Một tàu thăm dò Hải Dương của Trung Quốc
Một nguồn tin của BBC cho biết tàu Hải Dương Địa Chất 8 lúc rời đi chỉ nhằm mục đích tiếp dầu rồi quay lại Bãi Tư Chính.
Tàu Hải Dương Địa chất 8 lần đầu tiên vào khu vực dưới sự hộ tống của lực lượng hải cảnh Trung Quốc hồi đầu tháng Bảy. Có vẻ như tàu đã tiến hành một cuộc khảo sát địa chất tại vùng biển vốn là điểm nóng trong khu vực từ nhiều năm nay.
Hôm 8/8, tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc rời Bãi Tư Chính sau hơn một tháng hai bên căng thẳng.
Trong lúc các tàu cảnh sát biển Việt Nam và tàu hải cảnh Trung Quốc đối đầu trong nhiều tuần, sau thời gian đầu im lặng, chính phủ hai nước đã liên tiếp ra tuyên bố qua lại, cáo buộc lẫn nhau là vi phạm chủ quyền của mình.
Kể từ khi xảy ra cuộc đối đầu, tàu thuyền Trung Quốc cũng hoạt động trong một lô dầu khí của Việt Nam, nơi có giàn khoan của hãng dầu khí Nga Rosneft thuê đang hoạt động.
Đúng như các nhà quan sát dự báo, tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã quay trở lại khu vực.
Dữ liệu từ Marine Traffic, một trang web chuyên theo dõi di chuyển của các tàu thuyền, cho thấy tàu này hiện đang được ít nhất hai tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống, Reuters tường thuật.
Các dữ liệu cũng cho thấy sau khi rời Bãi Tư Chính, tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã đậu tại Đá Chữ Thập thuộc Quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền nhưng Bắc Kinh đã cơi nới, xây thành đảo nhân tạo.
Không rút đi hoàn toàn
Vào thời điểm Hải Dương Địa Chất 8 tạm rút khỏi Bãi Tư Chính, phía Trung Quốc vẫn để tàu thuyền của mình hiện diện tại vùng mà Việt Nam nói là hoàn toàn thuộc vùng EEZ của mình.
"Dữ liệu theo dõi tàu cho thấy tàu khảo sát của Trung Quốc đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng ít nhất hai tàu hải cảnh của họ vẫn ở trong khu vực này," ông Devin Thorne, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng (C4ADS) nói với Reuters hôm 7/8, trích dẫn dữ liệu từ công ty phân tích hàng hải Windward.
Dòng tweet của giáo sư Đại học Hải chiến Hoa Kỳ, Ryan Martinson hôm 7/8 nói tàu Hải dương Địa chất 8 đã rời Bãi Tư Chính để trở về Đá Chữ Thập.
Tiến sỹ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) trước đó nói với BBC rằng việc rút tàu Hải Dương Địa Chất 8 nhưng vẫn để lại hai tàu hải giám ở khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Bãi Tư Chính cho thấy "Trung Quốc chưa hoàn tất công việc khảo sát của họ tại đây, nhưng có thể đã có được một số kết quả sơ bộ."
Ông Trung cho rằng ý kiến và tiếng nói của cộng đồng quốc tế không phải là lý do tàu Hải Dương Địa Chất 8 rời đi, và cũng sẽ "không ảnh hưởng gì đến quyết định của Trung Quốc".
Nguồn: BBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC