Ra nước ngoài trộm bị làm nhục, sao người Việt không chừa?

Để xóa bỏ hành vi người Việt ra nước ngoài rồi tay chân ‘táy máy’, đã đến lúc các cơ quan chức trách trong nước phải vào cuộc. Phải xem đây là hành vi làm nhục quốc thể và phải xử lý nghiêm minh.

Ra nước ngoài trộm bị làm nhục, sao người Việt không chừa? - 0

Những người Việt tử tế nghĩ gì khi nhìn thấy biển cảnh báo bằng tiếng Việt trong một shop thời trang ở Nhật? Ảnh: Tư liệu

Ngày 21-12, báo Tuổi Trẻ Online đưa tin: 5 người Việt bị bắt tại Nhật, nghi đã trộm 78.000 USD! Cũng theo thống kê từ bài báo này, từ tháng 1-2017 đến tháng 3-2017 các nghi phạm này thực hiện 45 vụ trộm.

Đây không phải lần đầu tiên dư luận trong nước bức xúc về chuyện “những con sâu làm rầu nồi canh”. Ngược dòng thời gian, có thể thấy vấn đề du học sinh, tu nghiệp sinh người Việt Nam ăn cắp ở Nhật Bản nổi lên đã lâu.

Ra nước ngoài trộm bị làm nhục, sao người Việt không chừa? - 1

Còn nhớ khoảng năm 2005 tôi có đọc phóng sự trên tờ Ashahi shimbun, bài báo thống kê người Việt đứng nhì bảng nạn trộm cắp ở Nhật (chỉ xếp sau người Trung Quốc).

Từ đó tới nay câu chuyện người Việt bị bắt ở Nhật do hành vi trộm cắp, buôn lậu… cứ âm ỉ xảy ra và có khuynh hướng ngày càng gia tăng.

Đáng nói là thủ phạm không chỉ là du học sinh, lực lượng xuất khẩu lao động mà có sự góp mặt của viên chức nhà nước đi công tác, phi công và tiếp viên hàng không… khiến cho người bản địa không thể lý giải nguyên nhân tại sao!

Chính do sự lờ đi, coi như không phải “chuyện nhà mình” của các cơ quan chức trách trong nước đẩy vấn nạn trộm cắp của người Việt ở Nhật thành căn bệnh trầm kha.

Hiện nay người Nhật đã ngấm ngầm thậm chí công khai “dán nhãn” gặp người Việt Nam thì phải dè chừng nạn trộm cắp. Nếu là người Việt, thử hỏi chúng ta có thấy nhột tóc gáy khi làm thủ tục “check in” vào Nhật Bản không?

Nên nhớ Nhật là một đất nước an toàn và tính trung thực của người Nhật gần như tuyệt đối.

Hồi còn làm việc tại một công ty xây dựng ở Nhật, một hôm tôi cùng với một đồng nghiệp và vị giám đốc người Nhật đến hiện trường thi công đường thoát nước tại một con đường mới mở trong thị trấn, cách trụ sở công ty khoảng 20km.

Chúng tôi đi trên hai chiếc xe ô tô trong đó có một chiếc bán tải chở nhiều dụng cụ có giá trị như máy đo cự ly bằng tia laser, máy cưa máy khoan, máy đằm…

Khi đến hiện trường thì vị giám đốc vốn có tiền sử bệnh tim có dấu hiệu choáng, khó thở. Nghi ngờ bệnh tim tái phát chúng tôi để xe chở dụng cụ tại hiện trường chìa khóa cắm nguyên trên ổ, ba người nhanh chóng lên xe ôtô còn lại đưa ông giám đốc vào bệnh viện cấp cứu.

5 ngày sau vị giám đốc khỏe hẳn chúng tôi mới ra lại hiện trường thì chiếc xe vẫn ở đó, các thùng dụng cụ vẫn nằm đúng vị trí y như cũ không thấy một dấu hiệu thay đổi nào.

Nhà của vị giám đốc nơi tôi ở cũng thế, nhà có 3 chiếc xe hơi, ai đi xe về cũng lái vào sân rồi cắm chìa như thế vào nhà, khi ra khỏi nhà thì chỉ cần kéo lại cánh cửa lùa kiểu Nhật rồi để thế mà đi không khóa không gài… Được biết thói quen này có hàng chục năm trước.

Chuyện khác, trong khu tôi ở có một anh bị bệnh tâm thần nhẹ, anh ấy không có việc làm hay nói đúng hơn là anh ta không muốn đi làm.

Cứ mỗi sáng sớm anh ta đạp xe đi khắp các chiếc máy bán hàng tự động các quận trong thành phố để tìm những đồng tiền xu lẻ bỏ sót trong hộc tính tiền để lấy đi mua đồ ăn, tuyệt nhiên không ăn cắp.

Người hàng xóm thấy tội thì gói sẵn gói bánh đồ ăn, chút tiền bỏ trong bao thư… để nơi hiên nhà cho anh ấy đi ngang thì ghé lấy nhưng sáng mang ra thì chiều đi làm về mang vào chứ anh ấy không đến lấy.

Về sau mọi người nghĩ ra cách giúp bằng cách siêng đi mua hàng ở máy bán hàng tự động để lại những đồng tiền thối có mệnh giá nhỏ… cho thấy người Nhật điên cũng có phẩm giá!

Khi chạy xe đôi khi tôi nhìn thấy hai bên đường có để những thùng hàng có chứa các đồ dùng như rau củ quả hoặc những món đồ dùng còn tốt như đôi giày, khăn choàng, cái đồng hồ… kèm theo mảnh giấy ghi cẩn thận đặc tính của vật dụng và ghi số tiền tượng trưng để ai muốn lấy món đồ thì bỏ tiền vào cái hộp kế bên.

Được biết số tiền ghi ra là để người có nhu cầu lấy món đồ có tâm trạng thoải mái chứ không phải có giá trị bán buôn.

Tôi đơn cử vài việc để bạn đọc dễ hình dung sự văn minh của xã hội Nhật và lòng trung thực của người Nhật qua đó cho thấy nạn trộm cắp và tính không trung thực đối với họ là đáng ghét như thế nào.

Hiện nay thị trường Nhật được coi là mảnh đất màu mở cho xuất khẩu lao động của VN do môi trường lao động an toàn, thu nhập cao, khoảng cách địa lý gần chỉ hơn 4 giờ bay…

Nhiều năm qua thị trường lao động Nhật đã gánh một tỉ trọng không nhỏ trong việc giải quyết vấn nạn thất nghiệp trong nước đồng thời giúp mang về nguồn thu ngoại tệ…

Để tạo ra cú hích về nguồn cung lực lượng lao động chất lượng cao đồng thời cứu vãn uy tín và người Việt Nam tại Nhật Bản nói riêng và các quốc gia khác nói chung, những giải pháp cần gấp rút tiến hành.

Theo tôi, ngoài việc nâng cao tay nghề dạy ngoại ngữ… thì phải chú trọng giáo dục đủ sâu về luật pháp, văn hóa phong tục tập quán thị trường lao động các nước mà các công ty tuyển dụng nhắm đến.

Đặc biệt chú trọng các bài thực hành tình huống “test” về nghị lực nhân cách đạo đức của ứng viên, cảnh báo trước môi trường lao động nghiêm khắc chứ không có chuyện làm tàn tàn theo phong cách lao động trong nước…

Nhật Bản là nước chủ nhà Olympic 2020 cho nên hiện nay họ đang siết chặt an ninh chấn chỉnh an toàn trật tự xã hội…

Nếu chúng ta không có nhanh chóng cương quyết chấn chỉnh đội ngũ du học sinh và nguồn nhân lực xuất khẩu lao động thì khả năng mất thị phần xuất khẩu lao động tại một đất nước nổi tiếng “ngon ăn” nhất là viễn cảnh có thể xảy ra.

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày