Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong 6 tháng đầu năm đạt 85,9 tỉ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ và hiện chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài xuất siêu 15,68 tỉ USD (kể cả dầu thô), trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới 15,7 tỉ USD. Xuất siêu của khu vực đầu tư nước ngoài không bù đắp được nhập siêu từ khu vực kinh tế trong nước. Vì vậy, cả nước nhập siêu 33,5 triệu USD trong nửa đầu năm.
Xu hướng đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng mạnh thông qua các dự án đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần. Tính trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 18,47 tỉ USD.
Theo các chuyên gia, tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam nhiều hơn, nhiều doanh nghiệp dịch chuyển nhà máy, hoạt động sản xuất kinh doanh từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Ảnh minh hoạ: NLĐ
Chia sẻ tại Hội nghị đầu tư 2019 của Tạp chí Nhịp cầu đầu tư mới đây, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhận xét đã, đang có làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam để né chiến tranh thương mại.
Bằng chứng là số liệu vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam trong nửa đầu năm tăng cao.
"Tuy nhiên, chính những nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mới đang được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung này, chứ không hẳn là các khu vực doanh nghiệp khác" - TS Nguyễn Đình Cung nói.
Về những thách thức từ thương chiến Mỹ - Trung, đại diện Sở Công Thương TP HCM cũng cho rằng những mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc bị đánh thuế 25% khó xuất qua Mỹ sẽ tràn sang các nước, trong đó có Việt Nam.
Hàng hoá của Trung Quốc sẽ cạnh tranh rất lớn với hàng Việt mà vấn đề ở chính năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và việc kiểm soát, ghi nhãn hàng hoá. Làm sao để tránh câu chuyện ghi nhãn, gian lận xuất xứ...
"Hàng Trung Quốc khi không xuất được sang Mỹ sẽ có thể chuyển sang Việt Nam, khi đó Việt Nam sẽ có nguy cơ bị trừng phạt. Sau sự việc của Asanzo, Chính phủ đang yêu cầu xử lý để tránh trường hợp tương tự gian lận thương mại rồi xuất sang các nước khác.
Thách thức về gian lận thương mại và xuất xứ hàng hoá cũng sẽ rất lớn thời gian tới, dưới tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung" – ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận xét.
Thái Phương
Nguồn: Báo điện tử Người Lao Động
© 2024 | Thời báo ĐỨC