Phú Yên: lũ dâng nhanh ở nhiều nơi sau bão

Mưa lớn có nơi đến hơn 300mm, cộng thêm việc các hồ thủy điện, thủy lợi xả lũ khiến nhiều nơi ở tỉnh Phú Yên lũ đang lên nhanh.

Xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) là địa phương có lượng mưa lớn nhất tỉnh từ suốt đêm 9 đến cả buổi sáng 10-11 với lượng mưa lớn nhất đo được tại địa phương này lên đến 318mm.

Nước lớn nhanh chưa từng thấy

14h chiều 10-11, chị Lê Kim Thị ở xã Hòa Thịnh đưa mẹ là cụ bà 86 tuổi lội qua con đường liên thôn nước đã tràn qua gần tới gối để chạy lên phía cao ráo tránh lũ.

132 1 Phu Yen Lu Dang Nhanh O Nhieu Noi Sau Bao

Chị Lê Kim Thị đưa mẹ già tránh lũ - Ảnh: DUY THANH

"Nước lên nhanh quá không ngờ luôn. Tôi phải đưa mẹ đi lên nơi cao ráo để gởi bà cho an tâm chứ sợ người già nửa đêm đau ốm giữa biển nước mênh mông không biết làm cách nào" - chị Thị nói.

Đứng cạnh đó, chị Trần Thị Ái nhà cũng ở xã Hòa Thịnh chép miệng chép lưỡi: "Thôi đồ đạc trong nhà ngập hết rồi, giờ không biết làm sao mà về vì nước ngập đường rồi, sợ quá. Sáng nay tôi lên nhà cậu em ở xã Hòa Mỹ Tây tránh bão. Ngớt gió thì định quay về nhà nhưng tới đây thì đường ngập không dám đi qua nữa".

132 2 Phu Yen Lu Dang Nhanh O Nhieu Noi Sau Bao

Người dân xã Hòa Thịnh dắt bò chạy lũ - Ảnh: DUY THANH

Ông Lê Quốc Hận, một người lớn tuổi ở xã Hòa Mỹ Đông, nói từ 10h sáng nước bắt đầu băng qua đường liên thôn và lớn dần. "Trước giờ ở đây chưa bao giờ ngập con đường này mà nay ngập rồi. Nhà ở phía Hòa Thịnh kia nước vô nhiều nhà rồi" - ông Hận chỉ tay về phía những ngôi nhà bị bao vây bởi nước lũ.

Còn ở các xã Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây thuộc huyện Tây Hòa, nhiều con đường cũng bị nước lũ băng qua. Một số nhà bị ngập sân, ngập bếp. Ông Huỳnh Tấn Sơn, người dân thôn Ngọc Lâm 1 (xã Hòa Mỹ Tây) cho biết: "Đồ đạc trong nhà thì từ tối qua anh em xóm giềng đã xúm nhau kê lên ghế rồi, nhưng nếu nước lớn nữa thì cũng phải bỏ đó đóng cửa nhà đi sơ tán đến nơi cao ráo an toàn chứ lũ lụt không dám ở nhà" - ông Sơn nói.

Nhiều người dân ở khu vực này lo lắng khi biết thông tin thủy điện Sông Ba Hạ tiếp tục tăng lượng xả lũ. Vào lúc 15h30 ngày 10-11, do lũ thượng nguồn đổ về hồ chứa với mức 6.600m3/s nên thủy điện này xin xả lũ và vận hành 3.000m3/s về hạ du sông Ba.

Sơ tán hàng trăm hộ dân tránh lũ

Ông Mai Ne - phó chủ tịch UBND huyện Tây Hòa - cho biết nước lũ lớn nhanh đã làm ngập một số tuyến đường khiến khoảng 300 hộ dân ở các xã Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây và Hòa Thịnh bị cô lập. "Riêng ở thôn Phú Thuận của xã Hòa Mỹ Đông có khoảng 50 hộ phải sơ tán đến nơi an toàn; một số ngôi nhà ở thôn này cũng bị nước ngập" - ông Ne nói.

Tại huyện Đồng Xuân, ông Phạm Trung Chánh - phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân - cho hay do nước từ thượng nguồn về quá lớn, thủy điện La Hiêng 2 nước qua tràn đến 1.300m3/s, nước hồ thủy lợi Phú Xuân xả 600m3/s nên sông Kỳ Lộ nhanh chóng vượt báo động cấp III. "Giờ nước bắt đầu ngập vô thị trấn La Hai. Chúng tôi đang cho sơ tán khoảng 80 hộ dân của 5 xã bị ảnh hưởng và tiếp tục tổ chức sơ tán thêm nếu tình hình lũ diễn biến phức tạp" – ông Chánh nói lúc 15h30.

Còn tại huyện Tuy An, ông Bùi Văn Thành - chủ tịch UBND huyện này - cho hay do nước từ phía huyện Đồng Xuân đổ về lớn, cùng với hồ Đồng Tròn xả lũ 450m3/s nên đường nối Chí Thạnh - La Hai bị ngập. Một số xã khác của huyện này như An Định, An Cư, An Dân, An Thạch... cũng bị ngập cục bộ. Huyện đã tổ chức sơ tán khoảng 200 hộ dân đến các trường học, nhà văn hóa kiên cố để tránh lũ.

132 3 Phu Yen Lu Dang Nhanh O Nhieu Noi Sau Bao

Một người dân tất tả kê đồ lên cao khi gian nhà sau của ông đã bị ngập lụt - Ảnh: DUY THANH

Chủ động ứng phó với lũ sau bão

Ông Trần Hữu Thế - phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết ngay sau khi bão số 12 tan, trưa 10-11, ông đã ký ngay văn bản khẩn trương, chủ động khắc phục hậu quả bão số 12 và mưa lũ sau bão.

"Với lượng mưa rất lớn trên diện rộng của tỉnh, lũ lụt là không tránh khỏi. Tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố không được chủ quan, lơ là; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất xảy ra sau bão; kịp thời chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó trên địa bàn theo phương châm "4 tại chỗ", xử lý kịp thời các tình huống, sự cố phát sinh và khắc phục nhanh hậu quả bão mưa lũ lụt xảy ra" - ông Thế nói.

Ông cũng cho hay đã chỉ đạo lãnh đạo các địa phương kiểm tra, rà soát các vùng trũng thấp dễ bị ngập lụt, các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực đồi núi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất cao để kịp thời di dời sơ tán dân đến nơi an toàn.

 

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày