Quốc hội chốt mục tiêu tăng trưởng GDP 6% năm 2021

Đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, Quốc hội cho rằng việc này thể hiện quyết tâm phục hồi kinh tế của Chính phủ sau khi kiểm soát thành công đại dịch Covid-19.

Sáng 11/11, với 430/439 đại biểu tán thành (89,21% tổng số đại biểu), Quốc hội chính thức thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Nghị quyết của Quốc hội quyết nghị chỉ tiêu tăng trưởng năm 2021 là 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, mức tăng trưởng GDP khoảng 6% là khá cao, đề nghị đặt chỉ tiêu trên 5% hoặc từ 5,5-6%.

 

132 1 Quoc Hoi Chot Muc Tieu Tang Truong Gdp 6 Nam 2021

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định việc đặt chỉ tiêu khoảng 6% thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát thành công đại dịch Covid-19. Ảnh: Quốc hội.

Có ý kiến băn khoăn nếu đề ra mục tiêu tổng quát, “tập trung thực hiện mục tiêu kép” thì tăng trưởng kinh tế khó đạt khoảng 6%. Ý kiến khác đề nghị các chỉ tiêu ghi cụ thể mức “đạt”, không ghi “khoảng”.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2020, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế; bối cảnh, tình hình của năm 2021.

“Việc đặt chỉ tiêu khoảng 6% thể hiện quyết tâm của Chính phủ phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh động trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2021”, ông Thanh nói xin Quốc hội cho giữ như dự thảo nghị quyết.

Để đạt các mục tiêu, Quốc hội đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Đáng chú ý có việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác. Đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong sản xuất vắc xin và có giải pháp để người dân tiếp cận vắc xin phòng dịch Covid-19 sớm nhất.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung xem xét mở lại các đường bay thương mại quốc tế phù hợp nhưng phải bảo đảm tuyệt đối an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.

 

132 2 Quoc Hoi Chot Muc Tieu Tang Truong Gdp 6 Nam 2021

430 đại biểu Quốc hội tán thành nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Ảnh: Hoài Vũ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới rất phức tạp, việc mở các đường bay quốc tế cần thận trọng, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, theo diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, để tạo điều kiện cho Chính phủ điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình, diễn biến thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin không tiếp thu nội dung này.

Một giải pháp khác được đề ra là công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá điện, xăng dầu cũng như các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác có ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng của người dân.

Quốc hội cũng yêu cầu triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng, trong đó chú trọng các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến đường cao tốc kết nối.

Ngoài ra, cần quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng.

Trong công tác phòng chống tham nhũng, Quốc hội đề nghị thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm; tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng.

12 chỉ tiêu chủ yếu năm 2021

 

1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%.

2. Quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD.

3. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

4. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng 45-47%.

5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%.

6. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%.

7. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%.

8. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm.

9. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 90%.

10. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%.

11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%.

12. Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.

 

Hoài Thu

Nguồn: zingnews.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày