Tiếp tục Phiên họp thứ 26, sáng nay, tại Nhà Quốc hội, UBTVQH cho ý kiến về một số báo cáo, trong đó có Báo cáo của Chánh án TANDTC. Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.
Năm 2023, các Tòa án triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh số lượng các loại vụ việc phải thụ lý, giải quyết vẫn tiếp tục tăng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp... Bên cạnh việc làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ, việc, các Tòa án còn phải tiếp tục thực hiện tốt Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến; triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của BCH Trung ương Đảng.
Để chủ động triển khai các nhiệm vụ công tác năm 2023, ngay từ đầu năm, Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC đã kịp thời ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các TAND; trong đó đã chỉ đạo các Tòa án tiếp tục duy trì và thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án.
Giải quyết, xét xử các loại án đáp ứng yêu cầu của Quốc hội
Báo cáo thẩm tra của UBTP về công tác giải quyết, xét xử các loại án nêu rõ: Đối với án hình sự, số lượng vụ án thụ lý tăng so với cùng kỳ năm trước, song các Tòa án đã xét xử đạt 85,12%; hình phạt được áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh; tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm; chưa phát hiện trường hợp nào bị kết án oan; đã hạn chế tỷ lệ các bản án bị hủy do nguyên nhân chủ quan, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội; các vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ được các Tòa án khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời.
Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn và áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước.
Các vụ án về giết người, ma túy, xâm hại tình dục trẻ em, mua bán người, vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vụ án có tính chất “xã hội đen”... được đưa ra xét xử kịp thời, áp dụng hình phạt nghiêm minh.
Phó Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Mạnh Cường trình bày Báo cáo thẩm tra công tác Tòa án tại phiên họp sáng 13/9.
Trong công tác xét xử, giải quyết các vụ, việc dân sự, UBTP nhận định, các Tòa án đã chấp hành nghiêm chỉnh thời hạn xét xử, giải quyết các vụ việc dân sự; công tác hòa giải theo quy định được coi trọng; đã hạn chế tỷ lệ các bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội. Cùng với đó, TANDTC đã tập trung chỉ đạo các Tòa án thực hiện các kiến nghị của UBTP qua giám sát việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, từ đó khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các vụ án hành chính.
Về thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, số vụ việc dân sự đã được hòa giải thành đạt 53,6% tổng số vụ việc đương sự đồng ý hòa giải; việc hòa giải thành, đối thoại thành góp phần giảm áp lực trong công tác xét xử; giúp cho vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính được giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí của Nhà nước và người dân. Do đó, đề nghị các Tòa án tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các đương sự lựa chọn hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ tiếp thu và giải trình thêm tại phiên họp
Bên cạnh đó, đánh giá tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong năm 2023 đều tăng. Tuy nhiên, công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tiếp tục có chuyển biến tích cực; chất lượng các văn bản trả lời đơn, quyết định kháng nghị được bảo đảm; cơ bản đã khắc phục việc trả lời đơn là không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị vì phát hiện sai lầm nghiêm trọng trong các bản án, quyết định của Tòa án.
Công tác tiếp công dân được các Tòa án thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Các Tòa án đã bố trí thời gian thỏa đáng để đối thoại, lắng nghe ý kiến của công dân; trong kỳ báo cáo, các Tòa án đã tiếp 263.924 lượt công dân, tăng 65,15%. Về cơ bản, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng được thực hiện kịp thời, đúng thời hạn, đúng quy định của pháp luật.
Việc ra các quyết định thi hành án hình sự đối với người bị kết án; miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện; quyết định hoãn, tạm đình chỉ, công tác xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước,... được các Tòa án thực hiện cơ bản đúng pháp luật. Ra quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị và trình Chủ tịch nước xem xét đơn xin ân giảm hình phạt tử hình được Chánh án TANDTC thực hiện nghiêm túc, kịp thời.
Về cơ bản việc xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND và việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được các Tòa án thực hiện đúng pháp luật, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Các Tòa án đã tích cực tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với 9.356 vụ án các loại, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án, chống tồn đọng án, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho các bên liên quan khi tham gia tố tụng.
Hoạt động Tòa án có nhiều đổi mới
Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên UBTVQH cơ bản thống nhất với Báo cáo của ngành Tòa án, đồng thời đánh giá hoạt động của Tòa án đã có nhiều đổi mới. Các số liệu trong Báo cáo thẩm tra của UBTP đã thể hiện đánh giá có trọng tâm và khách quan. Đặc biệt, nhiều mặt công tác đạt được kết quả quan trọng và chỉ tiêu có nhiều tiến bộ hơn so với năm trước, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội.
Công tác xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử được đảm bảo. Nói về xây dựng Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên và các Dự án luật, Pháp lệnh được phân công chủ trì soạn thảo đảm, các đại biểu đánh giá Tòa án có sự chủ động, tích cực trong việc bảo tiến độ, chất lượng của Dự án.
Các đại biểu tham gia phiên họp.
Tiếp thu và giải trình việc Tòa án còn gặp nhiều khó khăn trong giải quyết các loại vụ, việc, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết, hiện Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự hiệu quả và nhanh chóng của công tác tổ chức phiên tòa trực tuyến và thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Các công tác này có ảnh hướng rất lớn với chỉ tiêu chung của toàn ngành, nhưng lại đang gặp khó trong hoạt động bởi kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất.
Ngoài ra, số lượng Thẩm phán, công chức chưa đủ để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ dẫn đến áp lực rất lớn với Tòa án. Chế độ chính sách, đời sống vật chất của cán bộ, công chức, điều kiện làm việc của một số Tòa án còn nhiều khó khăn. Phó Chánh án Thường trực TANDTC kiến nghị Quốc hội có những điều chỉnh về ngân sách kịp thời và phù hợp để Tòa án hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy đánh gia cao hoạt động của ngành Tòa án trong năm 2023.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, UBTVQH đánh giá cao các báo cáo của TANDTC, VKSNDTC và Chính phủ đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, có đổi mới, bám sát được bối cảnh của tình hình năm 2023, thực hiện đúng quy định pháp luật, đúng chức năng, nhiệm vụ về các nội dung cần báo cáo với Quốc hội theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và các luật có liên quan.
Trong đó, báo cáo của TANDTC và VKSNDTC năm nay có điểm mới là đã tích hợp được các nội dung về giải quyết khiếu nại tố cáo theo quy định của pháp luật về tố tụng trong báo cáo công tác.
UBTVQH cũng đánh giá cao các báo cáo thẩm tra của UBTP rất dày dặn, có nhiều thông tin, bao quát các công việc, đánh giá rất toàn diện, có tính phản biện cao...
"UBTVQH đề nghị, các báo cáo của Chính phủ, báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC cần làm rõ hơn về kết quả, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm trong thời gian tới, đặc biệt đối với một số chỉ tiêu không đạt yêu cầu tại Nghị quyết số 96 của Quốc hội, hoặc một số chỉ tiêu giảm mạnh so với năm 2022", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.
Nguồn: Báo Công Lý
© 2024 | Thời báo ĐỨC