Cùng với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã được thành lập và vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dẫn dắt và chỉ đạo trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học quý giá đối với ngoại giao Việt Nam, trong đó, đầu tiên là đặt lợi ích chính đáng của dân tộc lên trên hết, đồng thời phải tôn trọng lợi ích dân tộc chính đáng của các nước khác, nhất là của các nước láng giềng.
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, đường lối này được Bác nêu rất rõ tại cuộc gặp kiều bào Pháp năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp. Người nói: Tôi đến nước Pháp mang đến cho quý vị món quà quý giá, không phải vật chất mà là khẩu hiệu: "Phải đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết".
Đặc biệt, giai đoạn mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong thế "đơn thương độc mã", cùng một lúc chống lại không chỉ một kẻ thù, đất nước khó khăn, phức tạp, hoạt động đối ngoại của ta đã đặt lợi ích chính đáng của dân tộc lên trên hết, triển khai đường lối độc lập, tự chủ nhằm thêm bạn, bớt thù.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Ảnh: Tư liệu
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn độc lập đã trở thành giá trị tinh thần to lớn, làm nên sức mạnh của lớp lớp thế hệ người Việt Nam, đồng thời thể hiện tài ngoại giao xuất chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bàn về thời điểm Bác viết Tuyên ngôn độc lập, GS-TS Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Ngoại giao, cho biết ngày 13-8-1945, khi được tin phát xít Nhật sẽ đầu hàng Đồng minh, Đảng ta đã gấp rút thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và ra Quân lệnh số 1. Ngày 14-8, Hội nghị toàn quốc của Đảng được triệu tập để quyết định Tổng khởi nghĩa. Đại hội quốc dân (ngày 16-8) đã thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, định Quốc kỳ, Quốc ca.
Trong những ngày khẩn trương này, mặc dù đang ốm nặng tại Lán Nà Lừa (Tuyên Quang) nhưng lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giành chính quyền mau chóng trên phạm vi cả nước. Bác đã nắm được nghị quyết của Hội nghị Potsdam (Đức) với tuyên bố Potsdam trong đó vạch ra những điều khoản đầu hàng cho Nhật Bản trong Thế chiến II, trong đó có việc cử quân đội Tưởng Giới Thạch giải giáp quân đội Nhật. Bác quyết định phải về nhanh Hà Nội để thành lập chính phủ, không để các thế lực bên ngoài lợi dụng thời điểm trống quyền lực để "cắm người" vào chính quyền. Do đó, Bác chỉ thị rất nhanh.
Ngày 19-8-1945, tổng khởi nghĩa nổ ra, giành thắng lợi nhanh chóng tại Hà Nội. Tiếp đó là Huế (23-8-1945) và Sài Gòn (25-8-1945) cùng các địa phương khác giành chính quyền về tay nhân dân.
Tối 25-8-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh về đến Hà Nội, ngay sau đó, Người cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định sẽ gấp rút chuẩn bị để tổ chức lễ tuyên bố độc lập vào ngày 2-9-1945. Bác nêu việc chính phủ ra mắt thì phải có bản tuyên bố. Đây là tuyên bố ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phải cho cả quốc dân và cả thế giới biết.
Công việc quan trọng nhất là khởi thảo Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đảm nhiệm. Chỉ trong vòng 4 ngày (ngày 26 đến 29-8-1945), cùng với bộn bề công việc sau Tổng khởi nghĩa, Người đã hoàn thành dự thảo Tuyên ngôn Độc lập. Đây là bản Tuyên ngôn độc lập thứ ba của Việt Nam sau bài thơ: "Nam Quốc Sơn Hà" được Lý Thường Kiệt đọc năm 1077; "Bình Ngô Đại Cáo" của Nguyễn Trãi năm 1428.
"Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 có ý nghĩa vô cùng to lớn với nhân dân và cách mạng Việt Nam; khẳng định nước Việt Nam dân chủ mới đã ra đời thay cho chế độ thuộc địa của thực dân Pháp. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quan hệ bình đẳng với tất cả các nước trên thế giới và mong rằng các nước trên thế giới công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia mới ra đời. Bản Tuyên ngôn này đã trở thành nền tảng cho nước Việt Nam sau này bởi không có tuyên bố thành lập nước thì Việt Nam không thể thành một chủ thể trên quan hệ quốc tế. Do đó, Bản Tuyên ngôn độc lập có giá trị vô cùng to lớn cho dân tộc Việt Nam, có giá trị quốc tế và thời đại" - GS-TS Vũ Dương Huân nêu rõ.
Ngày 2-9-1945 đánh dấu sự ra đời của một Nhà nước Việt Nam non trẻ, đối mặt với muôn vàn thách thức, khó khăn. Về chính trị nội bộ, chính quyền vừa thành lập, lực lượng vũ trang rất nhỏ bé, trang bị vũ khí thô sơ. Về kinh tế, công nghiệp bị đình đốn, đồng ruộng bị bỏ hoang, tài chính bị kiệt quệ, ngân khố trống rỗng, ngân hàng vẫn nằm trong tay người Pháp. Ở miền Bắc, nạn đói giữa năm 1945 làm hai triệu người chết, tiếp đó là đồng bằng Bắc bộ bị trận lụt lớn tàn phá, 95% dân số Việt Nam mù chữ…
Trong bối cảnh đó, Đảng và Bác Hồ xác định đường lối cách mạng nước ta vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng, dân tộc trên hết. Về chính sách đối ngoại, Đảng chủ trương ngoại giao với tất cả các nước trên nguyên tắc "bình đẳng và tương trợ"; thuật ngoại giao là: "làm nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết".
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet sau lễ ký Tạm ước 14-9-1946 tại Paris, Pháp.
GS-TS Vũ Dương Huân phân tích: Thành lập nước rồi nhưng phải được công nhận thì mới thành chính danh, mới không đơn thương độc mã và các nước mới tạo điều kiện giúp đỡ, ủng hộ được. Vì thế, bên cạnh việc tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời thì, Bác đã thúc đẩy một loạt các biện pháp để củng cố thế độc lập, đây là các hoạt động về mặt đối nội nhưng có tác dụng về cả mặt đối ngoại. Ví dụ, Ủy ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội ở Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhiều Ủy viên Việt Minh trong Chính phủ đã tự nguyện rút ra khỏi Chính phủ để mời thêm nhiều nhân sĩ ngoài Việt Minh tham gia; sớm tổ chức Quốc hội lập hiến; soạn thảo Hiến pháp…
Chính Bác Hồ soạn tuyên bố của chính phủ lâm thời về chính sách ngoại giao của Việt Nam trong thời kỳ đó, nêu ra những đường hướng cơ bản về đối ngoại của Việt Nam dân chủ cộng hòa trong quan hệ với các nước trên thế giới, các nước đồng minh, các nước Đông Dương... Tuyên bố 3-10-1945 về chính sách đối ngoại Việt Nam là nền tảng phương pháp phong cách, nguyên lý, nguyên tắc của chính sách đối ngoại Việt Nam rộng mở sau này.
Trong thế "ngàn cân treo sợi tóc" của đất nước Việt Nam non trẻ lúc bấy giờ, thực hiện đường lối và chính sách đối ngoại Đảng, với tư cách là Chủ tịch Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Bác Hồ đã triển khai nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng.
Giai đoạn đầu, thực hiện hoà hoãn với quân đội Tưởng Giới Thạch để tập trung chống Pháp, Bác đã có các cuộc gặp "xoay chuyển tình thế" với Lư Hán, tổng chỉ huy 20 vạn quân Tưởng, và Tiêu Văn, phó tư lệnh. Mặc dù ban đầu sang Việt Nam để "diệt cộng, cầm Hồ" (nghĩa là diệt cộng sản và bắt Hồ Chí Minh), song sau cuộc gặp, tướng Lư Hán, Tiêu Văn đã thay đổi thái độ sau khi thấy trí tuệ uyên thâm của Bác, thấy Bác thông hiểu đất nước Trung Quốc, hiểu cả cá nhân và đánh giá cao các vị tướng này… Tướng Lư Hán tiễn Bác ra tận ôtô và khẳng định Việt Nam là bạn, không phải là thù. Sau đó, Bác đã xử lý rất tốt nhiều vấn đề trong quan hệ với chính quyền Tưởng Giới Thạch thông qua Lư Hán, Tiêu Văn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi công hàm cho những người đứng đầu Chính phủ các nước lớn như Liên Xô, Mỹ, Anh, Trung Quốc và Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông báo về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định tính hợp pháp của nước ta và tố cáo thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược Đông Dương.
Theo GS-TS Vũ Dương Huân, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc giữ quan hệ với các đại diện của Mỹ ở Việt Nam, tiếp xúc với Đại sứ Mỹ tại Pháp khi thăm Pháp… Người còn đề nghị cử một phái đoàn gồm 50 thanh niên Việt Nam thăm Mỹ, thiết lập quan hệ văn hóa, xúc tiến nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp…, chủ động thành lập Việt-Mỹ thân hữu Hội.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ ngoại giao: "Muốn làm gì cũng cần vì lợi ích dân tộc mà làm". Lợi ích chính đáng của dân tộc Việt Nam là hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, chế độ và nhân dân; lợi ích phát triển và phát huy ảnh hưởng. Trong tất cả hoạt động ngoại giao từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, đặc biệt trong các cuộc đàm phán lịch sử như Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946, Tạm ước 14-9-1946, Hội nghị Geneva năm 1954 về Đông Dương, Hội nghị Paris về Việt Nam cũng như các cuộc đàm phán song phương và đa phương sau này, chúng ta luôn đặt lợi ích tối cao của dân tộc lên trên hết.
Dương Ngọc
Nguồn: nld.com.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC