Nhiều trường 'báo động đỏ' qua vụ học sinh Gateway tử vong

Ngay sau khi sự việc đau lòng xảy ra với bé L.H.L. (học sinh lớp 1 Trường tiểu học Gateway, Hà Nội), chúng tôi trở lại ghi nhận tình hình đưa đón học sinh ở các trường. Có thể thấy chuyện đưa đón, quản lý học sinh hiện mỗi nơi làm một cách.

132 1 Nhieu Truong Bao Dong Do Qua Vu Hoc Sinh Gateway Tu Vong

Cần phải có quy định cụ thể nhằm chuẩn hóa dịch vụ đưa đón để đảm bảo an toàn cho học sinh. Trong ảnh: xe đưa đón học sinh tại một quận ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Không phải đến bây giờ, mà từ lâu đã có không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra trong việc đưa đón học sinh. Vậy phải làm sao để đưa đón trẻ từ nhà đến trường và ngược lại được an toàn?

Nhiều trường "báo động đỏ"

Hà Nội hiện có trên 100 trường học sử dụng xe đưa đón học sinh, chiếm khoảng 20%. Số còn lại chủ yếu do gia đình tự đưa đón trẻ. 

Ngay sau khi sự việc đau lòng xảy ra với bé L.H.L., nhiều trường học ở Hà Nội đã kiểm tra, chấn chỉnh dịch vụ đưa đón học sinh. Nhưng cũng đáng lo ngại khi chỉ có những trường học vốn đã có quy trình quản lý học sinh tốt mới "giật mình".

Cô Nguyễn Thị Mỵ - phó hiệu trưởng phụ trách Trường tiểu học Archimedes, Hà Nội - cho biết dịch vụ đón học sinh bằng ôtô của trường có trên 60 tuyến. 

"Giáo viên theo xe phải có sổ ghi đánh dấu học sinh lên xuống xe mỗi ngày. Khi học sinh lên xe, giáo viên phải ngồi ghế cuối cùng xe. Khi học sinh xuống xe, giáo viên phải xuống sau cùng, kiểm tra xem học sinh có quên đồ dùng, sách vở không..." - cô Mỵ nói.

Ngày 6-8, thầy Nguyễn Xuân Khang - hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội - đã có thư ngỏ "báo động đỏ" trong toàn hệ thống trường. 

Trong đó lưu ý những việc rất cụ thể với trưởng xe và lái xe trong việc kiểm tra xe để tránh học sinh ngủ quên. Ngoài ra còn có ít nhất 3-4 trường ngoài công lập ở Hà Nội cũng dùng từ "báo động đỏ" để kiểm tra hệ thống, quy trình đưa đón học sinh ngay trong ngày 7-8.

132 2 Nhieu Truong Bao Dong Do Qua Vu Hoc Sinh Gateway Tu Vong

Chiều 7-8, sau sự việc thương tâm, Trường Gateway đã huy động nhiều giáo viên, nhân viên hướng dẫn, kiểm tra học sinh trước khi lên xe đưa đón về nhà - Ảnh: NAM TRẦN

Lỏng lẻo, nhiều bất cập

Tuy là một dịch vụ ngày càng phổ biến, nhưng hiện không có một quy chuẩn nào cho xe đưa đón học sinh, phân biệt với các phương tiện giao thông khác. 

Chính những người có trách nhiệm của sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT cũng không biết được tiêu chuẩn như thế nào về chất lượng xe và quy trình đảm bảo an toàn cho việc đưa đón học sinh bằng ôtô.

Có trường gom học sinh lại một số điểm để thuê loại xe to đón, có trường thuê xe nhỏ 7 chỗ luồn lách trong các ngõ, đón tại nhà. Có trường cắt cử giáo viên đi theo xe để nhận, trả học sinh, nhưng cũng có trường hợp đồng trọn gói với nhà xe. 

Trường chỉ bàn giao cho nhà xe các điểm đón trẻ, số trẻ phải đưa đón. Mọi việc còn lại tùy thuộc vào nhân viên nhà xe. Nên không quy định chặt chẽ trong việc nhận, trả học sinh, lên xe, xuống bến...

Anh N.V.M. - có con học tại Trường phổ thông Newton ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội - kể con anh cũng trong những ngày đầu làm quen với lớp 1. "Gia đình cũng đăng ký dịch vụ xe đưa đón học sinh nhưng ngay trong ngày thứ hai tới trường đã có những trục trặc" - anh M. kể.

Theo anh M., trong những ngày đầu đã có thống nhất các gia đình đón con tại một địa điểm ở Linh Đàm, nhưng trong ngày thứ hai tới trường, khi giao trả nhà xe đã dừng ở một chỗ cách nơi đón mấy trăm mét. 

Đến khi hỏi ra mới biết nhân viên đưa đón có bàn với một số phụ huynh về việc thay đổi địa điểm giao trả học sinh, tuy nhiên sau khi đổi địa điểm lại không báo cho những phụ huynh khác biết.

Sau sự việc của cháu bé ở Trường Gateway, nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng vì nếu quy trình đón, trả học sinh không kín kẽ, không tập huấn và giao việc kỹ cho giáo viên, nhân viên thì có thể sẽ còn những tình huống khác gây hậu quả xấu xảy ra. 

Nhiều phụ huynh đã chia sẻ trên các diễn đàn cha mẹ về việc phải trang bị cho con điện thoại, đồng hồ đeo tay có tính năng nhắn tin, hướng dẫn con kỹ năng mở khóa cửa ôtô từ bên trong... Tất cả chỉ là phản ứng tức thời trong sự hoang mang lo sợ.

132 3 Nhieu Truong Bao Dong Do Qua Vu Hoc Sinh Gateway Tu Vong

Đồ họa: TUẤN ANH

Trông vào phần mềm hay con người?

Giải thích do vận hành phần mềm chưa ổn định nên có "trục trặc kỹ thuật" dẫn tới việc nhà trường không kịp thời kết nối với cha mẹ học sinh khi biết cháu bé vắng mặt ở lớp đã không thuyết phục được dư luận. 

Sự cố "kỹ thuật" này cũng bộc lộ một bất cập khi các trường chất lượng cao ứng dụng công nghệ thông tin và lệ thuộc nhiều vào "máy móc" trong việc quản lý học sinh.

"Phần mềm chỉ nên quản lý kết quả học tập, tình hình dạy học chứ không nên lệ thuộc hoàn toàn vào nó để quản lý học sinh, kiểm soát những vấn đề liên quan tới tính mạng, sức khỏe học sinh" - một phụ huynh, có con học lớp 1 ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), nói.

Nhìn sang các trường tiểu học công lập truyền thống khác, không có "phần mềm", không có dịch vụ đưa đón học sinh bằng ôtô, việc quản lý, đón - trả học sinh thế nào?

Cô Thanh Hương - giáo viên chuyên trách phụ trách lớp 1 một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) - cho biết giáo viên phải chấp hành các quy định đặc biệt với trẻ lớp 1. Ví dụ giờ tan học, cô giáo phải trực tiếp trả học sinh cho từng phụ huynh. Dù chỉ còn một học sinh chưa có cha mẹ đón thì cô giáo cũng phải ở lại trường.

Ở một trường tiểu học khác của quận Hoàng Mai, lãnh đạo nhà trường cho biết phụ huynh có con học lớp 1 phải đăng ký người đón học sinh với cô giáo chủ nhiệm. Nếu có người khác với người đã đăng ký đến đón học sinh, phải có giấy ủy quyền hoặc được cha mẹ học sinh điện thoại trực tiếp cho cô giáo.

Nhiều phụ huynh có con học tiểu học trường công lập cũng cho biết khi con đến học muộn hoặc cha mẹ đón con muộn, cô giáo chủ nhiệm đều điện thoại vào số đã đăng ký để trao đổi, thông báo.

Những cách quản lý học sinh "không hiện đại" như thế này vẫn đang được duy trì vì quan điểm với học sinh lớp 1 nhiều bỡ ngỡ thì "không thể thiếu quy trình chặt chẽ của con người".

132 4 Nhieu Truong Bao Dong Do Qua Vu Hoc Sinh Gateway Tu Vong

Học sinh một trường quốc tế tại TP.HCM đến trường bằng xe buýt đón từ nhà - Ảnh: T.T.D.

Bộ GD-ĐT phải "chuẩn hóa" dịch vụ đưa đón học sinh

Ngày 7-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân khiến bé lớp 1 tử vong. Qua đó xác định trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc làm cháu bé tử vong, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT chỉ đạo tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trường học. Bộ GD-ĐT phải hướng dẫn, quy định cụ thể dịch vụ đưa đón học sinh, đảm bảo chất lượng và an toàn tuyệt đối cho các cháu, không để tái diễn sự việc tương tự.

Bà TRẦN THỊ LIÊN (phụ huynh học sinh ở Q.2, TP.HCM):

Nhà nước cần có quy định về đưa đón học sinh

Hai bé nhà tôi cũng đi học bằng xe đưa rước.

Tôi mong các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc ngay, đưa ra những quy định, quy chế cụ thể về đưa đón học sinh chứ không thể "thả nổi" như hiện nay. Bởi vì nhu cầu cho con em đi học bằng xe đưa rước hiện rất cao.

Cần phải có quy định cụ thể: những loại xe nào, chất lượng ra sao, bao lâu phải đi kiểm định... mới được sử dụng để đưa đón học sinh nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho học sinh, không thể mỗi nơi làm mỗi kiểu hoặc sử dụng xe quá cũ.

Bà LÊ NGỌC THANH PHƯƠNG (phụ huynh ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

Bảo mẫu đưa đón trẻ phải có kỹ năng quản lý học sinh

Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT cần ban hành quy trình đưa đón học sinh một cách chặt chẽ, khoa học và yêu cầu tất cả các trường công hay tư đều phải tuân thủ. Thứ nhất là những trẻ đi xe đưa rước phải có bảng tên.

Yếu tố này theo tôi rất quan trọng bởi nhiều trường thuê dịch vụ bên ngoài để đưa đón học sinh chứ không phải giáo viên của trường làm việc này. Khi học sinh lên xe, xuống xe... nhân viên phải điểm danh.

Đối với trẻ mầm non, tiểu học: khi phụ huynh đưa con ra xe thì ký tên đã giao con cho nhân viên đưa đón. Khi nhân viên bàn giao học sinh cho giáo viên hay nhân viên của nhà trường cũng phải ký tên vào sổ bàn giao...

H.HG. ghi

Khởi tố vụ án hình sự để điều tra

Ông Trần Văn Hóa - phó trưởng Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) - cho biết ngay sau khi nhận được tin báo, Công an quận đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, điều tra đến 3h sáng 7-8, sau đó đã bàn giao thi thể cháu cho gia đình đưa về quê tại Nga Sơn, Thanh Hóa để tổ chức an táng.

"Căn cứ vào tất cả tài liệu thu thập được ban đầu, ngay sáng 7-8 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy đã ra quyết định khởi tố vụ án vô ý làm chết người, theo điều 128 Bộ luật hình sự" - ông Hóa thông tin.

Trước câu hỏi về nguyên nhân khiến cháu bé tử vong và kết quả khám nghiệm pháp y, ông Hóa cho rằng trình tự, thủ tục để giải quyết một vụ án đều có thời hạn. Về trách nhiệm của các cá nhân liên quan, cơ quan điều tra có khởi tố bị can?

Ông Hóa cho biết ngay sau khi xảy ra sự việc, cơ quan điều tra đã triệu tập tất cả những người có liên quan lên làm việc, trong quá trình điều tra sẽ xét trách nhiệm của từng người, từng hành vi căn cứ theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, ông Hóa cũng xác nhận "cháu bé đã tử vong trước khi được đưa vào bệnh viện".

THÂN HOÀNG - XUÂN LONG

 

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày