Nước ngập tại thôn Phú Trung 2, xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang (Khánh Hòa) chiều 16-11 - Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Tối 16-11, phóng viên Tuổi Trẻ đã đề nghị ông Lê Xuân Thái - chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Khánh Hòa, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh - giải thích vì sao nhiều khu dân cư ở TP Nha Trang dân kêu "bị ngập quá nhanh, dân có chống nhưng cũng không kịp đỡ…".
Sông Cái Nha Trang "gánh" nhiều nguồn nước khi mưa lũ
Ông Lê Xuân Thái cho biết hiện có ba nguồn nước chính khi mưa lũ dồn về các vùng hạ du và đổ vào sông Cái Nha Trang để thoát ra biển.
Đó chính là những nguồn nước gây ngập nhiều khu vực thuộc một số xã của huyện Diên Khánh và thuộc một số xã, phường của TP Nha Trang khi nước không kịp thoát.
Cụ thể, theo ông Thái, nguồn nước lớn thứ nhất gây ngập là nước ở các vùng núi Khánh Vĩnh đổ về.
Thứ hai là nước ở sông và hồ Suối Dầu (thuộc huyện Cam Lâm) xả ra, dồn đổ về sông Cái Nha Trang cùng nước ngập từ cánh đồng Bình Lộc (Diên Khánh) tràn qua dồn xuống sông Cái.
Thứ ba là nước từ các khu vực thuộc các xã ngoại thành TP Nha Trang và xã Diên Phú (Diên Khánh) khi ngập dâng cao cũng đổ dồn xuống sông Cái.
Ngoài ra, cũng theo ông Thái, trong những ngày qua và còn kéo đến ngày mai (17-11) có đợt triều cường ở biển. Do đó, khi triều cường dâng cao thì nước mưa lũ sẽ chậm thoát ra biển nên cũng góp phần gây ngập.
Nhiều hồ chứa nước không cửa đập, không camera giám sát
Liên quan đến các hồ chứa nước, theo ông Thái, hiện nay ở khu vực huyện Khánh Vĩnh có các hồ Sông Giang 2 (đã xây xong), hồ Sông Giang 1 (đang xây dựng chưa xong) và hồ chứa nước Sông Chò.
Cả ba hồ chứa nước trên đều không có cửa đập để điều tiết nước mà chỉ làm đập dâng để tràn nước qua. Vì vậy, khi nước trong hồ đạt mức qua đập tràn thì lúc mưa lũ nước suối dồn về hồ bao nhiêu sẽ vượt qua tràn bấy nhiêu, đổ xuống hạ du và chảy về nhánh sông Cái Nha Trang.
Còn ở khu vực Diên Tân, hiện có hai hồ chứa nước nhỏ là hồ Láng Nhớt (cỡ 2 triệu m3) và hồ Cây Sung. Khi mưa lũ, nước xả từ hai hồ vừa nêu cùng với nước trên núi đổ xuống làm ngập hết các cánh đồng xã Diên Thạnh, Bình Lập thì sẽ dồn vào sông Suối Dầu rồi đổ về sông Cái Nha Trang.
Nguồn nước thứ hai và cũng là nguồn nước lớn dồn vào sông Suối Dầu đổ xuống sông Cái Nha Trang chính là từ hồ chứa nước Suối Dầu xả ra.
Theo ông Thái, hồ Suối Dầu có cửa đập để điều tiết xả nước và đây là hồ có lượng nước lớn xả ra trong khi mưa lũ vừa qua.
Cụ thể, từ trưa đến chiều 16-11, hồ Suối Dầu xả nước với lưu lượng lên đến 100m3 đến 111m3/giây, đến chiều mới giảm dần và tối nay còn xả khoảng 40m3 - 60m3/giây.
Tuy nhiên, việc xả nước lũ của hồ Suối Dầu và nhiều hồ chứa nước khác (trong số 29 hồ thủy lợi và 3 hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa) đều chỉ được ghi nhận theo báo cáo của các chủ hồ.
Vì theo ông Thái, dự án đầu tư lắp đặt 24 camera giám sát từ xa đối với 8 hồ chứa nước lớn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình, được các sở liên quan thẩm định nhưng hiện vẫn còn phải chờ HĐND tỉnh Khánh Hòa xem xét, thông qua nghị quyết đầu tư mới có tiền để thực hiện.
Làm sao giám sát việc xả nước của hồ Suối Dầu?
Cảnh ngập tại xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang (Khánh Hòa) ngày 16-11 - Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Theo nhiều người dân, trong mấy năm qua, khi hồ Suối Dầu (ở huyện Cam Lâm) xả nước lớn là nguy cơ cư dân nhiều vùng thuộc huyện Diên Khánh và TP Nha Trang bị ngập.
Hiện tại hồ Suối Dầu cũng chưa có camera giám sát từ xa. Ông Lê Xuân Thái cho biết hiện nay tại cầu Suối Cát (Cam Lâm) chỉ có nước từ hồ Suối Dầu xả về chứ không có một hợp lưu nào nữa.
Tại cầu Suối Cát hiện có camera giám sát nên hồ Suối Dầu xả nước bao nhiêu sẽ qua cầu Suối Cát bấy nhiêu và qua camera đó giám sát được. Nếu nước qua cầu Suối Cát mà lớn là do hồ Suối Dầu xả nhiều, còn nếu nước chỉ nằm trong phạm vi lòng sông thì mức xả là đảm bảo.
Thực tế, theo ông Thái, mấy ngày vừa qua tại cầu Suối Cát không có ngập, nước còn nằm ở mức dưới đáy cầu cả mét.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC