"Nếu anh Hoàng Khải công khai rằng anh là nhà phân phối các sản phẩm lụa Trung Quốc, chắc chắn chúng tôi không bao giờ nhiệt tình quảng bá về doanh nghiệp của anh đến như vậy".
Vụ việc doanh nhân Hoàng Khải thừa nhận bán khăn lụa "Made in China" và cắt mác, bán với mác "Made in Vietnam" gần đây đã khiến nhiều người Việt Nam ở nước ngoài thực sự sốc, hình tượng doanh nhân Hoàng Khải yêu nước trong mắt họ sụp đổ, nhiều người trong số họ cảm thấy thất vọng, choáng váng vì không biết phải ăn nói thế nào với bạn bè hình tượng mà họ đã tôn sùng và quảng bá suốt mấy thập niên vừa qua.
Chị Mai Phương Thảo, quản lý một nhà hàng và là một Việt kiều sống ở Montreal, Canada đã gần hai mươi năm chia sẻ:
"Từ khi sang Canada sống cho đến tận bây giờ, chưa một lúc nào tôi không nghĩ về quê hương, cố gắng dùng đồ của Việt Nam càng nhiều càng tốt trong khả năng có thể.
Tôi mua bún, phở khô của các công ty Việt Nam bán tại Canada, quảng bá về các sản phẩm do người Việt Nam sản xuất đến bất kỳ bạn bè quốc tế nào mà tôi quen biết. Dù xa nhà nhưng Việt Nam luôn trong trái tim tôi, bản thân tôi luôn tự hào về Việt Nam và muốn giới thiệu về Việt Nam càng nhiều càng tốt.
Một trong những sản phẩm mà tôi vô cùng tự hào đó chính là hàng tơ lụa Việt Nam. Và trong các hãng cung cấp sản phẩm tơ lụa Việt Nam, nhiều năm qua, cái tên đầu tiên mà tôi luôn nói đến chính là Khải Silk. Tôi từng nói với bạn bè rất nhiều về con đường lập nghiệp của anh Khải, sự phát triển của công ty anh ấy, và rằng một doanh nhân làm ăn chân chính bằng những sản phẩm của Việt Nam đã trở nên giàu có tại Việt Nam như thế nào.
Vài năm tôi cùng gia đình hoặc cùng với bạn bè quay về thăm lại Việt Nam, chúng tôi đều đến cửa hàng của Khải Silk trên đường Đồng Khởi mua đồ khăn lụa để tặng bạn bè. Gia đình tôi luôn làm điều đó bằng tất cả niềm tin và sự tự hào về thương hiệu của Việt Nam. Ít nhất chúng tôi từng nhớ chúng tôi cũng đã mua đến hàng trăm cái khăn từ đây. Nhắc đến lụa tôi chỉ biết Khải Silk, thậm chí không bao giờ buồn quan tâm đến thương hiệu khác".
Và sau khi vụ việc xảy ra, chị Thảo không khỏi thất vọng tràn trề:
"Tôi đọc đi đọc lại bài báo anh Khải chia sẻ về việc anh ấy đã nhập hàng lụa Trung Quốc về dán lại mác "Made in Vietnam" đến nhiều lần. Tôi thất vọng choáng váng, tôi không muốn tin vào những gì mình đang đọc. Thực sự giờ đây tôi cũng không biết phải giải thích thế nào với bạn bè quốc tế về những gì mình đã nói về sản phẩm lụa của Khải Silk".
Chị Thảo cho biết từ nay, chị cũng sẽ khuyên bạn bè không nên mua lụa ở Việt Nam nữa, tất nhiên chị cũng không thể nói rõ về vụ việc của Khải Silk, vì quá xấu hổ.
Chị Thảo chia sẻ: "Nói ra vụ bê bối đó mình cũng chẳng được gì, thôi mình sẽ chỉ dám bảo với bạn bè rằng sản phẩm lụa Việt Nam không tốt đâu đừng mua, và tất nhiên Khải Silk sẽ không còn được nhắc đến".
Còn theo anh Phan Hải, một người Việt đã sống lâu năm tại Paris, Pháp và hiện đang làm chủ một doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bản thân anh cũng cảm thấy vô cùng buồn khi vụ việc Khải Silk xảy ra.
Anh Hải chia sẻ: "Với bản thân tôi, chúng tôi dù xa quê hương nhưng tấm lòng luôn hướng về quê nhà. Chúng tôi không ngại ngần dành nhiều nỗ lực để giới thiệu hàng Việt Nam đến các bạn bè nước ngoài.
Bản thân tôi tham gia rất nhiều các sự kiện quảng bá văn hóa, hàng hóa Việt Nam trên đất Pháp. Dù không bao giờ có một đồng tiền công nào, nhưng Việt Nam và thương hiệu Việt Nam luôn được các doanh nhân như chúng tôi giới thiệu đến bạn bè.
Chúng tôi làm điều đó bằng tất cả tình yêu với Việt Nam. Cá nhân tôi cũng rất yêu thích sản phẩm lụa của Khải Silk và mua rất nhiều bằng tất cả sự trân trọng, với suy nghĩ rằng mình đang tiêu tiền để tạo công ăn việc làm cho chính người Việt mình chứ nếu mua lụa Trung Quốc chúng tôi có nhiều lựa chọn và giá rẻ hơn nhiều".
Và theo anh Hải, tất cả niềm tin và sự tự hào về một thương hiệu lụa do người Việt làm ra, người Việt quảng bá đến khắp năm châu đã sụp đổ sau một đêm.
Bản thân người viết bài hiện đang học thạc sỹ tại Nhật. Trong chương trình học của chúng tôi, sinh viên có học một số môn về kinh tế. Khi phải làm bài thuyết trình về thương hiệu tiêu biểu của đất nước, tôi đã lựa chọn cafe Trung Nguyên, lụa Khải Silk, đồ uống Sabeco và những năm gần đây là Vingroup với nhiều công trình chất lượng tốt từ Bắc vào Nam.
Sẽ thật là không tương xứng nếu so cafe Trung Nguyên hay lụa của Khải Silk với các tên tuổi lừng lẫy thế giới của người Nhật như ô tô Toyota hay đồ gia dụng Panasonic, thế nhưng ít nhất đó là những sản phẩm mà tôi cho rằng nó thuộc về Việt Nam, do người Việt Nam sản xuất và xứng đáng để những người Việt xa quê như chúng tôi sẵn lòng làm đại sứ thương hiệu, mang nó đến bạn bè nước ngoài.
Dù số tiền của những người như tôi và bạn bè của tôi đóng góp vào doanh thu của công ty anh Hoàng Khải chỉ như hạt cát nhưng chúng tôi dám khẳng định rằng chúng tôi đã làm tất cả những điều đó bằng tình yêu với đất nước.
Nhiều lần khi các giáo sư Nhật sang Việt Nam hoặc bạn bè người Nhật sang chơi, thậm chí chúng tôi còn thuyết phục được họ thuê khách sạn do người Việt làm chủ trong khu phố cổ, quanh khu Hàng Bông, Hàng Gai để có thể thuận tiện xem gian hàng của Khải Silk – một trong những điểm phải đến khi du lịch Hà Nội. Chúng tôi làm hết sức để quảng bá sản phẩm của Khải Silk với người Nhật, không một đồng tiền công, không một chút tư lợi.
Chúng tôi chắc chắn rằng hàng trăm nghìn người Việt Nam cũng tin vào Khải Silk như chúng tôi, và nếu anh Hoàng Khải công khai rằng anh Hoàng Khải là nhà phân phối các sản phẩm lụa Trung Quốc, chắc chắn chúng tôi không bao giờ nhiệt tình quảng bá về doanh nghiệp của anh đến như vậy.
Người ta yêu quý sản phẩm của công ty anh vì người ta tin đó là hàng Việt Nam, người ta tin tiền người ta bỏ ra đang giúp duy trì cho một ngành nghề truyền thống của người Việt, mang lại việc làm cho hàng nghìn người lao động Việt Nam. Sau một đêm, tất cả đã tan thành mây khói, niềm tin sụp đổ, tất cả những người Việt xa xứ như chúng tôi sụp đổ niềm tin. Và bản thân chúng tôi cũng không biết phải nói lại với người Nhật thế nào nếu họ có hỏi: "Ủa chuyện gì đã xảy ra với Khải Silk vậy?".
Công bằng mà nói, theo ý kiến cá nhân của người viết, dù đã sai sót nhưng không thể phủ nhận doanh nhân Hoàng Khải là một người có tài năng, anh đã chứng minh được khả năng của mình.
Những người Việt xa xứ vẫn luôn mong anh Khải sẽ học được bài học từ vụ việc lần này, và biết đâu sau này, chúng ta sẽ được chứng kiến một anh Hoàng Khải khác, thực hiện đúng tôn chỉ trung thực trong kinh doanh. Chúng tôi sẽ vẫn yêu hàng Việt Nam, yêu Việt Nam và luôn giữ tâm thế "Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại".
*Tác giả của bài viết là chị Ngọc Diệp - một nhà báo Kinh tế hiện đang có khoảng thời gian học và làm việc tại Nhật.
Theo Ngọc Diệp - Thiết kế Bi
Trí thức trẻ
© 2024 | Thời báo ĐỨC