Ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc sở GD&ĐT Sơn La. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Khẳng định không gian lận điểm thi
Năm 2018, Bộ GD&ĐT công bố danh sách những thí sinh có điểm thi THPT Quốc gia cao nhất của các địa phương cả nước. Trong đó, thí sinh Trần Ngọc Diệp (cụm thi Sơn La) đạt điểm rất cao ở các môn thi. Nếu tính 6 môn thi, Diệp là có điểm cao nhất kỳ thi THPT Quốc gia 2018.
Sau khi kết quả này được công bố, nhiều người bày tỏ sự bất ngờ bởi ở kỳ thi thử do trường THPT chuyên Sơn La tổ chức trước đó, điểm của thí sinh này chỉ đạt mức trung bình.
Không chỉ thí sinh này mà nhiều em khác cũng có điểm cao chót vót, trong khi học lực bình thường.
Trước nghi vấn gian lận điểm thi, thời điểm này, ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La khẳng định với Người Lao Động ngày 19/7/2018: "Toàn bộ quy trình tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh được thực hiện rất nghiêm ngặt, không hề có bất kỳ tiêu cực nào... Qua báo cáo của các điểm thi, các tổ chấm cho thấy không có sự bất thường".
Sở GD&ĐT Sơn La.
Báo Tiền Phong cũng dẫn lời ông Đức nói: "Anh em chấm theo đúng quy trình quy định và cho ra kết quả như thế, còn làm sao tôi biết được".
Vị Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cũng nhận định, kết quả thi của những thí sinh điểm cao ở Sơn La là do sự cố gắng nỗ lực của thầy cô, của bản thân các em, và cũng khó mà nói (giải thích) được việc cao, thấp.
"Tôi đã yêu cầu anh em báo cáo, và anh em đã báo cáo lại là những em đó có học lực khá, giỏi. Thực tế có những bộ môn mà các em học sinh ở vùng sâu vùng xa cũng điểm cao" - Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định.
Chọn cách 'im lặng'
Ngay sau khi điểm thi THPT 2018 được công bố, ngày 18/7/2018, một số chuyên gia giáo dục phân tích phổ điểm các môn Toán, Vật lý và phát hiện nghi vấn ở Sơn La. Theo phổ điểm, điểm số trung bình môn Toán và Vật Lý của Sơn La rất thấp, nhưng số thí sinh đạt điểm 9 trở lên ở Hội đồng thi này cao bất thường.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2018 thành lập tổ công tác có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng chỉ đạo việc kiểm tra, xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại tỉnh Sơn La.
Ngày 19/7/2018, tổ công tác của Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia đến làm việc tại Sơn La. Cùng rà soát với tổ công tác của Bộ GD&ĐT còn có cơ quan chức năng của Bộ Công an và Công an tỉnh Sơn La.
Ông Hoàng Tiến Đức (bên phải ngoài cùng). Ảnh cắt từ clip do công an cung cấp.
Vào thời điểm này, là người đứng đầu Sở GD&ĐT nhưng ông Hoàng Tiến Đức không có bất cứ phát ngôn nào và cho rằng đó là quán triệt của tổ công tác.
Đến trưa 23/7/2018, Tổ công tác của Bộ GD&ĐT chính thức công bố kết luận rà soát có 5 cán bộ, lãnh đạo của Sở GD&ĐT Sơn La được xác định có liên quan đến sai phạm về điểm thi THPT 2018 tại Sơn La, trong đó, đứng đầu là ông Trần Xuân Yến - Phó Giám đốc Sở.
Tuy nhiên, ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La không có mặt dù các sai phạm xảy ra ở cơ quan. Vào buổi thông tin tới các cơ quan báo chí được tổ chức tại Sở, người ta cũng không thấy vị giám đốc đâu.
Nghỉ phép 8 ngày
Giữa tháng 4/2019, báo chí và mạng xã hội đưa danh sách 44 thí sinh "dính" gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 tại Sơn La, trong đó có tới 12 trường hợp là con em các cán bộ đang công tác trong ngành giáo dục và đào tạo tỉnh này.
Đáng chú ý, trong danh sách có con một phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đương nhiệm, con chánh thanh tra sở, con trưởng phòng giáo dục trung học, con một số chuyên viên của Sở GD&ĐT, con hiệu trưởng, con giáo viên một số trường THPT trên địa bàn.
Mức điểm của các thí sinh "con em ngành" được chỉnh sửa rất đa dạng, tổng điểm chênh giữa điểm công bố và điểm thực (sau khi chấm thẩm định) thấp nhất là 3 điểm, cao nhất lên tới 17,75 điểm.
Đúng lúc này, bà Lương Thị Bích Hiền - Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT cho biết, ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT đang trong thời gian nghỉ phép từ 18/4 đến 26/4 vì có việc "bất khả kháng".
Phát ngôn: 'bố láo, bố lếu'
Theo kết luận của Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Sơn La mới đây, bị can Trần Xuân Yến nhận sửa giúp bài thi để nâng điểm cho 13 thí sinh. Đây là những trường hợp do cấp trên, do đồng nghiệp, người quen nhờ vả.
Cụ thể, ngày 28/6/2018, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, gọi Phó giám đốc Trần Xuân Yến đến phòng làm việc của ông Đức. Tại đây, ông Đức đưa cho ông Yến hai tờ giấy ghi thông tin cá nhân của 8 thí sinh nhờ nâng điểm.
Tuy nhiên, trả lời báo Người Đưa Tin, vị Giám đốc Sở khá bất ngờ và bức xúc trả lời: “Bố láo, bố lếu, làm gì có chuyện đấy”. Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi: “Tức là thông tin ông Yến khai là không đúng?”
Ông Hoàng Tiến Đức đáp: “Ừ”. Ngay sau đó vị Giám đốc Sở này liền cúp máy.
Chuẩn bị nghỉ hưu
Giữa "tâm bão" nâng điểm thi, bị cho là người nhờ vả nâng điểm cho thí sinh, thì vị giám đốc Sở này lại sắp nghỉ hưu.
Đến 28/5, trả lời với VTC News, ông Trần Văn Trọng - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Sơn La cho biết, Giám đốc Hoàng Tiến Đức sẽ nghỉ hưu theo chế độ, từ ngày 1/7/2019.
Do chỉ còn hơn một tháng nữa ông Đức nghỉ hưu, nên ông sẽ không tham gia Ban chỉ đạo thi 2019 của tỉnh này. Theo quy định, Giám đốc Sở GD&ĐT sẽ là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thi. Nhưng vị trí này của ông Đức sẽ do Phó giám đốc Nguyễn Văn Chiến đảm nhận.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng, chưa nói đến sai phạm của ông Giám đốc Sở, nhưng ở cương vị là người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh, ông Hoàng Tiến Đức cần có lời giải thích hoặc xin lỗi với người dân. "Có lẽ người dân Sơn La cũng như tôi đều đang mong lời xin lỗi đó. Chấn động thi cử chưa từng có xảy ra ở địa phương mà người đứng đầu hoàn toàn im lặng sao được", vị này nói.
Sơn La là một trong ba địa phương "dính" gian lận thi cử năm 2018. Theo Cơ quan An ninh Điều tra - Công an tỉnh Sơn La, có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9 điểm.
Trong danh sách 44 thí sinh, có tới 12 trường hợp là con em các cán bộ đang công tác trong ngành giáo dục và đào tạo tỉnh này.
Tùng Lâm
VTC.VN
© 2024 | Thời báo ĐỨC