Tại Diễn đàn nâng cao năng suất lao động quốc gia ngày 26/5, ông Mai Thiên Ân, Trưởng phòng sản xuất Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, phản ánh thực tế tại nhiều nơi làm việc ở Việt Nam. Một bộ phận lao động không tuân thủ giờ giấc tác phong, có mặt ở cơ quan đúng giờ để điểm danh rồi ăn sáng, uống trà gây đình trệ công việc.
Có doanh nghiệp lao động còn lấy sản phẩm bán ra ngoài khiến công ty bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng, ảnh hưởng uy tín, mang tiếng văn hóa và con người Việt Nam. Trong sản xuất, một bộ phận lao động không tuân thủ quy trình khiến sản phẩm lỗi làm ảnh hưởng thương hiệu doanh nghiệp, lòng tin đối tác. Thậm chí, lao động không tuân thủ quy định dẫn đến nhiều vụ tai nạn.
Ông Mai Thiên Ân, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, tại diễn đàn ngày 26/5. Ảnh: Hải Nguyễn
Ông Ân nhấn mạnh tác phong, kỷ luật làm việc còn bị xem nhẹ trong khi đây là yếu tố giúp tăng thu nhập lao động, nâng chất lượng sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp và góp phần nâng cao năng suất lao động quốc gia.
Intel là công ty đa quốc gia song nhân sự phần lớn là người Việt nên cũng gặp những vấn đề tương tự. Lãnh đạo cùng công đoàn đã thường xuyên đối thoại hàng tháng, hàng quý với người lao động để chỉ rõ tình huống thực tế rồi giải thích cho lao động hiểu, lắng nghe góp ý và phản hồi ngay ý kiến của họ. Doanh nghiệp này còn xây dựng quy trình và công cụ phản hồi ẩn danh để nhân viên đánh giá sự gương mẫu của quản lý.
Để nâng cao năng suất lao động, ông Ân cho rằng cần đào tạo, chấn chỉnh tác phong con người từ khi còn đi học để dần hình thành "thói quen, nếp nghĩ, nếp làm". Học sinh cần được định hướng từ bậc phổ thông, đào tạo tác phong phù hợp ngành nghề đang theo học vì mỗi công việc cần ứng xử khác nhau.
"Quy chế tài chính cần cho phép công đoàn cơ sở có đủ nguồn lực trong chi tiêu cho việc đào tạo này, cũng như khen thưởng lẫn kỷ luật lao động", ông kiến nghị.
Bà Phạm Thu Lan, Viện Công nhân Công đoàn, cho rằng tiền lương, thưởng, phúc lợi ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất, động lực làm việc, sự toàn tâm của người lao động với công việc. Họ muốn gắn bó nhưng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Đây là lý do tỷ lệ nhảy việc tại các ngành thâm dụng lao động luôn ở mức 8-12% mỗi tháng.
Theo bà Lan, nhảy việc để tìm cơ hội mới, phát huy trình độ lẫn kỹ năng là bình thường, nhưng nếu thuần túy kiếm tìm mức lương cao hơn cho công việc tương tự là sự lãng phí. Ví dụ doanh nghiệp có 1.000 công nhân nhưng mỗi tháng 100 người liên tục ra vào thì sẽ rất tốn chi phí. Tiền bạc chi cho quảng cáo tuyển dụng, phỏng vấn, làm hồ sơ, đào tạo nhân viên, trong khi khoản này có thể tiết kiệm để đầu tư cho năng suất lao động.
Việc học tập nâng cao năng suất theo bà Lan là cần thiết, song "có thực mới vực được đạo". Lao động còn vướng bận kiếm từng bữa cơm thì không thể ưu tiên học tập, chưa kể người thu nhập thấp không có tiền đầu tư học hành cho bản thân lẫn con cái. Trong khi lao động thiếu học tập nâng cao trình độ, Việt Nam sẽ không thể nâng cấp chuỗi giá trị, mãi nằm ở khâu gia công.
Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: VGP
Muốn tăng năng suất thì động lực là nâng mặt bằng tiền lương, thu nhập của người lao động lên. Bà Lan kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia nghiên cứu và xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng. Đây là sàn an sinh cơ bản để lao động chi trả sinh hoạt phí, dự phòng bất trắc và tiết kiệm cho tương lai.
Lắng nghe tham luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành, Công đoàn tiếp thu để hoàn thiện chính sách rồi tổ chức thực hiện nhằm nâng cao năng suất lao động quốc gia. Đây là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các nước, các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia, cũng là động lực để các nước đang phát triển vươn lên thoát bẫy thu nhập trung bình.
Người đứng đầu Chính phủ điểm lại năng suất lao động đã tăng 2,7 lần từ năm 2011 đến năm 2023, mỗi người làm ra 70 triệu đồng tăng lên 188,7 triệu "là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước". Thu nhập lao động từ đó cũng tăng lên, đạt 7,4 triệu đồng quý I năm nay.
Song Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều hạn chế lẫn thách thức như các cán bộ công đoàn, doanh nghiệp đã nêu. Cụ thể, tỷ lệ tăng năng suất lao động giai đoạn 2021-2023 vẫn ở mức thấp so với mục tiêu đề ra. Xét về giá trị tuyệt đối, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp, năm 2022 chỉ tương đương 11,4% của Singapore, 24,7% của Hàn Quốc, 26,3% của Nhật Bản, 35,4% của Malaysia, 64,8% của Thái Lan, 79% của Indonesia, 94,5% của Philippines.
"Những yếu tố nền tảng cho tăng năng suất nhanh và bền vững như hạ tầng, chuyển dịch lao động từ nông thôn sang thành thị, từ phi chính thức sang chính thức chưa có bước đột phá", ông nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự diễn đàn sáng 26/5. Ảnh: VGP
Thủ tướng nêu rõ thời gian tới tình hình quốc tế phức tạp, khó lường tạo nên những "cơn gió ngược" cho sự phát triển. Bối cảnh đó đặt vấn nâng cao năng suất lao động là điều sống còn với đất nước. Muốn vậy cần tập trung vào "ba đẩy mạnh, ba tiên phong, ba bứt phá" để thúc đẩy năng suất lao động.
Ba đẩy mạnh gồm hoàn thiện khung pháp lý để tạo môi trường đầu tư; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển; đột phá chiến lược về nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao. Ba tiên phong chú trọng vào chuyển đổi số, các lĩnh vực mới tạo động lực cho nền kinh tế; hội nhập quốc tế để tận dụng cơ hội phát triển; thi đua tăng năng suất lao động. Ba bứt phá chọn khâu nguồn nhân lực; khoa học công nghệ và môi trường lao động.
Thủ tướng yêu cầu các cấp ngành, địa phương, đặc biệt là Công đoàn Việt Nam chăm lo quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động, đảm bảo đãi ngộ về tiền lương thưởng, các phúc lợi xã hội và triển khai nhanh chóng chương trình xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội để người lao động có thêm chốn an cư.
Năng suất lao động phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất lao động cụ thể trong quá trình sản xuất, tính bằng số sản phẩm hay lượng giá trị tạo ra trong một đơn vị thời gian hay lượng thời gian để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.
Hồng Chiêu
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC