Bị cáo Đỗ Hữu Ca, cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng, tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: T. THẮNG
Ngày 26-6, hội đồng xét xử Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm liên quan bị cáo Đỗ Hữu Ca - cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng - và 5 bị cáo khác có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ bản án.
Ông Đỗ Hữu Ca ân hận khi phạm tội vì… cái tình
Trình bày tại phiên tòa, ông Ca cho biết bản thân có 50 năm trong ngành công an nên rất ân hận khi cuối đời vì cái tình mà vi phạm pháp luật.
Ông Ca khẳng định bản thân đã rất thành khẩn khai báo, là người không khó khăn gì về kinh tế nên không bao giờ có suy nghĩ đi lừa tiền của vợ chồng "người em" Trương Xuân Đước.
Theo ông Ca, khi nắm được thông tin vợ chồng Trương Xuân Đước mua bán hóa đơn đạt doanh thu khoảng 200 tỉ đồng thì có nói với Nguyễn Thị Ngọc Anh (vợ Đước) khi tìm đến nhà ông Ca cầu cứu là muốn cứu Đước thì phải hoàn trả và phải chuẩn bị số tiền 10% doanh thu để khắc phục, trả lại cho Nhà nước.
"Tôi không hề nói Ngọc Anh đem tiền để lo chạy án và cũng không bảo mang tiền đến nhà tôi. Bản thân tôi rất muốn gặp Đước để hỏi cho rõ, nhưng đợi mãi cũng không gặp được.
Số tiền mà vợ chồng Đước mang đến, tôi suy nghĩ chủ quan là em mang đến nhờ anh giữ hộ để sau này khắc phục hậu quả, nên toàn bộ tiền đều còn nguyên vẹn, tôi không hề động gì đến số tiền này" - ông Ca trình bày tại tòa.
Cũng theo ông Ca, bản thân coi Đước như em trong nhà nên khi biết tin thì chỉ có suy nghĩ tư vấn thế nào để có thể khắc phục hậu quả việc gây ra, chứ không bao giờ nghĩ đến việc chạy án hay lừa đảo để chiếm đoạt tiền của em.
Chủ tọa nhắc ông Ca khai báo để mọi người 'nghe cho được'
Trước phần trình bày của bị cáo Ca, chủ tọa phiên tòa cho gọi Trương Xuân Đước và Ngọc Anh lên để đối chất. Cả hai người khi được hỏi đều khẳng định mục đích 4 lần mang tiền đến nhà ông Ca là để nhờ chạy tội.
Trong khi đó, bị cáo Ca nhất quyết giữ quan điểm chỉ tư vấn lo khắc phục hậu quả, còn số tiền mà vợ chồng Ngọc Anh mang đến bản thân chỉ nghĩ giữ hộ, chứ không có ý thức chiếm đoạt.
Chủ tọa truy vấn bị cáo Ca về những mâu thuẫn trong lời khai của chính bị cáo này. Cụ thể, bị cáo Ca thừa nhận trong 4 lần thì có một lần Đước cùng vợ mang tiền đến nhà thì tại sao khi đó không nói với Đước luôn?
Bị cáo Trương Xuân Đước tại tòa phúc thẩm - Ảnh: T. THẮNG
Hơn nữa, thời điểm mang tiền đến, cơ quan điều tra chưa tiến hành bắt giữ cũng như làm rõ được số tiền vợ chồng Đước chiếm đoạt ngân sách nhà nước thì làm sao có thể tư vấn số tiền khắc phục hậu quả? Chủ tọa cũng cho rằng nếu khắc phục hậu quả thì Đước và Ngọc Anh hoàn toàn có thể tự giao nộp cho cơ quan điều tra, không việc gì phải nhờ qua bị cáo Ca.
"Bị cáo khai báo làm sao để mọi người nghe được, nhất là khi mình là người từng làm pháp luật" - chủ tọa nhắc.
Sau lời của chủ tọa, bị cáo Ca vẫn khẳng định không hề trao đổi với vợ chồng Đước việc chạy án, số tiền mang đến thì vợ chồng Đước cũng chỉ nói anh cất đi cho em. "Sự thật là sự thật, bản thân tôi đau lắm. Nếu khắc phục hậu quả thì không cần anh Ca, tiền không phải giấy, buồn lắm" - Đước nói thêm trước bục khai báo.
Chủ tọa hỏi thêm ông Ca tiền mang đến để trong bọc không xem, không kiểm tra, vậy tại sao biết là tiền? Nếu không phải tiền mà là ma túy, chất nổ thì sao? Theo bị cáo, mục đích vợ chồng Đước khai đưa tiền để chạy án để làm gì khi không có mâu thuẫn gì với bị cáo? Bị cáo có nghĩ bị đổ oan cho mình không?
Ông Ca cho biết bản thân tin tưởng vợ chồng em nói là giữ hộ tiền thì cũng chỉ biết đó là tiền. "Đến giờ tôi vẫn chưa hiểu tại sao lại tố cáo tôi" - ông Ca nói thêm.
Cũng theo ông Ca, bản thân không phải kêu oan và cũng đã nhận tội ngay từ phiên tòa sơ thẩm, nhưng mục đích chính của việc trình bày là để hội đồng xét xử hiểu rõ tính chất của vụ việc.
Chủ tọa ngắt lời và nhấn mạnh phiên tòa hôm nay để xem xét tòa sơ thẩm có kết tội đúng không, bị cáo nhận tội nhưng khai báo như vậy thì chả phạm tội gì. Bị cáo khai thế nào để nghe được, không ai kết tội người oan cả.
TIẾN THẮNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC