Ngay sau phiên tòa sơ thẩm của ông Thắng, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW khu vực châu Á bình luận với BBC:
"Bản án dành cho Nguyễn Lân Thắng là quá đáng và không thể chấp nhận được, và cho thấy nhân quyền ở Việt Nam ngày nay hoàn toàn không được coi trọng.
ông Nguyễn Lân Thắng
"Việt Nam đang triệt hạ và bỏ tù một cách có hệ thống mạng lưới những nhà hoạt động chính trị và người đứng đầu các tổ chức phi chính phủ dám thực hiện quyền của mình để đòi cải cách và cải thiện đất nước. Người dân Việt Nam sẽ là kẻ bại trận sau cuối trong trò chơi này, khi các bộ máy đảng lợi dụng việc thanh trừng những người tố cáo để tăng cường nạn tham nhũng của đảng cầm quyền," ông Phil nói với BBC ngày 12/4.
Lê Bích Vượng, vợ của ông Nguyễn Lân Thắng bộc bạch với BBC trước phiên xử của chồng mình: "Nếu chính quyền trả tự do cho anh Thắng ngay tại tòa thì đó là lợi thế của nhà nước, nhất là khi họ đang tiếp đón những phái đoàn hay có những ký kết hợp tác với các nước phương Tây."
Ông Nguyễn Lân Thắng bị công an thành phố Hà Nội bắt tạm giam hôm 5/7/2022 theo Điều 117 với tội danh "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".
Trước đó ngày 4/4, vợ của ông Nguyễn Lân Thắng nhận được giấy triệu tập cho phiên tòa và điều khiến mọi người ngạc nhiên đó là tòa quyết định xử kín vụ án.
Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 11/4, bà Vượng nêu thắc mắc: những tài liệu được thu giữ tại nhà để quy tội cho chồng Điều 117 thì không có tài liệu nào là đóng dấu mật và cũng không nằm trong danh mục sách cấm.
"Còn 12 video trả lời đài BBC tiếng Việt mà bị cáo buộc thì các đường link hiên vẫn công khai, nhưng vụ án lại bị đem xử kín," bà Vượng nói.
Theo Điều 25 Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam 2015, “trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự ” thì tòa án “có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.
Theo luật sư Lê Đình Việt, người bào chữa cho ông Thắng, thân chủ của ông, trong cuộc gặp hôm 7/4 tại trại giam đã nói rõ ông không đồng ý việc TAND TP Hà Nội “xét xử kín” vụ án. Ông Thắng lập luận sự việc liên quan đến ông không có gì liên quan đến bí mật nhà nước nên không cần phải xử kín.
Bà Vượng vợ ông Thắng nói với BBC rằng, hôm 10/4, các luật sư đã vào trại gặp chồng bà và thông báo hiện tinh thần ông Nguyễn Lân Thắng vẫn rất tốt.
Bà cho hay, tuy không có ý chống đối nhưng chồng bà bác bỏ các cáo buộc của tòa án cũng như của VKS về tội “chống phá nhà nước”.
"Tôi tin tưởng những gì chồng mình làm là không xâm phạm lợi ích của ai cũng như không chống đối nhà nước. Anh Thắng chỉ muốn góp một tiếng nói, phản biện cũng được, là góp ý cũng được, để mọi thứ có thể thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn và tôi thấy trong nhiều việc, anh ấy đã làm được điều đó," bà Vượng chia sẻ.
Cũng trong ngày 11/4, 10 tổ chức quốc tế đã cùng nhau ra thông cáo chung gửi đến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, yêu cầu hủy bỏ cáo buộc đối với ông Nguyễn Lân Thắng và bảo đảm quyền được xét xử công minh, bằng cách cho phép báo chí và công chúng theo dõi phiên tòa.
"Dù đã nỗ lực thu thập thêm thông tin về các cáo buộc cũng như cơ sở hợp lý việc tòa án loại trừ báo chí và công chúng khỏi phiên tòa xét xử ông Nguyễn Lân Thắng, chúng tôi không có thông tin nào chỉ ra có bất kỳ trường hợp ngoại lệ cho phép xét xử kín phiên tòa này theo luật nhân quyền quốc tế," trích thông cáo.
Gia đình từ ngày bố đi vắng
Năm 2014, khi bé Đậu, con gái lớn của ông Nguyễn Lân Thắng tròn 6 tháng tuổi, ông đã viết một bức thư gửi con mình. BBC xin trích một vài dòng như sau:
"Bố yêu con như thế nào thì bố cũng yêu mảnh đất này như thế. Bố không thể chấp nhận làm kẻ bỏ chạy mà phải chiến đấu bằng được để giữ mái nhà tổ quốc này cho con. Bố không thể nhởn nhơ sống cho riêng mình khi xung quanh toàn khổ đau và nước mắt. Đối với bố đó không phải là hạnh phúc. Bố ước gì con được sống trong một tương lai tốt đẹp hơn bố. Con được sống trong tình thân ái, trong niềm tin, niềm hân hoan và những thứ mà một con người đáng được hưởng.
Có thể bố sẽ thất bại. Có thể bố sẽ không được ở bên con ba mươi năm còn lại như dự tính. Nhưng dù thế nào bố cũng đã quyết định thế rồi, và nếu cuộc đời con gặp những khó khăn vì bố gây ra thì xin con hãy nhớ về một ông bố đã tuyệt vọng chiến đấu để con có cuộc sống hạnh phúc đích thực mà tha thứ cho bố."
Bên cạnh những bài viết phản biện xã hội, trên Facebook tên Nguyễn Lân Thắng cũng thường xuyên đăng tải video, hình ảnh gia đình, đặc biệt là con gái tên Đậu đánh đàn.
Theo lời kể của bà Vượng, tiếng đàn của bé Đậu vẫn vang lên hàng ngày, nhưng thiếu mất một người nghe trung thành. Đậu nhắc đến bố, bảo là sẽ tập bài này, bài kia để tặng bố. Bé cũng vẽ tranh và nói với mẹ là để kiếm tiền phụ mẹ nuôi bố.
"Ngay buổi chiều hôm anh Thắng bị bắt, lúc đó Đậu nghỉ hè nên tôi cũng cho con đi cùng tới Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội để gửi đồ cho bố và kiểm các đồ đạc họ tịch thu ở nhà. Tôi cũng nói với cán bộ điều tra cho bé ôm bố một chút thì Đậu được ôm bố và nói chuyện vài câu. Sau khi về thì bé cũng hỏi và tôi cũng chia sẻ hết toàn bộ với con.
"Thực ra, vợ chồng tôi vẫn hay nói chuyện với con, anh Thắng thì hay đi từ thiện khắp nơi và giải thích cho Đậu rằng bố mang sách, mang thức ăn cho những gia đình ở vùng cao hay những nơi bị lũ lụt. Anh Thắng cũng cho Đậu ăn thử lương khô và nói với con đó là thức ăn dài ngày của các bạn nên Đậu rất hiểu vấn đề. Về sau này khi anh bị bắt, tôi cũng nói rằng bố có những tiếng nói khác với chính quyền," bà Vượng kể với BBC.
NGUỒN HÌNH ẢNH,LÊ BÍCH VƯỢNG
Ông Nguyễn Lân Thắng cùng bé Đỗ nghe Đậu đánh đàn
Từ khi bố đi vắng, bé Đậu dù chỉ mới 9 tuổi nhưng phụ hợ mẹ làm việc nhà và chăm em. Bà Vượng kể, dường như ba mẹ con ai cũng trưởng thành hơn:
"Thực sự mà nói là tôi biết ơn con mình vì bé rất thông cảm và bao dung với mẹ. Có hôm tôi chở Đậu đi qua nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội, thấy mọi người xếp hàng tham quan thì Đậu hỏi và tôi cũng nói đó là nơi trước đây giam giữ những người làm cách mạng."
"Cuối câu chuyện, con hỏi rằng: Mẹ ơi, thế bố có phải là người làm cách mạng không. Tôi cũng nói với con, bố chưa phải là người làm cách mạng, nhưng bố có những tư tưởng tiến bộ. Và rồi phải giải thích cho con tiến bộ, tiên phong là gì."
Còn Đỗ, chỉ vừa tròn 18 tháng tuổi khi ông Thắng bị bắt, theo lời bà Vượng, nay cũng đã trưởng thành hơn nhiều:
"Hễ có khách đến nhà chơi, đặc biệt là đàn ông hay con trai như các bác, các chú đến thăm là bé sẽ ôm chầm lấy vì có lẽ bị cảm giác thiếu bố."
Đối với bà Vượng, dù bận bịu hơn từ khi chồng bà bị bắt giữ, nhưng cực nhọc đến mấy cũng không bằng sự vắng mặt người chồng, người bố trong gia đình. Với bà, đó là điều quan trọng nhất "không gì thay thế hay bù đắp được".
Thế nên cứ hai tuần một lần, bà đều đặn đến Trại tạm giam số 1 Công an thành phố Hà Nội để gửi đồ cho chồng mình vì muốn "cảm giác gần, tiếp cận anh Thắng hơn".
Đã hơn 9 tháng trời, bà Vượng cũng như bé Đậu, bé Đỗ đều không được gặp ông Thắng dù bà đã nỗ lực làm đơn gửi các nơi như trại giam, VKS, tòa án, theo hướng dẫn của các luật sư.
Ba tuần trở lại đây, chính sách trại giam thay đổi nên việc thăm hỏi khó khăn hơn: "Trước đó mỗi tuần được gửi một lần và số lượng đồ cũng thoải mái và mình đi tuần này thì cũng có thể gửi phiếu cho các tuần sau đó. Nhưng giờ thì tuần nào chỉ được gửi cho tuần ấy và mỗi lần gửi không quá 66.000 VND."
Trước phiên tòa ngày mai, bà Vượng vẫn giữ niềm hy vọng chồng bà sẽ được trả tự do ngay tại tòa, dù điều này chưa từng có tiền lệ.
"Tôi cũng có nói với Đậu rằng ngày mai, 12/4, là cột mốc rất quan trọng với gia đình mình: có thể bố sẽ được về sớm, có thể bố sẽ đi lâu hơn. Nhưng tôi không nói với bé về một phiên tòa vì con cũng chưa hiểu về việc đấy. Nhưng Đậu biết và nói rằng tối nay bé sẽ đi ngủ sớm, ngày mai sẽ dậy sớm phụ ông bà đưa em đi học để mẹ yên tâm đi công việc của bố," vợ ông Nguyễn Lân Thắng tâm sự.
NGUỒN HÌNH ẢNH,NGUYEN LAN THANG
Ông Nguyễn Lân Thắng (thứ ba từ phải sang) cùng con gái và nhóm No-U
Bức thư của bố mẹ ông Thắng
Ông Nguyễn Lân Thắng, sinh năm 1975, là con của một gia đình trí thức hàng đầu ở Việt Nam. Ông là cháu của Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân, là con của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Lân Tráng. Ông Tráng là Giảng viên bộ môn Hệ thống điện, khoa Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Có thể nói, dòng dõi Nguyễn Lân được xem danh giá hết mực và nổi tiếng ở Việt Nam với hàng chục giáo sư tiến sĩ nổi tiếng.
Nguyễn Lân Thắng tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, bắt đầu hoạt động từ đầu những năm 2000 bằng việc tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Ông là một trong những nhân vật chủ chốt của Đội bóng No-U Hà Nội- tập hợp của những người tham gia biểu tình chống yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Ông cũng tham gia vào nhóm nhân đạo No-U để hỗ trợ những người dân nghèo ở vùng sâu vùng xa và nạn nhân của thiên tai.
Trên Facebook, ông lấy nickname Ông Ké, với nhiều bài viết châm biếm lãnh tụ Hồ Chí Minh và nhiều quan chức cao cấp của chế độ cùng nhiều chính sách chỉ có lợi cho nhóm cầm quyền mà không mang lại lợi ích cho dân chúng và đất nước. Ông cũng là cây bút viết xã luận cho đài RFA và góp mặt trên nhiều chương trình Bàn tròn thứ Năm của BBC, 12 video cáo buộc ông Thắng cũng đều là video ông tham dự chương trình này của BBC.
Hôm 10/4, bố mẹ ông Thắng là Giáo sư Nguyễn Lân Tráng và giảng viên Trần Thảo Nguyên đã gửi tới tòa án bức tâm thư về trường hợp của con mình. Lá thư có đoạn:
"Sinh ra trong một gia đình trí thức có tiếng, cơ hội để sống nhàn hạ và dễ dàng của Lân Thắng không hề thiếu, và chúng tôi đã từng chỉ mong con trai có cuộc sống dễ dàng và đầy đủ hơn chúng tôi khi xưa. Lân Thắng đã may mắn có một người vợ giỏi giang và hai con còn rất nhỏ nhưng ngoan ngoãn hiểu chuyện."
"Nhưng khi chứng kiến những chuyện ngang trái, những điều bất cập, con chúng tôi không chọn cách nhắm mắt im lặng qua ngày. Thắng đã lên tiếng, mạnh mẽ và quyết liệt bày tỏ thái độ với những biểu hiện tiêu cực và bất cập ở khắp nơi trên đất nước. Kể cả khi có những áp lực từ những người thân xung quanh, con chúng tôi vẫn sống đúng với những gì Thắng tin là đúng. Chúng tôi rất lo lắng cho Thắng và gia đình nhỏ, nhưng chúng tôi tôn trọng lựa chọn của các con mình. Con trai chúng tôi chỉ đang sống như một công dân yêu nước có trách nhiệm với xã hội."
Lá thư cũng bày tỏ sự ngạc nhiên của hai vợ chồng GS Nguyễn Lân Tráng khi nhận được cáo trạng của VKS rằng con ông bà "chống phá" nhà nước, vì vợ chồng ông cho rằng việc lên tiếng chống tiêu cực và đứng về những người yếu thế trong xã hội không phải là “tội chống chính quyền”. Đồng thời, bố mẹ ông Thắng gửi gắm những người có trách nhiệm bảo vệ công lý sẽ xem xét và đưa ra kết luận đúng đắn về trường hợp của Nguyễn Lân Thắng.
Hồi 7/7/2022, hai ngày sau khi ông Thắng bị bắt, Phó Giáo sư, bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu đã thay đổi hình bìa lớn trên trang Facebook cá nhân có khoảng hơn 106.000 lượt theo dõi của mình bằng tấm hình đại gia đình. Trong ảnh có cả ông Nguyễn Lân Thắng và vợ.
Ông Hiếu còn là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14, khóa 15. Hành động trên của ông được nhiều người ủng hộ và để lại bình luận "kính trọng" ông cũng như gia đình Nguyễn Lân.
Nhiều tổ chức nhân quyền lên tiếng
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) và Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International-AI) đã phát thông cáo kêu gọi trả tự do và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông Nguyễn Lân Thắng.
AI viết: “Trong hơn một thập niên, Nguyễn Lân Thắng đã thực hiện công việc quan trọng là lập hồ sơ các cuộc biểu tình và sự vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, bất chấp bầu không khí ngày càng xấu đi với những trừng phạt nhắm vào những người chỉ trích nhà nước. Hoạt động và báo cáo ôn hòa của ông nên được hoan nghênh như một phần của cuộc tranh luận công khai hợp pháp, nhưng thay vào đó, ông đang phải đối mặt với nhiều năm tù."
AI cũng kêu gọi Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Nguyễn Lân Thắng và cùng với tất cả các nhà báo, nhà hoạt động đang bị bỏ tù theo Điều 117 quá mơ hồ. AI cũng nói Việt Nam đã thành "trò hề" với vị trí của mình trong Hội đồng Nhân quyền LHP khi vi phạm quyền của người dân. Và việc ông Thắng không được tiếp cận đầy đủ với luật sư hay gia đình là một "vết nhơ" của một phiên tòa bất công.
Còn nói với BBC hôm 11/4, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW khu vực châu Á cho rằng chính phủ Việt Nam đang làm mọi thứ có thể để quét sạch hết dấu vết của các nhà bất đồng chính kiến hay chống đối.
"Vì vậy tất nhiên họ tìm đến một người có tư tưởng tự do như Nguyễn Lân Thắng, người luôn can đảm với niềm tin của mình, và sẵn sàng nói lên sự thật trước quyền lực. Trong một xã hội dân chủ bình thường, ông Nguyễn Lân Thắng sẽ được đề cao như một thành viên quan trọng của xã hội dân sự lên tiếng đòi cải cách vì lợi ích của người dân. Nhưng ông ấy không may sống trong chế độ độc tài một phần theo chủ nghĩa Stalin, nơi bất đồng chính kiến được coi là phản quốc, và việc lên tiếng bị coi là tội phạm," ông Phil nhận định.
NGUỒN HÌNH ẢNH,NGUYEN LAN THANG
Ông Nguyễn Lân Thắng từng chia sẻ bất cứ blogger chính trị nào cũng có thể bị bắt bởi điều 88
Bên cạnh đó, đại diện HRW cũng chỉ ra, hành động đàn áp một cách có hệ thống của Việt Nam nhắm vào những người chỉ trích ôn hòa ngày càng củng cố lập luận rằng, phải có một số tiêu chuẩn tối thiểu để trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
"Đây sẽ là một phép thử mà Việt Nam sẽ thất bại. Thực tế rằng, Việt Nam được cho là quốc gia đàn áp nhất trong khối ASEAN, đứng sau chế độ độc tài quân sự ở Myanmar. Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những bên vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trong khu vực," ông Phil nói với BBC.
Ngoài ra, ông Phil cũng kêu gọi Anh quốc cần xem xét thỏa thuận thương mại với Việt Nam, làm sao để giảm bớt những lo ngại về nhân quyền.
"London không nên tham dự vào việc cắt giảm các điều kiện nhân quyền trong các hiệp định thương mại của EU hoặc Hoa Kỳ," ông Phil nhấn mạnh.
Theo thông tin của BBC, Đoàn đại biểu Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu khi có chuyến thăm từ 4-6/4 đến Việt Nam đã nêu lên những diễn biến về nhân quyền ở Việt Nam sau khi phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU.
Trong đó, họ đã nêu quan ngại về phiên xử kín của ông Nguyễn Lân Thắng và bày tỏ với Bộ Tư pháp, VKS lẫn Bộ Công an mong muốn được dự phiên tòa.
Vào đầu tháng 11/2022, các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc gửi văn thư đề nghị chính phủ Việt Nam giải trình việc giam giữ “tùy tiện” 18 nhà hoạt động nhân quyền. Trong đó có trường hợp ông Thắng, với các cáo buộc mà nhóm này gọi là các điều khoản “mơ hồ” như “Tuyên truyền chống nhà nước” và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.
Nguồn: BBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC