Từ trái sang: Cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận.
Lại thêm một sự kiện chấn động chính trường và xã hội Việt Nam.
Ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam vào hôm 30/4.
Thông tin do người phát ngôn Bộ Công an là Trung tướng Tô Ân Xô thông báo hôm 4/5 ngay lập tức trở thành tâm điểm của dư luận.
Theo ông Tô Ân Xô, cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng bị khởi tố liên quan đến vụ án “Đưa và nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan.
Đây chính là vụ án liên quan đến dự án của Công ty Sài Gòn Đại Ninh.
Đến nay, đã gần 14 năm sau ngày khởi công, dự án Đại Ninh vẫn chỉ là một vùng đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Xung quanh khu vực đã được người dân dùng để thả bò, phơi nông sản.
Ông Mai Tiến Dũng bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" được quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự
Đại dự án Đại Ninh
Dự án có tên đầy đủ là Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, có diện tích lên đến gần 3.600 ha, với tổng vốn đầu tư là 25.243 tỷ đồng.
Địa điểm thực hiện dự án trải rộng trên địa bàn 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan của huyện Đức Trọng.
Cuối năm 2010, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp giấy chứng nhận cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh để tiến hành xây dựng khu đô thị này.
Khu đô thị Đại Ninh là dự án duy nhất của Công ty Sài Gòn Đại Ninh.
Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của công ty này khi đó là bà Phan Thị Hoa.
Sài Gòn Đại Ninh được thành lập vào năm 2010 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Bảy năm sau, con số này được nâng lên mức 2.000 tỷ đồng.
Năm 2021, Sài Gòn Đại Ninh cho biết công ty đã đầu tư vào dự án đô thị này 2.000 tỷ đồng.
Công ty cũng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án lên hơn 30.200 tỷ đồng do chi phí tăng.
Tháng 6/2020, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận số 929 về kết quả thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Kết luận có đề xuất chấm dứt hoạt động và thu hồi đất dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2021, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo sửa đổi một số nội dung trong Kết luận số 929.
Theo đó, thay vì đề xuất chấm dứt hoạt động và thu hồi đất, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng “căn cứ thẩm quyền, hướng dẫn công ty thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư năm 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013, yêu cầu hoàn thành dự án theo đúng cam kết, khẩn trương triển khai đầu tư theo quy mô đã được duyệt..."
Đáng chú ý, giữa giai đoạn này, cụ thể vào khoảng cuối 2020 - đầu 2021, ông Nguyễn Cao Trí đã trả 1.530 tỷ đồng để mua lại 51% vốn điều lệ Công ty Sài Gòn-Đại Ninh.
Vào tháng 1/2021, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đăng ký đổi người đại diện pháp luật từ bà Phan Thị Hoa sang ông Trí.
Tháng 9/2022, ông Trí nhờ em mình là Nguyễn Cao Đức đứng tên để mua 7% vốn điều lệ của cá nhân bà Hoa tại Sài Gòn -Đại Ninh với giá 700 tỷ đồng, qua đó nắm tổng cộng 58% vốn điều lệ công ty.
Sau khi nắm phần lớn vốn điều lệ Sài Gòn Đại Ninh, ông Nguyễn Cao Trí đồng ý bán 100% vốn điều lệ doanh nghiệp này với giá 3.000 tỷ đồng cho bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Vào đầu năm 2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra quyết định gia hạn thêm 24 tháng tiến độ triển khai cho dự án Khu đô thị Đại Ninh. Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư dự án tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Tháng 10/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan tập hợp đầy đủ hồ sơ pháp lý của dự án Khu đô thị Đại Ninh. Báo cáo tiến độ dự án không đề cập đến kế hoạch cụ thể về công tác đầu tư và xây dựng.
Theo cơ quan chức năng, trong giai đoạn từ tháng 6/2021 đến tháng 9/2023, đã xảy ra tổng cộng 24 vụ vi phạm tại dự án dự án Đại Ninh, bao gồm 4 vụ phá rừng với diện tích 3.522m2 và 20 vụ lấn chiếm đất rừng trái phép rộng 37.620m2.
Trong quá trình được tỉnh Lâm Đồng giao đất, giao rừng để thực hiện dự án, chủ đầu tư đã để mất trên 368 ha, trong đó bị phá mất 257 ha, và người dân lấn chiếm 111 ha.
Nhiều lãnh đạo ‘vào lò’
Ông Trần Đức Quận (trái), Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; và ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, đã bị khởi tố liên quan vụ án Đại Ninh
Việc khởi tố, bắt giữ cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng là diễn biến mới nhất của vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan.
Ông Dũng bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" được quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Vụ án này đã đưa nhiều quan chức vào vòng lao lý, trong đó có ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
Đây được coi là một vụ án chấn động trong chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Vào ngày 2/1/2024, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
Theo cơ quan điều tra, hành vi của ông Trần Văn Hiệp phạm vào tội "Nhận hối lộ".
Tiếp đó, vào ngày 24/1/2024, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Đức Quận, khi đó là bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.
Ông Trần Đức Quận bị điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Cơ quan điều tra xác định ông Trần Đức Quận đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật khi tham gia chỉ đạo giải quyết các công việc liên quan đến dự án Đại Ninh.
Hành vi của ông Quận bị cáo buộc gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Trước đó, vào ngày 15/1/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt ông Nguyễn Cao Trí về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự trong vụ án liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Vào tháng 4/2024, ông Trí đã lãnh án 8 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” khi được xác định đã chiếm đoạt của bà Trương Mỹ Lan 1.000 tỷ đồng.
Ở đây cần lưu ý là ông Trí bị bắt và bị kết án là trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên, do ông Trí là chủ đầu tư của dự án Đại Ninh nên chúng tôi đề cập đến trong bài viết này.
Tháng 3/2023, cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, để điều tra về tội "Nhận hối lộ".
Tháng 8/2023, bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I) của Văn phòng Chính phủ, đã bị khởi tố để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Tháng 12/2023, cơ quan điều tra tiếp tục triệu tập nhiều lãnh đạo, cán bộ của tỉnh Lâm Đồng để làm rõ một số vấn đề liên quan đến siêu dự án nêu trên.
Đến nay, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được làm sáng tỏ trong vụ án tại dự án Đại Ninh.
Một trong những “uẩn khúc” là việc Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận số 929 vào tháng 6/2020, đề xuất chấm dứt hoạt động và thu hồi dự án. Tuy nhiên, sau đó một năm Thanh tra Chính phủ lại sửa đổi kết luận này, cho phép gia hạn sử dụng đất. Việc thay đổi này có đúng quy định và hợp lý? Đã có những tác động nào dẫn tới việc thay đổi này?
Vụ việc dự án được “sang lại” cho ông Nguyễn Cao Trí, và sau đó dự tính bán cho bà Trương Mỹ Lan, cũng rất đáng chú ý.
Giờ đây, việc bắt giữ ông Mai Tiến Dũng, một quan chức cấp cao trong chính phủ thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là một bước quan trọng trong quá trình điều tra, làm rõ vụ án này.
Nguồn: BBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC