Tết đừng bày vẽ nhiều, hãy vui chơi, nghỉ ngơi là chính:
Thứ nhất, có nhiều gia đình cả năm không dọn dẹp nên bắt tay trang hoàng nhà cửa dồn hết vào những ngày trước Tết. Mệt mỏi, lu bu, đầu bù tóc rối, vợ chồng cáu giận, hò hét con cái… đến tận tối 30 Tết, thậm chí sáng mồng một thì ai nấy đều đuối. Hết Tết.
Thứ hai, có những gia đình cứ quần quật, đầu tắt mặt tối làm mứt kẹo, gói bánh… vô tình tạo áp lực công việc cho cả nhà đến phút cuối cùng. Hết Tết.
Thứ ba, nhiều gia đình giữ truyền thống cúng bái mỗi ngày (sáng, chiều, tối). Mỗi lần cúng là phải đủ món, đủ mâm. Kết quả là nguyên Tết chỉ làm bạn với ông Táo, rót nước, thắp nhang, rửa chén cả ngày. Thật không may cho những ai làm vợ, làm dâu những gia đình này, cộng thêm một chút gia trưởng của nhà chồng nữa thì chỉ có nước hát bài: “Xuân này con không về”. Hết Tết.
Thứ tư, có nhiều người thích sĩ diện, luôn sợ bà con, hàng xóm, bạn bè sẽ đánh giá mình: “Ăn Tết có lớn không? Lì xì có nhiều không? Phải trái với họ hàng thế nào?”… Kết quả là “ném tiền qua cửa sổ” hoặc luôn căng thẳng, stress, đóng cửa trốn Tết luôn.
Thứ năm, không ít gia đình suốt ngày bày biện mọi thứ ra để tiếp khách. Ngày Tết, khách đến nhà chơi là chuyện quý hóa, thế nhưng cứ mỗi khi có khách đến thì họ lại hò hét vợ con rót nước, pha trà, bày rượu, tét bánh… khách chỉ nhấp môi, nhấm nháp chút rồi ra về. Sau đó lại hì hục dọn bàn, lau bàn, rửa ly để đón khách mới lại tới.
Thứ sáu, có nhiều ông chồng cứ lang thang tất niên hết nhà này đến nhà khác. Hết tất niên thì đi chúc Tết, rượu chè bê tha, về nhà đầu năm gây gổ với vợ con, người hôi hám, mỏi mệt rồi lăn ra ngủ… mất tư cách, phong độ đàn ông, khiến cả nhà mất vui. Mối quan hệ nào với họ “cũng quan trọng” – điều ấy chỉ toàn là ngụy biện.
Cuối cùng là nạn cờ bạc, chạy nhanh, phóng ẩu… cũng dễ làm Tết trở thành những trải nghiệm kinh hoàng. Hết Tết.
Tóm lại, hãy duy trì những giá trị mang tính tâm linh, cổ truyền tốt đẹp của dân tộc. Còn lại, Tết chỉ có vài ngày, hãy du xuân đâu đó, vui là chính.
Nguồn: VnExpress.net
© 2024 | Thời báo ĐỨC