Nhà xưởng của Công ty CP Tập đoàn điện khí Trưởng Thành cho Công ty Foxconn thuê bị sập một phần và tốc mái, nước dột vào tầng 1. Ảnh: Thu Lê
Ngay sau khi bão số 3 tan, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã thành lập đoàn đi kiểm tra tình hình sau bão tại các KCN. Qua kiểm tra thực tế và thông tin báo cáo của các Văn phòng đại diện tại các KCN; đến nay, tất cả các KCN không có thiệt hại về người.
Về tài sản, nhìn chung các KCN ở khu vực Tây của tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề hơn khu vực miền Đông.
Tại khu vực miền Đông, KCN Hải Yên và KCN Texhong Hải Hà chỉ có một số ít cây xanh bị đổ, nghiêng, gãy cành và một số nhỏ mái tôn bị tốc, cửa kính bị vỡ.
Riêng khu vực đường vào KCN Texhong Hải Hà có 3 cột điện bị tấm tôn va quệt. Sự cố này đã được UBND huyện Hải Hà phối hợp với Công ty TNHH KCN Hải Hà chủ động xử lý ngay trong chiều 7/9.
Đến chiều 8/9, khu vực này đã có điện trở lại. Hiện nay, toàn bộ KCN Texhong Hải Hà và KCN Hải Yên (TP.Móng Cái) đã hoạt động bình thường trở lại.
Sau bão số 3, Công ty TNHH May Mặc Hoa Lợi Đạt (Việt Nam) trong KCN Hải Hà đã hoạt động lại bình thường. Ảnh: Thu Lê
Đối với KCN Cái Lân (TP.Hạ Long), KCN đã được xây dựng từ lâu, các nhà xưởng cơ bản là kết cấu khung thép, tường và mái bằng tôn. Qua thời gian dài đưa vào sử dụng khả năng chống chịu lực đã suy giảm nhiều, do đó cơ bản các nhà xưởng đều bị tốc mái hoặc sập đổ. Một số cột điện cao thế truyền tải điện vào Trạm điện 110kV, 220kV cấp điện sản xuất cho KCN bị hư hại; hệ thống cây xanh bị gãy, đổ rất nhiều.
Một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề cả khu vực Văn phòng và nhà xưởng sản xuất gồm: Công ty TNHH sợi Thế Kỷ Mới Việt Nam, Công ty sản xuất nến cao cấp AIDI, Công ty sản xuất bao bì Ánh Dương, Công ty TNHH Wolfram.
Tại KCN Việt Hưng (TP.Hạ Long) ghi nhận một số cây xanh, cột điện bị đổ, gãy. Nhà xưởng của Công ty may Weitai và Công ty may Weili bị tốc mái nhiều đoạn. Nhà máy Đầu tư xây dựng Nhà máy Ô tô Thành Công Việt Hưng bị ảnh hưởng không đáng kể. Chủ đầu tư đang nỗ lực phấn đấu để cuối tháng 9 - đầu tháng 10/2024 sẽ đưa nhà máy vào sản xuất.
Bão số 3 khiến nhiều nhà xưởng KCN Việt Hưng (TP.Hạ Long) bị tốc mái. Ảnh: Thu Lê
Thị xã Quảng Yên là địa phương ghi nhận nhiều thiệt hại nhất của các doanh nghiệp trong các KCN. Như tại KCN Đông Mai, rất nhiều cây xanh bị đổ, gãy, gây gián đoạn giao thông; cột điện cao thế cấp vào trạm 220kV Đông Mai bị đổ, gãy. Toàn bộ KCN Đông Mai bị mất điện hoàn toàn.
Một số nhà xưởng sản xuất thiết bị điện tử bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị nước tràn vào sàn nhà xưởng (Công ty TNHH kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam nước dột tràn vào tầng 1 và cả sàn tầng 2; Công ty Bumjun Electronics tràn sàn tầng 1). Nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống máy móc và nguyên liệu sản xuất; khả năng thiệt hại là vô cùng lớn.
Nhà xưởng sản xuất thiết bị điện tử bị nước tràn vào nhà ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguyên liệu sản xuất. Ảnh: Thu Lê
Nhà xưởng của Công ty TNHH công nghệ Moka Việt Nam bị tốc mái, bong tường tôn xốp. Ảnh: Thu Lê
Tại KCN Sông Khoai, toàn bộ hệ thống cột cấp điện của nhà đầu tư hạ tầng bị gãy, đổ (quan sát tại hiện trường khoảng 50 cột cao trên 10 mét bị gãy, đổ). Sự cố này sẽ cần nhiều thời gian để khắc phục.
Hệ thống cột cấp điện của nhà đầu tư hạ tầng bị gãy, đổ. Ảnh: Thu Lê
Nhà xưởng của Công ty Jinko Solar và Công ty Foxconn 1, 2 bị tốc mái, bật một số cửa. Ảnh: Thu Lê
Tại KCN Bắc Tiền Phong, cột điện trạm biến áp KCN bị hỏng, toàn bộ KCN bị mất điện. Nhà xưởng của Công ty Boltun bị tốc mái, nước tràn vào trong (công ty đang tiến hành lắp đặt máy móc, thiết bị).
Nhà xưởng của Công ty Boltun bị tốc mái. Ảnh: Thu Lê
Hiện tại, Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh vẫn đang thống kê thiệt hại về kinh tế của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Việc thống kê bị chậm do nhiều nơi còn chưa có điện, chưa có sóng điện thoại.
Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo ngành điện, nước, viễn thông khẩn trương khắc phục sự cố để cấp điện, nước sản xuất và hệ thống thông tin trở lại cho các KCN.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT
© 2024 | Thời báo ĐỨC