Nhiều nước siết visa du khách Việt

Thông tin các nước siết lại visa đối với Việt Nam đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các công ty du lịch và du khách

132 1 Nhieu Nuoc Siet Visa Du Khach Viet

Du khách Việt chụp hình trước nhà thờ Đức Bà Frauenkirche tại TP Dresden - Đức. Ảnh: GIANG NAM

Ngoài một số nước thêm điều kiện làm thủ tục visa, một số thị trường khác dù không thay đổi quy trình xét duyệt visa nhưng sẽ kiểm soát chặt nguồn khách. Điều này có thể tác động đến xu hướng đi du lịch nước ngoài của du khách Việt Nam.

Du lịch nước ngoài ngày càng khó

Chị Q.H (nhân viên văn phòng tại quận Đống Đa, TP Hà Nội) vừa nhận được thông tin bị rớt visa đi du lịch Mỹ, trong khi xác suất đậu visa đi New Zealand cũng rất thấp. Điều này khiến chị bất ngờ vì từng đi du lịch nhiều nước, trong đó có Úc. New Zealand và Úc là 2 nước gần nhau, yêu cầu về visa không quá khác biệt.

"Tôi có công việc ổn định, thu nhập tương đối. Nghe nhiều bạn bè từng đi New Zealand nói xin visa trước đây không cần phỏng vấn nhưng hiện du khách đều phải qua vòng phỏng vấn và nguy cơ rớt khá cao" - chị Q.H băn khoăn.

Trong khi đó, chị Th.M (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) cũng vừa rớt visa du lịch Nhật theo diện xin tự túc mà không biết lý do. Theo chị M., những yêu cầu về hồ sơ visa chị đều chuẩn bị đầy đủ, nộp đúng hẹn, công việc ổn định, có biết tiếng Nhật. "Lúc nhận kết quả, tôi không nghĩ là mình rớt vì người bạn dự kiến đi cùng cũng hồ sơ như vậy nhưng lại đậu visa" - chị M. nói.

Trên các diễn đàn về du lịch tự túc đi Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu gần đây, nhiều người chia sẻ câu chuyện bị rớt visa. Hàn Quốc vừa qua đã thêm quy định du khách Việt Nam phải nộp sổ tiết kiệm bản gốc (thay vì bản sao y như trước đây) khi làm visa. Nhiều người cho biết quy định này gây khó khăn vì sổ tiết kiệm có thể đang cầm cố ở ngân hàng.

Trước đó, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và nhiều thị trường du lịch khác cũng kiểm soát chặt nguồn khách tới du lịch. Về du lịch châu Âu, sau vụ 39 người Việt thiệt mạng ở Anh, dù không có chuyện siết lại quy trình xét cấp visa đối với công dân Việt Nam theo Hiệp ước Schengen nhưng các công ty du lịch thông tin việc sàng lọc và cấp visa cho du khách chắc chắn sẽ khó hơn.

Đại diện Công ty Vietravel cho biết thời gian qua có nhiều công ty dịch vụ visa làm hồ sơ, giấy tờ giả cho khách. Theo Công ty Vietravel, nhiều quốc gia chỉ nhận hồ sơ của các công ty du lịch lớn, có uy tín để bảo đảm có sự sàng lọc tốt, đi đúng mục đích. "Nếu công ty du lịch làm visa sai mục đích chuyến đi hoặc không đúng quy định của đại sứ quán, lãnh sự quán, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc xin visa trở lại quốc gia đó trong những lần tiếp theo, thậm chí khách sẽ bị từ chối vĩnh viễn và không được cấp lại visa" - đại diện Công ty Vietravel nói.

Không có chuyện bao đậu visa 100%

Đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist nhìn nhận việc thực hiện thủ tục hồ sơ làm visa có phần phức tạp hơn trước sẽ khiến du khách ngần ngại đăng ký tour, phần nào làm ảnh hưởng đến lượng khách du lịch đến một số thị trường đang siết nguồn khách đầu vào. Trong bối cảnh này, du khách nên chuẩn bị xin visa trước 2-3 tháng khi đặt tour du lịch nhằm đáp ứng tốt nhất mọi yêu cầu của cơ quan ngoại giao các nước.

Theo lãnh đạo Công ty CP Lữ hành Fiditour, visa của Việt Nam không thuộc nhóm ưu tiên nên thường bị xem xét nghiêm ngặt. Một số trường hợp người Việt Nam lợi dụng đi tour du lịch rồi trốn ở lại nên khi xin visa vào các nước tiên tiến rất khó. Việc siết chặt các quy định và thay đổi chính sách cấp visa từ các nước tiên tiến sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khách du lịch Việt có nhu cầu đi nước ngoài, đặc biệt là với những du khách ở tỉnh, có thu nhập trung bình hoặc làm việc tự do, không đủ giấy tờ chứng minh tài chính và công việc ổn định.

Đại diện các công ty du lịch tư vấn đối với những du khách có thu nhập không ổn định hoặc ở mức trung bình nên chuyển hướng sang các thị trường không cần quy định visa hoặc quy định visa dễ dàng như Đông Nam Á, Trung Quốc, Maldives, Bhutan... để làm "dày" hồ sơ du lịch trước.

Theo ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, nhận định lượng khách Việt đi nước ngoài sẽ giảm nhưng không quá nhiều và giảm chủ yếu ở những đối tượng không đủ điều kiện về thủ tục.

"Trong bối cảnh visa bị siết ở nhiều thị trường, du khách có nhu cầu du lịch nước ngoài nên đầu tư kỹ lưỡng cho bộ hồ sơ, thay vì nghe quảng cáo của những công ty làm dịch vụ visa không uy tín. Đặc biệt, không có chuyện bao đậu visa 100%, bởi xét duyệt là quyết định của lãnh sự quán ở nước ngoài" - ông Từ Quý Thành nhận xét. 

Nguồn: Thái Phương/ nld.com.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày