Trong phiên giao dịch 19/7, cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai do bà Nguyễn Thị Như Loan làm tổng giám đốc đã giảm sàn mất 7% xuống 9.070 đồng/cp. Tới cuối phiên, dư bán sàn là gần 3,5 triệu đơn vị. Trước đó, cổ phiếu QCG đã có nhiều phiên giảm sàn và gần sàn.
Cổ phiếu QCG giảm sàn sau khi có thông tin sáng 19/7, Bộ Công an khám xét nhà của bà Loan, tại quận 3, TP.HCM.
Trước đó, áp lực bán QCG cũng rất mạnh trong bối cảnh cơ quan chức năng mở rộng điều tra sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các đơn vị liên quan. Trong đó, có sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn (phường 12, quận 4, TP.HCM), rộng hơn 6.000m2, có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước.
Chiều 19/7, bà Loan bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bắt tạm giam về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Hiện, cơ quan điều tra chưa công bố hành vi vi phạm cụ thể của bà Loan.
Trước đó, ngày 30/6, bà Loan đã vắng mặt trong đại hội cổ đông thường niên năm 2024 “vì sức khỏe”, khiến doanh nghiệp này phải hoãn đại hội. Bà Loan là mẹ đẻ của doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường Đô la)- người từng là phó tổng giám đốc và thành viên HĐQT công ty.
QCG có khoản phải trả rất lớn.
Những năm gần đây, QCG ghi nhận lợi nhuận hàng năm ở mức thấp, nhiều khi thua lỗ, dòng tiền âm, nhiều năm không chia cổ tức.
Trong quý I/2024, QCG lãi chưa đến 1 tỷ đồng. Doanh nghiệp này có lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 651 triệu đồng, giảm hơn 28% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm gần 77% xuống còn hơn 38,7 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả yếu kém, bà Loan cho biết, doanh thu lợi nhuận giảm do thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, thủ tục pháp lý dự án chồng chéo và vẫn đang trong quá trình góp ý sửa đổi để hoàn thiện. Do vậy, thủ tục triển khai các dự án đều không được giải quyết.
Là một doanh nghiệp có quy mô vốn hơn 2.750 tỷ đồng nhưng QCG có lãi khiêm tốn, khi chỉ đạt gần 3,2 tỷ đồng trong năm 2023, 31 tỷ đồng năm 2022…
Tổng tài sản tới cuối quý I/2024 giảm nhẹ xuống còn 9.515 tỷ đồng.
Trong đó, giá trị hàng tồn kho là hơn 7.033 tỷ đồng. Doanh nghiệp còn 30 tỷ đồng tiền mặt.
Nợ nần lớn, nhiều sai phạm
Tính đến cuối quý I/2024, doanh nghiệp nhà Cường Đô la ghi nhận hơn 5.100 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó 4.300 tỷ đồng nằm ở mục vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Trong đó, có 2.882 tỷ đồng là khoản tiền đã nhận của Công ty Sunny cho dự án Phước Kiển. Số tiền này liên quan tới vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Tại vụ án Vạn Thịnh Phát, hội đồng xét xử tuyên án buộc QCG phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan là 2.882,8 tỷ đồng, để đảm bảo thi hành án cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án. Cơ quan điều tra đã kiến nghị kê biên 16 quyền sử dụng đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Đến ngày 19/7, QCG chưa công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2024. Doanh nghiệp cũng chưa có kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông thường niên lần 2.
Trong quá khứ, Quốc Cường Gia Lai có nhiều lần công bố thông tin sai và chậm, hoãn tổ chức đại hội cổ đông. Hồi tháng 6/2022, QCG không tổ chức được ĐHCĐ thường niên năm 2022. ĐHCĐ năm 2021 cũng tổ chức muộn hơn so với bình thường 8-9 tháng, vào ngày cuối cùng kết thúc năm tài chính (31/12/2021).
QCG từng có những giao dịch khiến nhiều nhà đầu tư "đứng ngồi không yên". Cuối 2018, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhắc nhở QCG trên toàn thị trường do chậm công bố thông tin về loạt giao dịch trị giá 3.200 tỷ đồng. HOSE nhận được giải trình của công ty về những giao dịch bất thường diễn ra từ năm 2013-2017. HOSE cho rằng, việc chậm công bố và công bố thiếu sót thông tin đã gây ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán và quyền lợi của các nhà đầu tư.
Theo giải trình, từ 2013-2017, QCG đã có 14 giao dịch chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng với tổng giá trị các giao dịch khoảng 3.200 tỷ đồng. Trong đó, có vụ chuyển nhượng 49% cổ phần Công ty Giai Việt cho Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Sông Mã (năm 2014), với mức giá chuyển nhượng 70 tỷ đồng, đồng thời ghi nhận khoản lỗ lên tới 258,3 tỷ đồng liên quan tới giao dịch này. Sông Mã là công ty có liên quan đến bà Nguyễn Ngọc Huyền My, con gái của bà Nguyễn Thị Như Loan.
Năm 2016, QCG thông qua việc chuyển nhượng 65,2% vốn CTCP Quốc Cường Liên Á cho 3 thể nhân với giá chuyển nhượng 280,2 tỷ đồng, ghi nhận khoản lỗ khoảng 30 tỷ đồng. Một trong các thể nhân là bà Lại Thị Hoàng Yến, con gái Chủ tịch HĐQT QCG Lại Thế Hà.
Trong nhiều năm, QCG có các khoản nợ lớn trong báo cáo tài chính, trong khi nhiều dự án không được triển khai. QCG phải vay tiền từ nhiều người, trong đó có người nhà bà Loan, gia đình ông Lại Thế Hà, thành viên HĐQT và các tổ chức, cá nhân khác.
QCG gặp rất nhiều khó khăn trong một thời gian dài vì vốn đọng trong các dự án bị đình trệ. Tính trong cả thập kỷ qua, doanh nghiệp này mới trả cổ tức bằng tiền mặt 3 lần, tổng cộng 2.000 đồng/cp. Đây là một mức rất thấp.
Bà Loan hiện là cổ đông lớn nhất, nắm giữ gần 102 triệu cổ phiếu QCG (tương đương 37,05% vốn). Con gái bà Loan, Nguyễn Ngọc Huyền My đang nắm giữ gần 39,4 triệu cổ phiếu (tương đương 14,32%); em gái bà Loan là Nguyễn Thị Ánh Nguyệt nắm giữ gần 9,7 triệu cổ phiếu (3,52%). Ông Nguyễn Quốc Cường (con trai bà Loan) nắm giữ 537.500 cổ phiếu (0,2%).
Theo Vietnamnet
© 2024 | Thời báo ĐỨC