Rừng Sóc Sơn nghi bị đốt khi lực lượng chức năng cưỡng chế vi phạm

Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đề nghị công an lập chuyên án vì nghi có hiện tượng bất thường về cháy rừng ở Sóc Sơn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà Nội vừa có báo cáo kết quả xử phạt vi phạm hành chính trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trong tháng 6-2023.

1 Rung Soc Son Nghi Bi Dot Khi Luc Luong Chuc Nang Cuong Che Vi Pham

Khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) là "điểm nóng" về vi phạm trên đất rừng và lòng hồ. Ảnh: HỮU HƯNG

Theo đó, trong 19 vụ việc vi phạm lòng hồ trong tháng 6-2023, lực lượng chức năng của Sở NN-PTNT đã phát hiện 3 vụ vi phạm tại hồ Đồng Đò, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn (khu vực này là điểm "nóng" về vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm đất rừng nhiều năm qua).

3 vụ vi phạm tại hồ Đồng Đò gồm trường hợp ông Vũ Mạnh C. xây bể, đào đất lấn chiếm lòng hồ Đồng Đò; trường hợp ông Đinh Phú C. xếp đá lấn hồ Đồng Đò; một trường hợp khác làm kè móng bằng tấm bê-tông, xây tường, đổ nền bê-tông lấn chiếm lòng hồ Đồng Đò nhưng chưa xác định được người vi phạm.

Đại diện Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết trong các vi phạm này có những trường hợp vi phạm quy mô lớn, ảnh hưởng đến vận hành an toàn hồ đập, tạo dư luận không tốt trong xã hội, cần tập trung xử phạt.

Sở NN-PTNT đã đề nghị Chủ tịch UBND huyện trực tiếp chỉ đạo xử phạt để giảm số vụ vi phạm mới, đồng thời chịu trách nhiệm trước UBND TP. Tới đây, Sở NN-PTNT yêu cầu các công ty thủy lợi, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai kiểm tra, báo cáo 10 ngày 1 lần thay vì 1 tháng như trước đây để kịp thời phát hiện các vi phạm.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Minh Tuyên, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN-PTNT Hà Nội), cho hay khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) và hồ Ban Tiện (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) là những nơi đang diễn ra hoạt động xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp khá nghiêm trọng. Phần lớn diện tích đất này đang thuộc quyền quản lý của huyện, chưa bàn giao về cho Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (đơn vị thuộc Sở NN-PTNT).

Theo ông Tuyên, đơn vị đã có báo cáo Sở NN-PTNT Hà Nội về tình hình san ủi và xây dựng trái phép trên đất rừng tại địa bàn Sóc Sơn đang được dư luận quan tâm. Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn xảy ra 59 vụ xâm phạm đất rừng, trong đó có 36 vụ xây dựng trái phép; 21 vụ san gạt và 2 vụ khai thác đất lâm nghiệp trái phép.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Sở NN-PTNT đã có 6 văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện, UBND các xã xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm.

2 Rung Soc Son Nghi Bi Dot Khi Luc Luong Chuc Nang Cuong Che Vi Pham

Nhiều công trình ở khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng. Ảnh: HỮU HƯNG

Về công tác quản lý rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn, ông Tuyên cho biết lực lượng kiểm lâm địa bàn rất vất vả trong việc ngăn chặn người dân xây dựng công trình kiên cố trên đất lâm nghiệp. Quá trình thi hành công vụ, có trường hợp người dân xây dựng trái phép "không thèm tiếp" vì cho rằng việc xử lý công trình vi phạm không thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm.

Đáng chú ý, liên quan đến tình trạng cháy rừng Sóc Sơn trong thời gian vừa qua, ông Tuyên cho biết đang đề nghị lực lượng công an lập chuyên án vì ông nhận định có hiện tượng bất thường.

Theo ông Tuyên, khi huyện cưỡng chế công trình vi phạm thì có hiện tượng đốt rừng. "Qua các năm theo dõi, không thể có chuyện 1 buổi tối cháy 3 điểm, chữa chỗ này thì cháy chỗ khác. Khi hỏi lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn thì được biết ở xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm. Đó là cái dại của người dân. Rừng không thể trồng được một sớm một chiều" - Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội nói.

Lực lượng chức năng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng trên phần đất rừng được cơ quan chức năng giao. Nếu để xảy ra phá rừng hoặc cháy rừng thì coi như mất công lao trồng rừng mà mình đã bỏ ra. Trong khi đó, tài sản hợp pháp của người dân luôn được pháp luật bảo vệ.

Chi cục Kiểm lâm cũng đề nghị huyện Sóc Sơn phải đẩy nhanh việc rà soát, cắm mốc ranh giới và xử lý dứt điểm các trường hợp xây dựng trái phép ở rừng Sóc Sơn theo đúng quy định. Việc xử lý cần được thực hiện nhanh, dứt điểm vì để mãi thế này khiến người dân và Nhà nước cùng "mệt".

Tháng 10-2018, sau khi dư luận phản ánh tình trạng hàng loạt công trình mọc lên trên đất rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn, Thanh tra TP Hà Nội đã quyết định thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, trong đó tập trung vào "điểm nóng" vi phạm tại 2 xã Minh Phú và Minh Trí.

Đến tháng 3-2019, Thanh tra TP Hà Nội ban hành 2 kết luận thanh tra về đất rừng Sóc Sơn. Trong đó nêu rõ hàng ngàn trường hợp vi phạm đất rừng. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú và Minh Trí, cũng như khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm.

Thực tế, sau khi có kết luận của Thanh tra TP, hàng loạt công trình vẫn tiếp tục mọc lên trên đất rừng ở huyện Sóc Sơn buộc lực lượng chức năng phải ra quân xử lý.

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho biết 6 tháng đầu năm 2023 đến nay, đã phát hiện 187 trường hợp vi phạm, trong đó xử lý được 124 trường hợp. Trong năm 2022 và 2021 có hơn 500 trường hợp vi phạm.

B.H.Thanh

Nguồn: Báo điện tử Người Lao Động


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày