Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, chủ trương xã hội hoá dưới hình thức BOT để phát triển hạ tầng là đúng đắn.
Tuy nhiên, cách thức triển khai thực hiện BOT thời gian qua đã tỏ rõ những yếu kém trong quản lý nhà nước khi để các doanh nghiệp “tự tung, tự tác” xây dựng tuyến đường này nhưng đặt trạm thu phí ở tuyến đường khác, bổ sung, sửa chữa một chút mặt đường là có thể thu phí như đường mới xây…
Bức xúc của dân
Đưa tiền lẻ cho nhân viên khi qua trạm thu phí để phản ứng lại sự bất hợp lí về vị trí và giá của trạm thu phí Cai Lậy là cách nhiều tài xế, chủ phương tiện thực hiện trong nhiều ngày qua tại trạm thu phí này.
Có những chủ phương tiện thậm chí đã đổi 22 triệu tiền chẵn lấy hơn 30 kg tiền lẻ để qua trạm dần.
Anh Trương Châu Hữu Danh vì bức xúc nên đã đổi rất nhiều tiền lẻ để trả phí khi đi qua trạm thu phí BOT Cai Lậy. Ảnh zing.vn
Với họ, cực chẳng đã mới phải làm cách này bởi không ai muốn mất thời gian, gây kẹt xe khi đi qua trạm.
Là người thường xuyên đi lại trên tuyến QL1 về miền Tây, anh Đỗ CoCa ở tỉnh Đồng Nai đã đổi hơn 13 kg tiền lẻ mệnh giá 500 đồng, tương đường với khoảng 10 triệu đồng tiền chẵn để dùng dần khi đã trạm thu phí Cai Lậy. Trước đó anh đã đổi nhiều tiền lẻ cho mình và cho bàn bè cùng dùng.
“Khi biết tôi cần tiền lẻ đi qua trạm thì bạn bè cũng dành cho tôi, chúng tôi huy động tiền lẻ này 2 ngày rồi. Nói thật là bất đắc dĩ mới phải làm vậy, nhưng nó giải tỏa được nỗi bức xúc của tôi và để cơ quan chức năng thấy điều bất hợp lý phải điều chỉnh”, anh Đỗ Co Ca nói.
“Nghe nói, Bộ GTVT đã giảm giá vé qua trạm xuống 25.000 đồng. Tuy nhiên, mức phí như vậy vẫn là cao và chúng tôi muốn đặt trạm đúng nơi là đường tránh chứ không phải trên QL1, nên tôi vẫn dùng tiền lẻ để qua trạm. Khi nào mức giá nó hợp lý thì chúng tôi sẽ dừng lại”, anh CoCa cho biết.
Cũng như anh CoCa, 2 ngày trước, anh Trương Hữu Danh - chủ quán cà phê Gốm và Lá ở phường 6, TP.Tân An (Long An) đã lái ôtô đến các quán ăn ở Tiền Giang để đổi được 22 triệu đồng tiền lẻ, mệnh giá 200 và 500 đồng này.
Anh Danh phản ứng bằng cách này vì cho rằng trạm BOT Cai Lậy đặt sai vị trí và thu tiền với giá cao. Mỗi ngày anh đi qua tuyến đường này 4 lượt, giá mỗi lượt là 35.000 đồng, tổng cộng 140.000 đồng thì không thể chấp nhận được.
Nhân viên trạm thu phí BOT Cai Lậy mỏi tay đếm tiền lẻ những ngày qua. Ảnh zing.vn |
"Họ đặt trạm BOT sai vị trí vì làm mới có 12km đường tránh Cai Lậy mà thu tiền luôn tuyến QL1. Tôi đổi tiền lẻ qua trạm nhằm phản ứng việc đặt trạm không đúng chỗ. Đây là biện pháp khá ôn hòa của tài xế và nó cũng có hiệu ứng của xã hội. Tôi mong các cơ quan chức năng sớm xem xét và xử lý, dân chúng tôi muốn là làm đường tránh thì đặt trạm thu phí ở đường đó, không được đặt trên quốc lộ", anh Danh nói.
Câu chuyện đổi 22 triệu tiền chẵn, tương đương với hơn 25 kg tiền lẻ để qua trạm thu phí khá hài hước nhưng lại giải tỏa nỗi bức xúc của chủ phương tiện qua trạm thu phí BOT Cai Lậy. Và có lẽ, với những chủ phương tiên như anh Hữu Danh, anh CoCa thì đây cũng là cách tốt nhất để những kiến nghị của họ được tiếp nhận.
Những chiêu trò “ma quái” của BOT
Sau những phản ứng của người dân, nhiều chủ đầu tư dự án BOT đã “giải nhiệt” bằng cách giảm phí. Nhưng, đáng nói là “chiêu trò” giảm phí khi dân phản ứng nhưng âm thầm tăng thời gian thu như một kiểu hoán đổi không theo một quy định, bộ luật nào đã và đang khiến người dân càng mất niềm tin vào các dự án BOT này.
Dự án BOT tuyến tránh Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, người dân phản ứng đến mức cực đoan không phải là không có nguyên do.
Dù không minh bạch, thế nhưng ở dự án này, theo tìm hiểu của chúng tôi, tổng số vốn đầu tư dự án hơn 1.386 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chỉ có gần 208 tỉ đồng, xấp xỉ 15% tổng vốn đầu tư, còn lại là vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Rõ ràng, nhà đầu tư huy động vốn rất ít nhưng được thu lợi nhuận 12%/năm trên tổng vốn đầu tư từ năm 2015 đến khi đủ hoàn vốn cũng như lợi nhuận.
Điều mà người dân phản ứng mạnh nhất ở dự án BOT Cai Lậy là sự điều chỉnh về vị trí đặt trạm ở trên Quốc lộ 1 thay vì đặt ở tuyến đường tránh. Phương án tài chính này đã giúp chủ đầu tư hoàn vốn nhanh và dễ hơn. Thế nhưng, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đây chính là biến tướng đáng sợ của nhiều dự án BOT khác chứ không riêng gì tuyến tránh Thị xã Cai Lậy.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, người dân bức xúc như vậy thể hiện sự bất cập về việc đặt trạm thu phí không hợp lý.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy nhìn từ trên cao như cái đó đơm cá, mọi phương tiện đi qua đều phải chui đầu vào cái đó này. |
“Trạm thu phí chúng ta đặt chưa hợp lý thành thử mới có chuyện, anh giải thích thế nào thì giải thích. Nhưng tôi không đi trên đường BOT mà anh cứ đặt trạm thu phí và mức thu BOT thì không chấp nhận được”, ông Thanh gay gắt.
Việc Bộ GTVT và nhà đầu tư “xuống thang” họp với các đơn vị liên quan và chốt phương án giảm phí cho trạm BOT Cai Lậy vẫn chỉ là “chiêu trò”, bởi nhiều người nghi ngờ mấy hôm nữa Bộ GTVT lại cho phép nhà đầu tư BOT này tăng thêm năm thu từ 7 năm sẽ lên 12, 13 năm.
Chuyện giảm phí được xem như hoán đổi và mục tiêu chỉ làm yên lòng dân chứ chưa xử lý dứt điểm sự vô lý về đặt trạm bởi người dân không sử dụng dịch vụ vẫn phải mất tiền.
Theo Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, bây giờ chỉ có minh bạch tất cả các dự án để dân biết, giám sát và thực hiện. Nếu vẫn còn những mù mờ như vừa qua thì việc dân phản ứng là điều tất yếu.
“Tôi thấy mong muốn của dân rất chính đáng, đặt ở đấy nó dẫn tới rất phiền toái, tốn kém cho họ, họ đặt cả vấn đề nữa là cần minh bạch tất cả các dự án, một là anh dịch chuyển vị trí, địa giới có đúng Luật Đất đai hay không. Thứ 2 phải công khai xem anh đầu tư vào cái gì ở đây? Bao nhiêu/ mức thu như thế nào để tránh thất thoát vì BOT như cái hộp đen, không ai biết cả và rất dễ nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm nên người dân đòi hỏi là chính đáng”, ông Dương Trung Quốc nói.
Không thể lấy sai để sửa sai
Ngày 16/7, sau hơn nửa tháng tiến hành thu phí tai trạm BOT Cai Lậy và bị người dân phản ứng, Bộ GTVT và chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan đã chấp nhận họp và giảm phí cho tất cả các xe ô tô đi qua trạm này. Mức giảm cho xe tiêu chuẩn (xe ô tô 4 chỗ ngồi) xuống còn 25.000 đồng/lượt.
Tuy nhiên, nhiều người dân đặt câu hỏi. Tại sao lại miễn, giảm phí qua trạm thu phí Cai Lậy vì cái sai ở đây là vị trí đặt trạm chứ không phải là mức phí. Nhà nước cần giám định khoản tiền nhà đầu tư thực sự đã bỏ ra ở 26,5km (chứ không chỉ căn cứ lên mức họ kê khai) rồi hoàn trả cho họ (không quá 300 tỷ). Bắt buộc dời trạm thu phí vào phần đường tránh. BOT là đầu tư để cho người dân có thêm lựa chọn chứ đâu phải là chặn cửa, đơm đó, buộc mọi người dân dù đi đường cũ hay đường mới đều phải trả tiền cho nhà đầu tư.
Tại cuộc họp báo chiều 17/8, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, không thể di dời trạm BOT Cai Lậy đi chỗ khác,vì nếu di dời sẽ phải điều chỉnh phương án tài chính và có thể dẫn đến đổ vỡ phương án tài chính. Tuy nhiên, nếu Bộ GTVT giữ quan điểm để không đổ vỡ phương án tài chính thì lại gây “đổ vỡ niềm tin” của dân tại các dự án BOT./.
Nguồn: VOV.VN
© 2024 | Thời báo ĐỨC