- Quân đội đang tham gia vào quá trình phòng, chống Covid-19 thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Ngay khi có thông tin dịch bùng phát trở lại, ngày 28/1, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã chỉ đạo toàn quân tăng cường công tác phòng chống dịch, dừng việc đi phép, đi công tác đến và đi từ hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh.
Tiếp đó, Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị số 42 về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống dịch trong tình hình hiện nay. Cục Quân y yêu cầu các đơn vị trong toàn quân truy vết trường hợp liên quan đến hai ổ dịch tại Quảng Ninh và Hải Dương; chỉ đạo các đơn vị toàn quân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất; rà soát kế hoạch phòng chống, ứng phó với các cấp độ dịch; kiện toàn tổ đội phòng chống dịch, tăng cường năng lực xét nghiệm, chuẩn bị vật tư trang bị, hóa chất phòng chống dịch, không để bị động trong mọi tình huống.
Như vậy, chúng tôi đã cho kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng chống dịch trong toàn quân, triển khai nhanh, bảo đảm ứng phó với mọi tình huống, kể cả cấp độ cao nhất; đưa các đơn vị quân đội vào trạng thái như thời chiến, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19.
Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của Quân đội. Ảnh: Hoàng Phong
- Kích hoạt hệ thống phòng dịch ở mức cao nhất, đưa các đơn vị quân đội vào trạng thái như thời chiến được hiểu như thế nào?
- Trong quân đội, kích hoạt trạng thái như thời chiến là mức cao nhất. Khi đó, tất cả hệ thống chỉ huy, từ sở chỉ huy Bộ Quốc phòng đến tất cả đơn vị đầu mối toàn quân, trung tâm phòng chống dịch cũng như các cơ quan tác chiến phải duy trì hệ thống trực ban, trực dịch 24/24h; báo cáo kịp thời, hàng ngày và đột xuất về Bộ Quốc phòng để chỉ đạo. Phương tiện, thuốc men, vật tư... phòng chống Covid-19 phải đảm bảo như thời chiến, nghĩa là phải chuẩn bị tăng lên 2-3 cơ số.
Bộ Quốc phòng cũng có kịch bản ứng phó với dịch ở các mức độ, tùy diễn biến thực tế để chỉ đạo các đơn vị tự giác thực hiện. Đơn cử các bệnh viện dã chiến đã được kích hoạt, đồ đạc chuẩn bị sẵn trên xe, khi ra lệnh triển khai phương tiện dã chiến cấp 1 ở đâu là lập tức trong vòng hai giờ phải dựng xong bệnh viện.
Riêng Bộ đội Biên phòng - lực lượng ở tuyến đầu bảo vệ biên giới, ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép, không để dịch bệnh vào nội địa qua biên giới, đã căng mình làm nhiệm vụ suốt một năm qua. Tuy nhiên, tuyến biên giới trên bộ của đất nước dài gần 5.000 km, chúng tôi thường xuyên phải chỉ đạo tăng cường quân số lên biên giới.
Mới đây, ngoài hàng trăm học viên Học viện Biên phòng, khoảng 2.000 cán bộ chiến sĩ ở Biên phòng các tỉnh phía sau cũng được tăng cường cho biên phòng các tỉnh phía trước. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các Quân khu có tuyến biên giới hỗ trợ Biên phòng, chỉ đạo lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ tham gia các chốt trực ở sát biên.
Dịp Tết Nguyên đán, hầu hết đơn vị phải duy trì 100% quân số trực Tết, sẵn sàng chiến đấu và ứng phó với diễn biến mới của Covid-19. Đặc biệt, các đơn vị trong vùng dịch như Quân khu 3 (có Hải Dương, Quảng Ninh), Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Quân khu 7 (có TP HCM) thời gian qua phải dốc toàn bộ lực lượng giúp địa phương chống dịch. Bộ đội phải nhường doanh trại cho bà con cách ly, cắm nhà bạt dã chiến ngủ bên ngoài.
Quân đội ở Bộ Tư lệnh thủ đô cũng vất vả không kém, có hôm nửa đêm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh còn gọi điện cho tôi báo cáo là các doanh trại đều đã kín chỗ, phải nhờ những Quân đoàn ở xung quanh thủ đô như Quân đoàn 1, 2 hỗ trợ tổ chức cách ly. Còn ở Chí Linh, Hải Dương, anh em viết đơn tình nguyện vào vùng dịch để giúp địa phương và nhân dân.
- Trong các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của quân đội, Bộ đội Biên phòng dường như luôn là nỗi trăn trở của ông. Vì sao vậy?
- Tất cả đơn vị trong toàn quân đều tham gia chống dịch. Bộ đội Biên phòng canh giữ biên giới; bác sĩ Quân y tham gia xét nghiệm, điều trị; nhiều lực lượng tổ chức khu cách ly, chăm sóc người dân. Công việc nào cũng khó khăn, vất vả và nguy hiểm, thế nhưng điều kiện làm việc của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng luôn khiến tôi trăn trở nhất.
Họ rời Đồn ra sát đường biên, sinh hoạt trong những lều bạt dã chiến, chống chọi với sự khắc nghiệt của khí hậu miền biên viễn. Mùa hè thì nắng nóng đến khô héo da thịt, mùa đông thì lạnh thấu xương, chưa kể mưa đá phá tan lều bạt khiến bộ đội phải thức trắng đêm nơi biên ải; hay băng tuyết phủ kín khiến đường tuần tra của những người lính thêm muôn vàn khó khăn.
Trong những ngày giáp Tết, bà con đang lao động ở các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia... trở về ồ ạt, có tuần lên tới 20.000 người khiến áp lực kiểm soát biên giới của Biên phòng càng lớn.
Khi xác định cuộc chiến chống dịch còn kéo dài, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo bán kiên cố các chốt phòng chống dịch, thay lán trại dã chiến bằng những căn nhà tạm lợp mái tôn. Tuy nhiên, đến nay mới khoảng 250 chốt được bán kiên cố. Chúng tôi cũng cấp cho mỗi cán bộ, chiến sĩ thêm bốn bộ đồ dã chiến so với quy định. Giày dép, chăn màn... đều phải tăng thêm 2-3 lần để có đồ sử dụng khi bị mưa ướt, gió cuốn bay. Các bữa ăn của bộ đội được chú ý hơn, đảm bảo sức khỏe chiến đấu lâu dài.
Một điểm rất quan trọng nữa là chúng ta vừa chống dịch nhưng vẫn phải giữ được quan hệ ngoại giao với các nước. Trên tuyến biên giới đường bộ gần 5.000 km, có những lúc một số nước phản ứng gay gắt với các chốt chống dịch sát biên, khiến chúng ta phải rút ra phía sau. Việc kiểm soát đường mòn, lối mở vì thế càng trở nên khó khăn.
Tuy nhiên, kinh phí chống dịch, duy trì các khu cách ly hiện nay phần lớn sử dụng ngân sách Nhà nước cấp dành cho Quốc phòng. Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đến nay vẫn chưa được trợ cấp, bồi dưỡng gì. Dù Chính phủ có quy định thu phí nhưng hiện nay các cơ sở cách ly của Quân đội cũng không thu được bao nhiêu vì người già, trẻ em từ các nước trở về không có tiền. Đa số người cách ly vẫn do Quân đội bao tiêu.
- Với đường biên giới dài, quân số có hạn, Bộ đội Biên phòng đã đề xuất lắp camera để tăng cường kiểm soát người nhập cảnh trái phép. Ý kiến của Bộ Quốc phòng thế nào?
- Lắp camera dọc tuyến biên giới là một trong những giải pháp Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu, lên phương án trình Chính phủ để hỗ trợ Bộ đội Biên phòng kiểm soát biên giới. Đây là một thiết bị rất khoa học, hiện đại, giúp giảm bớt quân số và khắc phục được những hạn chế về thời gian, thời tiết. Tuy nhiên, để thực hiện được còn rất nhiều khó khăn.
Thứ nhất là về kinh phí. Để lắp đặt camera trên toàn tuyến biên giới gần 5.000 km cần vốn đầu tư ban đầu lớn. Đó không chỉ là kinh phí mua thiết bị mà còn đầu tư vào hạ tầng đảm bảo như đường điện, đường truyền, hệ thống bảo vệ... Khi lắp đặt cũng cần tổ chức Trung tâm chỉ huy ở Bộ Tư lệnh Biên phòng đến Biên phòng các tỉnh.
Công an lắp camera trên các tuyến giao thông đã có sẵn cột điện, chỉ cần mua máy về lắp cũng trầy trật mới làm được chứ không dễ. Trong khi đó, địa bàn biên giới hiểm trở, thăm thẳm, hạ tầng không có. Đó là chưa kể khu vực biên viễn khí hậu khắc nghiệt, mưa đá, mây mù có thể hạn chế tầm quan sát.
Nhưng sử dụng quân như hiện tại - chỉ dựa vào sức người khiến chúng tôi rất trăn trở. Lần nào họp tôi cũng đưa vấn đề này ra để bàn. Trước mắt, Quân đội trình Chính phủ phương án lắp camera ở một số địa bàn trọng điểm, là điểm nóng về xuất nhập cảnh trái phép để thực hiện thí điểm trước.
Bên cạnh lắp camera dọc biên, Bộ Quốc phòng cũng đang nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước là dựng hàng rào dây thép gai cao để ngăn chặn mọi xâm nhập trái phép. Với đặc điểm đất liền đất, trời liền trời, tình trạng những người địa phương thành thạo địa bàn dẫn đường cho người xuất nhập cảnh trái phép đang gây khó khăn lớn cho lực lượng chức năng.
Nguồn: VnExpress
© 2024 | Thời báo ĐỨC