Người già, trẻ nhỏ liên tục nhập viện
Từ 8/12 đến 15/12, người Hà Nội liên tục chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí lên mức đỉnh điểm. Chỉ số đo chất lượng không khí AQI luôn duy trì ở ngưỡng tím (rất xấu), có lúc vượt mức tím lên ngưỡng ô nhiễm cao nhất – ngưỡng nâu (nguy hại). Mức này cảnh báo tình trạng ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe của tất cả người dân, khuyến cáo mọi người hạn chế ra ngoài, giảm hoạt động mạnh.
Khắp nơi ô nhiễm tăng, khói bụi, khí thải bị “mắc kẹt” nhưng không thể phát tán do hiện tượng nghịch nhiệt, khiến bầu trời như luôn có sương mù bao quanh. Sức khỏe của người dân cũng vì thế mà ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đặc biệt là nhóm người già, trẻ em và người có tiền sử mắc các bệnh về hô hấp mãn tính liên tục phải nhập viện do mắc các vấn đề về sức khỏe.
Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, theo TS. BS Trần Quang Thắng – Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, thời gian vừa qua, lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại đây tăng. Tuần vừa qua, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 30 – 35 ca cấp cứu, tăng 1,5 lần so với ngày thường.
Tương tự tại Bệnh viện Nhi Trung ương, TS. BS Đỗ Mạnh Hùng – Trưởng phòng Truyền thông và chăm sóc khách hàng cho biết, hiện số bệnh nhi nhập viện do thời tiết giá lạnh và tình trạng ô nhiễm môi trường tuy không nhiều đột biến, nhưng có phần tăng hơn so với ngày thường.
Bệnh viện Phổi Trung ương, do thời tiết lạnh kéo dài, chất lượng không khí thấp nên các bệnh nhân nhập viện do mắc các bệnh về hô hấp tăng. Tuy nhiên, số lượng hiện tại chưa thể thống kê.
Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm không khí thời gian tới tại Hà Nội tiếp tục duy trì ở ngưỡng xấu. Dự kiến, 3-4 hôm tới, khi thời tiết có mưa, khói bụi, khí thải “mắc kẹt” có cơ hội được phát tán, chất lượng không khí tại Hà Nội mới được cải thiện.
Bụi mịn vào thẳng máu, có thể gây ung thư
Các chuyên gia cho biết, không khí Hà Nội hiện nay, ngoài bụi vô cơ, hữu cơ, khí thải, còn tồn tại một dạng bụi đặc biệt khác là bụi mịn. Có 2 loại bụi mịn là PM10 và PM2.5, nhưng nguy hiểm nhất là PM2.5. Đây là những hạt li ti trong không khí, có kích thước 2,5 micron trở xuống, nhở hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người.
Thời tiết lạnh cùng tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài khiến sức khỏe nhiều dân bị ảnh hưởng.
Loại bụi này có khả năng len lỏi sâu vào trong phổi, gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh hô hấp như: viêm phổi, viêm phế quản, hay hen suyễn…
Theo tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường - Phòng sức khỏe Môi trường Cộng đồng, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, bụi mịn hầu hết được sinh ra từ khí thải giao thông như: xe máy, ô tô, xe buýt hay từ các loại máy móc nơi công trường xây dựng.
Khi nồng độ bụi mịn trong không khí ngoài trời tăng lên, bầu trời như mờ đi và tầm nhìn bị giảm. Tình trạng này cũng tương tự như khi thời tiết có độ ẩm cao hoặc sương mù.
"Độ ẩm tăng lên, không khí ô nhiễm, những hạt bụi siêu mịn sẽ càng dễ dàng vào sâu, đi thẳng vào mô, phế nang phổi và là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh lý về hô hấp rất nguy hiểm", tiến sĩ Cường nói.
Thông tin thêm, BS CKII Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, bụi mịn PM2.5 được hình thành từ các chất độc hại như: Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác lơ lửng trong không khí. Các hạt bụi siêu nhỏ này có khả năng vượt qua “hàng rào” bảo vệ của các loại khẩu trang thông thường, đi sâu vào trong phổi, len lỏi trực tiếp vào máu rồi gây độc cho cơ thể.
Loại bụi này cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm đường hô hấp, viêm phổi, phổi tắc nghẽn hay thậm chí là cả ung thư.
“Con người khi hút phải khói bụi này trước mắt có nguy cơ bị sổ mũi, hắt hơi, khó thở, ho, thậm chí kéo dài có thể gây rối loạn đường thở. Với người già, trẻ nhỏ hay người mắc các vấn đề về hô hấp mãn tính, tình trạng có thể nghiêm trọng hơn”, bác sĩ Hồng nói.
Theo BS Hồng, tuy bụi PM2.5 có thể xuyên qua khẩu trang, khó phòng tránh, nhưng nếu đeo khẩu trang người dân có thể hạn chế được bớt sự nguy hiểm của khói bụi độc hại trong không khí.
Bụi mịn cùng khí thải do hiện tượng nghịch nhiệt không thể phát tán khiến bầu trời Hà Nội như có sương mù bao quanh.
Ngoài ra, khi ra ngoài người dân cũng cần phải trang bị khẩu trang, mũ nón, kính mắt đầy đủ để tự bảo vệ mình. Nếu không may xuất hiện những dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sổ mũi, khó thở… cần nhanh chóng đến cơ sở y tế nơi gần nhất để thăm khám và điều trị, tránh chủ quan khiến bệnh tình ngày càng trầm trọng.
Bộ TN&MT, Bộ Y tế khuyến cáo khẩn
Nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân, ngày 14/12 vừa qua, Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng đưa ra những khuyến cáo.
Theo Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, chất lượng không khí những ngày qua ở Hà Nội liên tục ở ngưỡng rất xấu, bụi mịn có xu hướng tăng. Trong các ngày từ 7/12 đến 12/12, tại Hà Nội, Việt Trì (Phú Thọ), TP.HCM ghi nhận giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép. Tại Hà Nội, có trạm đo được giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép gần 2-3 lần.
Do vậy, Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân kể cả học sinh nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ, cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi mịn PM2.5 khi ra đường để bảo đảm sức khỏe.
Cũng trong ngày 14/12, Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) phát đi khuyến cáo hướng dẫn người dân về công tác dự phòng, bảo vệ sức khỏe trước tác động của ô nhiễm không khí.
Cụ thể, Bộ Y tế khuyên người dân thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống Bộ TN&MT, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố. Hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).
Mọi người cần vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Với người hút thuốc lá thì nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá.
Mọi người nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống.
Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
Bên cạnh đó, với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu, Bộ Y tế lưu ý: Mọi người cần thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
Chất lượng không khí duy trì ở ngưỡng nguy hại, các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên ra ngoài để bảo đảm sức khỏe.
Cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.
Trong thời điểm nếu phát hiện mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời.
Đợt ô nhiễm không khí tại Hà Nội bắt đầu từ 8/12, khi chỉ số chất lượng không khí liên tục duy trì ở ngưỡng tím – rất xấu (AQI >200). Tiêu biểu như các khu vực: Thành Công, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Cừ…
Đặc biệt, theo thống kê của ứng dụng Airvisual, có những thời điểm ngày 14/12, AQI một số khu vực tại Hà Nội vượt ngưỡng tím lên nâu – nguy hại (AQI>300), bao gồm: Hồ Tây, 412, Sài Đồng (Long Biên) 357, Tô Ngọc Vân 359.
Ứng dụng PAMair cũng đưa ra bảng đo chất lượng không khí của Hà Nội "dày đặc" màu tím với ngưỡng rất xấu.
Theo các chuyên gia, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội có xu hướng ngày càng phức tạp. Do vậy, thành phố nên đưa ra nhiều biện pháp khẩn cấp để cải thiện tình trạng này, nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân.
© 2024 | Thời báo ĐỨC