Đó là thông tin do ông Trần Văn Tuý, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trả lời Một Thế Giới
Đáng chú ý, tờ Al Jazeera phản ánh, trong số những người mua hộ chiếu của Síp có ông Phạm Phú Quốc, hiện là Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận. Ông là đại biểu quốc hội (ĐBQH) thuộc Đoàn ĐBQH TP.HCM, giữ chức vụ Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa 14.
Trả lời Một Thế Giới về việc xác minh thông tin ông Quốc có hộ chiếu Cộng hòa Síp, ông Trần Văn Túy, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay ông đã nắm được thông tin này.
"Đây là thông tin từ báo chí nước ngoài, chúng tôi sẽ tiến hành xác minh thông tin này, sau đó sẽ thống nhất với TP.HCM", ông Túy ngắn gọn.
PV đã cố gắng liên lạc với ông Phạm Phú Quốc qua số điện thoại di động của ông nhiều lần, nhưng không có trả lời.
Ông Phạm Phú Quốc SN 1968, quê xã Triệu Phong, huyện Triệu Hải, tỉnh Quảng Trị. Hiện ông Quốc là Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận, ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH TP.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Trước đó, vào tháng 7.2016, Hội đồng Bầu cử quốc gia phát hiện bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quốc tịch thứ 2 là Cộng hòa Malta.
Ngày 17.7.2016, Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức phiên họp thứ 8 (phiên họp khẩn) để xem xét, quyết định tư cách ĐBQH khóa 14 với bà Nguyệt Hường với lý do hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa 14, phần kê khai tài sản ghi không có tiền và tài khoản nước ngoài, không thể hiện quốc tịch Malta.
Hội đồng Bầu cử quốc gia đã bỏ phiếu kín, kết quả 100% thành viên Hội đồng có mặt biểu quyết xác nhận bà Hường không đủ tư cách ĐBQH khóa 14.
Ngày 3.8.2016, với kết quả 96/96 đại biểu có mặt biểu quyết thống nhất thông qua Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu HĐND TP.Hà Nội đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, bà Nguyệt Hường cũng bị HĐND TP.Hà Nội bãi nhiệm tư cách đại biểu HĐND TP.
Nam Phong
Nguồn: báo điện từ MỘT THẾ GIỚI
© 2024 | Thời báo ĐỨC