Phóng viên quốc tế ở Việt Nam: Để ba lô ngoài đường nửa tiếng vẫn an toàn

Harris, phóng viên Reuters, từng treo thiết bị ở hàng rào an ninh trước cửa khách sạn Marriott (Hà Nội) để đi ăn sáng, 30 phút sau mới quay lại.

Là phóng viên video nên Harris (người Philippines) luôn phải mang vác rất nhiều thiết bị. Anh ấn tượng trước sự an toàn ở Việt Nam, nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2.“5h sáng, tôi đã treo thiết bị ở hàng rào an ninh, lúc đó chưa có phóng viên nào xuất hiện.

Tôi đi vào làng ăn sáng 30 phút và quay lại, mọi thiết bị vẫn còn nguyên”, anh Harris nói khi tác nghiệp tại khách sạn Marriott (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, nơi phái đoàn của Mỹ ở khi đến Việt Nam). Trong quá trình đó, Harris chỉ xách máy quay chạy đi và bỏ nhiều balo lại một chỗ, nhưng không mất mát gì.

132 1 Phong Vien Quoc Te O Viet Nam De Ba Lo Ngoai Duong Nua Tieng Van An Toan

Phóng viên Harris được giao nhiệm vụ bám sát lịch trình của Tổng thống Trump. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Harris còn khoe nửa đêm 26/2 còn được một người dân tặng vài chiếc bánh ngọt ăn lót dạ. Nếu được cử đi Việt Nam tác nghiệp lần nữa, chắc chắn anh sẽ không từ chối.

Son Ryoung là một trong số khoảng 100 nhân viên đài MBC (một trong 3 đài lớn nhất của Hàn Quốc) đến Việt Nam dịp này.

Anh cho biết hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều được người dân Hàn Quốc đặc biệt quan tâm. Các phóng viên của MBC đã biết về kế hoạch tác nghiệp từ cách đây 2 tháng. Trước hội nghị nửa tháng, hơn chục nhân viên của đài được cử sang Việt Nam khảo sát địa điểm, khách sạn, phương tiện đi lại… 12 sinh viên Hàn Quốc tại Việt Nam cũng tham gia hỗ trợ ngôn ngữ cho ekip tác nghiệp.

Son Ryoung cũng cho biết đài MBC đã chuẩn bị “trường quay dã chiến” trên nóc khách sạn Daewoo từ lâu, qua hai lần đổi chỗ mới tìm được địa điểm phù hợp.

132 2 Phong Vien Quoc Te O Viet Nam De Ba Lo Ngoai Duong Nua Tieng Van An Toan

Phát thanh viên Son Ryoung (áo trắng) 35 tuổi và đã làm tại MBC 8 năm. Ekip của anh đang tác nghiệp trên đường Hùng Vương trưa 27/2. Ảnh: Phan Dương.

Là phát thanh viên ban tin tức pháp luật, Son Ryoung sang Việt Nam hôm 22/2. Anh không nhớ nổi số tin bài mình đã lên sóng. “Trong tất cả tôi thích nhất tin đón Chủ tịch Kim Jong-un đi tàu. Một phóng viên của đài ở đầu Đồng Đăng (Lạng Sơn) truyền tin về cho tôi đứng tại đầu Bắc Ninh để phát sóng trực tiếp. Đồng nghiệp của tôi đã chờ ông Kim 3 ngày ở Lạng Sơn, còn tôi chờ ở Bắc Ninh 2 ngày”, Son Ryoung nói.

Làm báo 8 năm song khi tác nghiệp trong một sự kiện lớn, Son Ryoung vẫn gặp khó khăn đến từ thể hình và ngôn ngữ. “Thể hình bé nên chúng tôi khó khăn quay chụp và tiếp cận gần hiện trường, hàng rào an ninh lại cao. Chúng tôi phải dùng rất nhiều thang cao để có được hình ảnh đẹp. Trong một số trường hợp tôi muốn được giao tiếp mà bất lợi ngôn ngữ nên cũng khó thực hiện”, anh chia sẻ thêm.

Ban đầu, Son Ryoung nghĩ đến Việt Nam sẽ nóng nhưng những ngày qua thời tiết mát mẻ, đồ ăn rất ngon nên anh rất thích. Theo phân công, Son sẽ rời Việt Nam vào cuối tuần này, khi tất cả hoạt động bên lề kết thúc.

Phóng viên Ravi Vadgama của mạng truyền hình ITV (Good morning Britain) cũng cho biết đã hay tin sự kiện khoảng 2 tháng và thông tin chính thức từ 2 tuần trước.

Mỗi sáng, nhóm của anh sẽ phát sóng trực tiếp 5 lần về đầu cầu London, mỗi lần khoảng 2 phút. Anh thậm chí còn học vài câu tiếng Việt.

“Tôi không thấy khó khăn gì khi tác nghiệp ở đây. Người dân rất nhiệt tình, niềm nở, không khí thân thiện. Tôi ấn tượng nhất là mọi người luôn mỉm cười và vui vẻ trò chuyện”, anh nói.

132 3 Phong Vien Quoc Te O Viet Nam De Ba Lo Ngoai Duong Nua Tieng Van An Toan

Phóng viên Ravi Vadgama của mạng truyền hình ITV đến từ Anh. Ảnh: Phan Dương.

Điều nam phóng viên người Anh này còn tiếc là chưa có được bức ảnh hoặc video yêu thích vì không tiếp cận được gần hơn lãnh đạo hai nước.

Các phóng viên quốc tế được giới thiệu nhiều tour du lịch miễn phí, song Ravi Vadgama chỉ mới sử dụng tour quanh phố cổ. “Công việc là trên hết”, anh nói. Ngày mai, ngay sau khi cuộc gặp hai lãnh đạo kết thúc, anh sẽ về nước.

Hanna, phóng viên của tờ Chinanews (Trung Quốc) cho biết được phân công làm sự kiện này từ đầu tháng 2. “Trước khi đưa tin, tôi phải tìm hiểu kỹ về hội nghị, Mỹ, Triều Tiên và Việt Nam. Tin tức về hội nghị rất quan trọng với báo của tôi bởi đây là sự kiện cả thế giới quan tâm”, Hanna nói.

132 4 Phong Vien Quoc Te O Viet Nam De Ba Lo Ngoai Duong Nua Tieng Van An Toan

Nữ phóng viên Hanna tác nghiệp bên ngoài Phủ chủ tịch. Ảnh: Phan Dương.

Hanna đến Việt Nam ngày 25/2. Nhóm của cô gồm 6 người làm được phân chia viết, chụp ảnh, quay phim và livestream. Riêng Hanna đã quay hơn 10 video về sự kiện.

“Tôi không thấy khó khăn gì khi làm việc ở Việt Nam, ngoại trừ việc không phải người Việt nào cũng nói được tiếng Anh, nhưng lúc đó đã có google dịch. Một điểm tôi rất thích khi tác nghiệp là đi lại bằng xe máy”, cô cười nói. Rất thích đồ ăn Việt Nam, nhất là bún, phở, nhưng vì quá bận công việc nên cô vẫn chưa thưởng thức được nhiều. Cô sẽ về nước vào ngày 1/3.


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày