Đánh giá nội dung kiến thức sách giáo khoa Tiếng Việt 1, nhiều giáo viên cho rằng thiết kế bài học nặng so với chương trình cũ. Trước đây, mỗi bài, các em học 2 âm, vần; nhưng trong sách giáo khoa mới, bài học được thiết kế dài với nhiều nội dung hơn trong một tiết. Chương trình mới cũng tăng thời lượng môn Tiếng Việt trên lớp (tăng 70 tiết) so với năm trước.
Cô Nguyễn Thu Lan, giáo viên lớp 1 tại một trường tiểu học quận Hà Đông, Hà Nội, cảm thấy áp lực với khối lượng kiến thức trong môn Tiếng Việt 1 mà cô cho là được thiết kế quá nặng. Với chương trình cũ, mỗi bài Tiếng Việt, học sinh chỉ học một chữ hoặc âm, nhưng trong sách mới mỗi bài sẽ có từ 2 đến 3 chữ, gồm cả âm ghép.
Học sinh lớp cô Lan có hai "nhóm" rõ rệt. Những em đã học Tiếng Việt trước khi vào lớp 1 học rất nhẹ nhàng, chủ yếu chỉ cần tập trung luyện chữ đẹp và đọc trôi chảy. Những em chưa học trước, đến lớp mới được cô dạy chữ thì rất lúng túng, đuối hẳn vì không tải hết được kiến thức trong một bài. Hầu như ngày nào cô Lan cũng phải xin thêm giờ để kèm những bạn yếu hơn.
Một bài trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1.
Cô Lan đánh giá, Tiếng Việt 1 có tốc độ dạy học chữ rất nhanh. Một bài học sẽ gồm nhận biết mặt chữ cái, ráp âm, vần, học thuộc chữ, viết chữ và đọc câu văn cuối bài... Nhiều kiến thức được tích hợp trong cùng một bài giảng khiến cả giáo viên và học sinh cảm thấy khó khăn.
Thời lượng mỗi tiết học 30-35 phút không đủ để các em vừa đọc vừa viết. Để đuổi theo chương trình, cô Lan thường xuyên nhắn tin nhờ phụ huynh kèm con học chữ buổi tối.
Đồng quan điểm, cô Cao Thị Liễu, giáo viên một trường tiểu học ở Hoà Bình, đánh giá nội dung môn Tiếng Việt 1 khá nặng. Đặc biệt là phần âm, chương trình chỉ dành 5 tuần để hoàn thành. Với học sinh lớp 1 vừa từ lớp mầm non lên, việc phải tiếp thu ngay một khối lượng kiến thức như vậy là rất khó.
Cô Liễu thẳng thắn: "Chương trình không hề giảm nhẹ như Bộ GD&ĐT và chủ biên sách từng nói, thậm chỉ còn nặng gấp đôi. Giáo viên mệt một thì các em mệt mười".
Trong khi đó, cô Lương Ngọc Thuý, giáo viên tiểu học ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng, mục tiêu chính của chương trình Tiếng Việt lớp 1 từ xưa đến nay vẫn là dạy học sinh biết đọc, biết viết. Dù có thiết kế và thay đổi cách tiếp cận thế nào thì học sinh đều phải học đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần. Chương trình mới không thể thêm chữ nào, vần nào vào tiếng Việt nên không thể nói rằng nặng hơn chương trình cũ.
Theo cô Thuý, phụ huynh không nên nản lòng với hiện tượng con lơ là thiếu tập trung. Cần hiểu rằng, trẻ 6 tuổi chỉ có khả năng tập trung trong khoảng thời rất hạn chế (khoảng 10 - 30 phút). Phụ huynh cần phối hợp giáo viên để cùng dạy con đọc, viết… đúng cách, hiệu quả ngay tại nhà.
Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, học sinh lớp 1 chỉ vừa qua bậc mầm non, nên học mà chơi, chơi mà học. Yêu cầu về học chữ, tập viết đối với trẻ ở độ tuổi này chỉ dừng lại ở mức vài dòng, không nên đặt yêu cầu quá cao như em cần viết đẹp, đúng ô li… Không nên ép học sinh đọc thông, viết thạo càng sớm càng tốt, gây căng thẳng cho các em.
|
HÀ CƯỜNG
Nguồn: vtc.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC