Nhà máy đóng tàu Dung Quất thua lỗ triền miên dù PVN cố gắng tái cơ cấu, bơm hàng ngàn tỉ đồng nhưng không bịt nổi lỗ thủng tài chính quá lớn - Ảnh: TRẦN MAI
Ngày 5-4, Phó thủ tướng Lê Minh Khái - trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương - đã làm việc với Nhà máy đóng tàu Dung Quất (Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi).
Năm 2010, khi chuyển nhà máy từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhà máy lỗ 3.800 tỉ đồng, tổng nợ phải trả là 7.440 tỉ đồng.
Cấp thêm vốn, vẫn lỗ
Trước khi làm việc chính thức, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cùng đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại Nhà máy đóng tàu Dung Quất.
Do những khó khăn từ thời Vinashin để lại, nhiều năm qua nhà máy liên tục chìm trong thua lỗ, nợ lương. Hiện một số hạng mục nhà xưởng của nhà máy xuống cấp trầm trọng.Năm 2010, Nhà máy đóng tàu Dung Quất được điều chuyển nguyên trạng từ Vinashin về cho PVN tiếp quản, điều hành các hoạt động kinh doanh. Với những nỗ lực của PVN, nhà máy có cải thiện nhưng vẫn chưa xóa bỏ được khoản lỗ lũy kế lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái kiểm tra thực tế Nhà máy đóng tàu Dung Quất - Ảnh: TRẦN MAI
Theo báo cáo của PVN, tại thời điểm bàn giao, Nhà máy đóng tàu Dung Quất đã mất cân đối về tài chính. Kết quả kiểm toán giữa năm 2010 cho thấy nhà máy lỗ 3.800 tỉ đồng và tổng nợ phải trả lên đến 7.440 tỉ đồng.
Sau khi tiếp nhận, PVN đã cấp bổ sung 1.915 tỉ đồng vốn điều lệ, hỗ trợ gần 3.500 tỉ đồng để trả nợ các ngân hàng và chỉ đạo tái cấu trúc toàn diện.
PVN cho biết nếu không phải gánh chịu các khoản chi phí từ trước khi bàn giao thì kết quả sản xuất, kinh doanh của nhà máy bù đắp được chi phí hoạt động.
Ba phương án xử lý
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành và cơ quan liên quan thảo luận, phân tích ba phương án xử lý đối với các vấn đề của Nhà máy đóng tàu Dung Quất trong thời gian tới.
Phương án 1: chuyển đổi sở hữu nhà máy thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ theo đề án 1468/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Phương án 2: phá sản nhà máy theo quy định của pháp luật.
Phương án 3: PVN tiếp tục tái cơ cấu nhà máy.
Ba phương án được bàn tính để xử lý những tồn tại của Nhà máy đóng tàu Dung Quất, trong đó có phương án phá sản - Ảnh: TRẦN MAI
Ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ khó khăn của Ủy ban quản lý vốn nhà nước và PVN khi tiếp nhận nhà máy lúc mất cân đối tài chính.
"Quan điểm của tỉnh Quảng Ngãi là mong muốn Chính phủ và các bộ ngành trung ương giải quyết rốt ráo càng sớm càng tốt, theo hướng tái cơ cấu để Nhà máy đóng tàu Dung Quất hoạt động trở lại", ông Minh nói.
Dù PVN rất nỗ lực nhưng Nhà máy đóng tàu Dung Quất vẫn đang chìm trong nợ nần - Ảnh: TRẦN MAI
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho hay thời gian qua Bộ Chính trị, Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo xử lý đối với 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương. Tuy nhiên, đến nay chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Phó thủ tướng cho rằng phương án xử lý đối với Nhà máy đóng tàu Dung Quất hiện nay hết sức khó khăn, phức tạp vì tình hình tài chính mất cân đối và thị trường hoạt động tàu biển cũng hết sức khó khăn.
Các bên liên quan phải khẩn trương có trách nhiệm hơn, phối hợp thật tốt với nhau đưa ra đề án rõ ràng cụ thể hướng xử lý trong thời gian tới để xây dựng phương án cụ thể trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC