Thói quen lười vận động, ăn ít rau, nhiều muối của người Việt - Những con số là hồi chuông cảnh báo
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2017, hơn 541.000 người Việt tử vong, trong đó nguyên nhân do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 76%, đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gút...
Báo cáo của Hội Tim Mạch Việt Nam cho thấy, bệnh tim mạch đang là nguyên nhân dẫn đến con số 17 triệu người chết mỗi năm, chiếm gần 1/3 tổng số các ca tử vong trên toàn cầu. Trong đó 9,4 triệu ca tử vong là do biến chứng của tăng huyết áp. Tăng huyết áp đang chiếm ít nhất 45% các ca tử vong do bệnh tim mạch. Theo số liệu mới nhất từ chương trình phòng chống tăng huyết áp quốc gia cho thấy, tỷ lệ các ca mắc bệnh trên 25 tuổi chiếm 47,3%, con số này tương đương xấp xỉ 20,8 triệu bệnh nhân. Khả năng mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới với tỷ lệ tương ứng là 56,4% và 42,6%.
Nguyên nhân gây ra những chứng bệnh này có rất nhiều, trong đó đứng đầu là thói quen ăn uống vô độ, đưa nhiều chất béo không có lợi vào cơ thể, ăn mặn, ăn nhiều thức ăn nhanh, bữa ăn công nghiệp, cơm văn phòng, ăn uống không kiểm soát…
Theo một điều tra do Bộ Y tế tiến hành năm 2015 ghi nhận, có đến 57% người Việt trưởng thành ăn ít rau và trái cây. Trong khi đó, mức tiêu thụ muối cao gần gấp hai lần khuyến nghị của WHO. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi người chỉ ăn khoảng 200g rau xanh một ngày, giảm so với vài chục năm trước và chỉ đạt một nửa so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hơn một nửa dân số trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến cáo.
Quỹ dân số Liên Hợp Quốc - UNFPA cũng từng đưa ra nhận định vào năm ngoái, Việt Nam là một trong 10 nước có người dân lười vận động nhất thế giới. Nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, có tới 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Những yếu tố như thể lực, sức bền, sức mạnh của thanh niên Việt Nam đều được xếp vào mức kém so với chuẩn.
Tất cả những con số đó chính là hồi chuông cảnh tỉnh thực trạng đáng lo ngại cho sức khỏe người Việt nói chung. Chúng ta đang rơi vào khủng hoảng sức khỏe một cách âm thầm mà không hay biết. Hậu quả phải gánh chịu là mắc những bệnh mãn tính, khủng hoảng thừa cân, béo phì, sức khỏe ốm yếu, thường xuyên mệt mỏi...
Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng ăn ít rau, ăn mặn, lười vận động?
GS.TS Nguyễn Lân Việt (Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam) cho biết, đầu tiên cần phải giảm lượng muối ăn hàng ngày. Điều này hoàn toàn có thể điều chỉnh từ thói quen nấu nướng, ăn uống ở nhà. Hạn chế tối đa việc tiêu thụ đồ ăn nhanh, dưa cà muối... Bên cạnh đó cần duy trì chế độ dinh dưỡng giàu rau quả, hạn chế rượu, bia, bỏ thuốc lá; hoạt động thể lực đều đặn 30-60 phút mỗi ngày; chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress…
Mỗi người, không chỉ là người trẻ mà cả trẻ em, người cao tuổi cũng cần thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh hơn để duy trì trọng lượng khỏe mạnh, tránh hóa chất, tránh những mối nguy hiểm môi trường... Nhu cầu chất xơ được khuyến nghị dành cho người Việt tối thiểu 18-20g mỗi ngày, trong đó có khoảng 300g rau và 100g quả chín.
Nhu cầu chất xơ được khuyến nghị dành cho người Việt tối thiểu 18-20g mỗi ngày, trong đó có khoảng 300g rau và 100g quả chín.
Về lối sống lười vận động, người dân cần thay đổi bằng cách tăng cường vận động. Bên cạnh đó nên từ bỏ thói quen hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, ăn uống lành mạnh.
Để thay đổi lối sống lười vận động, bạn cũng cần thực hiện từ từ để duy trì lâu dài và đạt hiệu quả cao nhất. Đầu tiên có thể chỉ thực hiện 5-10 phút đạp xe, đi bộ rồi tăng dần theo từng ngày, có thể duy trì 30-60 phút mỗi ngày...
Theo Pháp luật và bạn đọc
© 2024 | Thời báo ĐỨC