Báo Zing ngày 14 Tháng Tám, dẫn tin từ Tổng Cục Hải Quan Bộ Tài Chính cho biết tính đến hết Tháng Sáu, 2019, Việt Nam đã nhập cảng 62,400 tấn thịt gà các loại từ Mỹ với giá trị đạt $48.6 triệu.
Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền cục trưởng Cục Chăn Nuôi thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, cho hay các mặt hàng gà nhập cảng chủ yếu là đùi, cổ, cánh… không được coi là phần chính phẩm (ức gà) mà chỉ là thứ phẩm tại thị trường Mỹ nên có giá chỉ khoảng 18,000 đồng/kg (77 cent).
“Với những thành phần của gà kể trên có những phân khúc tiêu thụ nhất định, ví dụ như phục vụ các quán ăn, quán nhậu, các bếp ăn công nghiệp. Tuy thị trường Mỹ không ưa chuộng, song đó lại là thứ mà người tiêu dùng Việt Nam ưa thích,” ông Dương lý giải.
Giải thích về việc nhiều người nghi ngại thịt gà Mỹ có giá quá rẻ do là “hàng phế phẩm,” ông Nguyễn Đăng Cường, giám đốc Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Lucavi, chuyên kinh doanh nông phẩm, khẳng định “thịt gà nhập cảng từ Mỹ không có sản phẩm gà thải loại như nhiều người vẫn lo ngại mà đều là gà nhập cảng chính thức theo container.”
“Thị trường Mỹ và phần lớn Châu Âu chỉ chuộng phần ức gà. Do vậy người chăn nuôi tại Mỹ chỉ cần bán riêng phần này đã có lời. Phần chân, cánh, đùi gà được xem là phụ phẩm để chế biến bột thịt xương dùng trong chăn nuôi. Tuy nhiên, mức giá bột thịt xương còn thấp hơn để nguyên xuất cảng sang Việt Nam hay các nước trong khu vực,” ông Cường cho biết.
Cũng theo ông Cường, những thành phần gà này nhập về Việt Nam nếu tính theo ký chưa đầy $1, nhưng khi bán cho người tiêu thụ được đẩy lên khoảng 40,000 đồng/kg ($1.7).
Theo giới chuyên gia lẫn các ở doanh nghiệp Việt Nam nhận định việc nhập cảng phụ phẩm gà trên thực chất chỉ là phần nổi của “tảng băng” trong câu chuyện thịt gà Mỹ nhập về Việt Nam có giá rẻ “bèo.”
Gà dai đông lạnh nguyên con bày bán tại siêu thị. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
Nói với báo Zing, ông Nguyễn Tất Thắng, tổng thư ký Hội Chăn Nuôi Việt Nam, cho biết nguyên nhân chính là do chi phí sản xuất gà công nghiệp tại Mỹ quá rẻ. Theo đó, một kg thịt gà hơi (gà còn sống chưa làm thịt) tại Mỹ sản xuất ra có giá thành khoảng 15,000-16,000 đồng/kg (khoảng 65 cent), trong khi ở Việt Nam con số này phải hơn 20,000 đồng/kg (86 cent).
Cụ thể, ngoài việc quy mô, trình độ và công nghệ chăn nuôi của Mỹ lớn, hiện đại giúp gà có tỷ lệ lớn nhanh, mật độ nuôi cao. Công nghệ về giống, thức ăn đều tốt, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Mỹ rẻ hơn khá nhiều so với Việt Nam.
Chẳng hạn như giá khô đậu tương (chiếm tới 15% khẩu phần thức ăn chăn nuôi) tại Mỹ là 9,000 đồng/kg (38 cent) thì tại Việt Nam lên tới 16,000 đồng/kg (67 cent); hệ số chuyển đổi thức ăn trong chăn nuôi gà của Việt Nam là 1.6 (nghĩa là mất 1.6 kg thức ăn thì cho ra một kg tăng trọng gà), còn hệ số này tại Mỹ chỉ là 1.4 và 1.2.
“Một người ở Mỹ có thể bảo đảm cho sự vận hành nuôi hàng triệu con gà bởi các khâu từ dọn chuồng, nước uống, bắt gà… mọi thứ được tự động hóa hết. Do vậy, giá gà Mỹ rẻ hơn Việt Nam là điều chắc chắn,” ông Thắng nhấn mạnh.
Theo ông Dương, nhiều gia đình ở Việt Nam không ăn nhiều gà công nghiệp. Thế nhưng đây là mặt hàng không thể thiếu cho các quán ăn, quán nhậu, bếp ăn công nghiệp và các hãng sản xuất thực phẩm. Đặc biệt, người nghèo Việt Nam ưa thích do tiện lợi, có giá rẻ so với gà nuôi thả vườn bản địa.
“Điều quan trọng nhất trong vấn đề nhập cảng thịt gà từ Mỹ là sản phẩm bảo đảm vấn đề vệ sinh thực phẩm và an toàn dịch bệnh,” ông Dương nói. (Tr.N)
© 2024 | Thời báo ĐỨC