Sẽ thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư?

Ngày 24-11, tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng báo cáo tiếp thu ý kiến của đại biểu về dự án Luật Đường bộ, cho biết sẽ nghiên cứu thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư.

1 Se Thu Phi Cao Toc Do Nha Nuoc Dau Tu

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng báo cáo tiếp thu ý kiến của đại biểu về dự án Luật Đường bộ - Ảnh: GIA HÂN

Trước ý kiến của đại biểu yêu cầu làm rõ sự cần thiết thu phí cao tốc bên cạnh phí đường bộ, bộ trưởng cho biết Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu, đánh giá tác động của việc thu phí cao tốc.

Theo ông, các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư có đường quốc lộ song hành cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn. Đi cao tốc có nhiều lợi ích hơn do tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí vận tải.

Hình thức thu phí sử dụng đường bộ hiện tại chưa tách bạch được người sử dụng đường bộ thông thường và người sử dụng cao tốc.

Việc thu phí đảm bảo sự phù hợp giữa mức phí đóng góp và chất lượng sử dụng, căn cứ nguyên tắc người sử dụng chất lượng cao hơn thì phải trả phí cao hơn. Người sử dụng nếu không đi cao tốc thu phí có quyền lựa chọn tuyến đường song hành.

Do đó dự thảo luật đã bổ sung quy định về thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư. Mức thu sẽ được xác định đảm bảo điều kiện khai thác từng khu vực, phù hợp với chất lượng dịch vụ. Đồng thời đảm bảo hòa vốn đầu tư của Nhà nước để tái đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đảm bảo chi phí bảo trì hằng năm.

Ông Thắng cho biết việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư đã có kinh nghiệm các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ... đã áp dụng. 

Việc thu phí cao tốc để đảm bảo cân đối lợi ích của người dân và Nhà nước, nhất là trong bối cảnh ngân sách của nước ta còn hạn chế.

Ông Thắng cho hay hiện nay thu phí đường bộ dựa trên đầu xe mới đáp ứng được 35% - 40% nhu cầu bảo trì. Nếu hệ thống đường cao tốc được xây dựng hoàn thiện, đưa vào hoạt động mà không thu phí thì sẽ cần kinh phí khổng lồ cho bảo trì, sẽ rất khó khăn.

Có ý kiến cho rằng quy định tổ chức cá nhân sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin như Grab, Be... hỗ trợ kết nối giữa tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ vận chuyển với hành khách, giao hàng được xếp vào loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô là không đúng với bản chất kinh doanh. 

Bộ Giao thông vận tải cho biết tại dự thảo luật quy định ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng ô tô là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, không phải là hoạt động kinh doanh vận tải.

Chỉ trong trường hợp tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô thực hiện ít nhất một trong các công đoạn gồm: điều hành phương tiện và lái xe, quyết định giá cước vận tải vận chuyển hành khách và hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi thì mới xác định là kinh doanh vận tải.

Về tên gọi của Luật Đường bộ, bộ trưởng đề nghị giữ nguyên như dự thảo. Đồng thời, tiếp thu ý kiến các đại biểu, ông Thắng nói sẽ phối hợp với Bộ Công an để tiếp tục rà soát giữa hai dự thảo Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để tránh trùng lắp.

Quý 1 năm sau sẽ ban hành quy chuẩn về đường cao tốc

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần có quy định chung với cao tốc. Đại biểu đề nghị dù phân kỳ đầu tư nhưng đã đầu tư đoạn nào thì phải đồng bộ, đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Theo ông Thắng, dự thảo luật đã đưa vào quy định về đầu tư đường cao tốc. Các yêu cầu cụ thể với cao tốc, bao gồm cao tốc phân kỳ đầu tư sẽ được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu khi ban hành quy chuẩn quốc gia về thiết kế cao tốc.

Theo kế hoạch, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn cao tốc vào quý 1 năm sau.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày