Theo thông cáo phát đi của Vietnam Airlines, chuyến bay VN37 khai thác bằng tàu bay Boeing 787 từ Hà Nội đi Frankfurt (Đức) dự kiến cất cánh lúc 23h00 ngày 30/5/2019 đã không khởi hành đúng kế hoạch do phát sinh cảnh báo kỹ thuật tại cánh máy bay khi chuẩn bị đón khách lên tàu.
Sau khi hoàn thành kiểm tra đủ điều kiện khai thác, chuyến bay khởi hành lúc 2 giờ 36 phút sáng ngày 31/5/2019, muộn 3 tiếng 30 phút so với giờ dự kiến ban đầu.
Nguyên nhân chuyến bay VN37 phải quay trở lại sân bay Nội Bài là do, khi cất cánh được 30 phút, máy bay phát hiện cảnh báo kỹ thuật tại bộ phận máy phát điện dự phòng.
Để đảm bảo an toàn chuyến bay và tuân thủ quy trình xử lý, cơ trưởng quyết định cho máy bay quay lại sân bay Nội Bài.
Nhiều người bức xúc trước việc delay chuyến bay quốc tế chỉ để chờ 1 khách của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines.
Trong khi đó, dư luận vẫn đang lùm xùm về chuyến bay từ Việt Nam đến Frankfurt (Đức) của Vietnam Airlines số hiệu VN31 tối 28/5, khi chuyến bay này phải khởi hành trễ theo yêu cầu của lãnh đạo hãng để chờ một vị khách VIP.
Thông cáo phát ra tối 30/5 của Vietnam Airlines giải thích: chuyến bay VN31 có lịch cất cánh lúc 22h30, thực tế cất cánh lúc 23h03. Thời gian chậm giờ là 33 phút do phải chờ một hành khách có thời gian nối chuyến ngắn trên chuyến bay VN279 đến từ Hà Nội.
Lý giải về sự việc này, trong một thông cáo trước đó, cũng hãng này cho hay: “Trong tối ngày 28/5/2019, do ảnh hưởng của mưa dông tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, nhiều chuyến bay nội địa, quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất phải thay đổi thời gian khai thác hoặc bay vòng để chờ điều kiện thời tiết tốt hơn, đảm bảo an toàn hạ cánh.
Một số chuyến bay từ TP. Hồ Chí Minh đi châu Âu của Vietnam Airlines cũng bị ảnh hưởng, trong đó, chuyến bay đi Frankfurt (Đức) phải điều chỉnh thời gian cất cánh để hỗ trợ hành khách nối chuyến đi tiếp từ chuyến bay nội địa.
Cụ thể, chuyến bay VN31 từ TP. Hồ Chí Minh đi Frankfurt ngày 28/5/2019 đã phải lùi thời gian cất cánh hơn 30 phút để hỗ trợ khách nối chuyến do chuyến bay Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng của thời tiết xấu, hạ cánh muộn 25 phút”.
Tuy nhiên, qua kiểm tra kết quả ghi nhận thời tiết ngày 28/5/2019 tại Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ. Kết quả ghi nhận quan trắc thời điểm đó tại khu vực Nhà Bè lượng mưa chỉ là 0,3mm.
Chuyến bay VN031 từ TP.HCM đến Đức của Vietnam Airlines đã bị delay đến 72 phút.
Số liệu nhật ký quan trắc của Trạm khí tượng thủy văn Tân Sơn Hòa tại quận Tân Bình ghi nhận ngày 28/5/2019 thời tiết tại khu vực này trời rất đẹp.
Tại khu vực quận Tân Bình (TP.HCM), nơi sân bay Tân Sơn Nhất tọa lạc, trạm khí tượng Tân Sơn Hòa thuộc Đài này ghi lại: Ngày 27/5, có mưa từ 19h30’ đến 20h20’, lượng mưa ghi nhận được là 1,1 mm. Rạng sáng hôm sau, từ 4h50’ đến 5h00’, lượng mưa nhỏ giọt ghi được là 0,1mm.
“Lượng mưa này không đủ thấm đất”, theo kinh nghiệm của những người theo dõi thời tiết.
Sau đó, suốt ngày 28/5 tại khu vực quận Tân Bình không có mưa. Đến trưa ngày 29/5, tại khu vực này mới có mưa với lượng mưa tới 14,0mm.
Kết quả quan trắc nêu trên được ghi nhận từ 19h ngày hôm trước tới 19h ngày hôm sau, mỗi ngày.
Trạm khí tượng Tân Sơn Hòa nằm cách sân bay Tân Sơn Nhất chỉ chừng vài km theo đường chim bay, thông số quan trắc ghi nhận ở trên cho thấy sân bay Tân Sơn Nhất vào thời điểm chuyến bay VN279 hạ cánh không hề có dông hay thời tiết xấu như thông cáo báo chí mà VNA phát đi vào ngày 29/5/2019.
Nói về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi Vietnam Airlines delay chuyến bay quốc tế hơn 1 giờ chỉ để chờ... 1 khách, luật sư Trần Thanh Phán – Công ty Luật Pegasus, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ: Thứ nhất, nếu VietNam Airlines (VNA) chỉ vì một hành khách mà quyết định cho chuyến bay chậm hơn một giờ đồng hồ là điều không thể chấp nhận được vì: Không có một quy định nào của Bộ Giao thông Vận tải cũng như của Hàng không Việt Nam cho phép hoãn, hủy chuyến bay vì hành khách đến trễ giờ.
(Lịch trình bay của chuyến bay VN279 từ Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh dự kiến hạ cánh lúc 10h15 PM trong khi giờ bay dự kiến của chuyến bay của VN031 từ TP.HCM đi Frankfurt (Đức) là 10h10 PM. Như vậy, đương nhiên ngay từ đầu “vị khách đặc biệt” đi chuyến VN279 mặc nhiên bị trễ và không thế nối chuyến bay VN031 đến Đức).
Theo dữ liệu lưu trên hệ thống, vị khách đặc biệt khiến hơn 200 người trên chuyến bay VN31 phải chờ đợi là Do Truong Minh - một doanh nhân và đi ghế thương gia.
Thứ hai, đây là một chuyến bay Quốc tế, quãng đường bay và thời gian bay rất dài nên việc delay chuyến bay không phải nằm trong những sự kiện bất khả kháng mà vì một lý do không thể chấp nhận như đã nêu trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của hàng không Việt Nam đối với Quốc tế. Thậm trí, việc delay này còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác liên quan đến an toàn bay trong công tác điều tiết hạ cánh và cất cánh tại sân bay Quốc tế Frankfurt (Đức) – đây là điểm đến của chuyến bay trên.
Thứ ba, về vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi VNA delay chuyến bay này: Theo Thông tư 27/2017 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014 (quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không) và Thông tư 14/2015 (quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không), hãng bay phải thông báo cho hành khách khi chuyến bay bị chậm 15 phút trở lên. Nội dung thông báo gồm có lý do việc chậm chuyến; thời gian cất cánh dự kiến hoặc kế hoạch bay thay thế; kế hoạch phục vụ hành khách; bộ phận trợ giúp hành khách. Đồng thời, hãng vận chuyển phải xin lỗi hành khách vì chậm, hủy chuyến.
Về việc bồi thường vật chất: Với quãng đường bay từ Việt Nam sang Đức là 5.667 dặm tương đương 9.121 km thì theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 14/2015/TT-BGTVT ngày 27 tháng 5 năm 2015 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về mức bồi thường ứng trước không hoàn lại đối với chuyến bay bị chậm (delay) trong trường hợp trên là mỗi hành khách được bồi thường 150 USD/hành khách (tương đương khoảng 3.450.000 đồng/hành khách.
Với số lượng khách trên máy bay như báo chí đã nêu là có hơn 200 người thì số tiền ước tính mà VNA phải bồi thường là trên 700 triệu đồng.
“Như vậy, có thể nói rằng với một quyết định sai lầm, không đúng quy định trong công tác liên quan đến điều hành bay dẫn đến sự chậm chễ (delay) trong mỗi chuyến bay đặc biệt là các chuyến bay Quốc tế thì ngoài việc mất uy tín của hàng không Việt Nam đối với Quốc tế còn ảnh hưởng đến công việc của hành khách, sự điều tiết của các chuyến bay khác và phải bồi thường một số tiền rất lớn lên đến 150USD/hành khách”, luật sư Trần Thanh Phán chia sẻ.
© 2024 | Thời báo ĐỨC