trả lại tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, chi trả tiền đền bù cho những phí tổn chiến tranh và tổ chức các phiên tòa xét xử những tội ác chiến tranh của Nga.
Moscow đã kịch liệt bác bỏ kế hoạch này.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sẵn sàng đàm phán nhưng chỉ "để đạt được những mục tiêu đang đạt được thông qua chiến dịch quân sự đặc biệt".
Nguồn: BBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC