‘Người Việt đang ở đây nhưng tâm hồn bị thao túng bởi Facebook, YouTube, TikTok hết rồi’

"Nhiều người cay đắng nói rằng người Việt đang ở đây nhưng tâm hồn, tinh thần của người Việt đã vượt biên, bị thao túng bởi Facebook, YouTube, TikTok hết rồi.

Có đại biểu Quốc hội đã phát biểu như vậy khi thảo luận Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Thảo luận về dự Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT - sửa đổi) sáng 29-10, đại biểu Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - đề xuất không nên tăng mức thuế đối với các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim lên 10% mà chỉ nên giữ ở mức như luật hiện hành.

Tinh thần người Việt bị thao túng bởi Facebook, YouTube, TikTok

Ông Sơn cho rằng dù có nhiều cố gắng và có những thành tựu trong những năm qua, nhưng không thể "lạc quan tếu với sự phát triển văn hóa của đất nước".

Ông chỉ rõ chúng ta đang chứng kiến "hiện tượng nhập siêu văn hóa" và bị ảnh hưởng tiêu cực từ các bộ phim, bài hát, lối sống thậm chí cả suy nghĩ từ nước ngoài đang gặm nhấm, tàn phá tâm hồn người Việt.

Chúng ta không thể chỉ nhìn 1, 2 bộ phim của Trấn Thành, Lý Hải được vài trăm tỉ đồng mà tưởng rằng toàn bộ nền điện ảnh Việt Nam tươi sáng vì có hàng chục bộ phim đang lỗ ròng.

1 Nguoi Viet Dang O Day Nhung Tam Hon Bi Thao Tung Boi Facebook Youtube Tiktok Het Roi

Chúng ta không thể chỉ nhìn thấy 1, 2 chương trình âm nhạc, vài ba nghệ sĩ sống xa hoa mà tưởng rằng cả nền nghệ thuật Việt Nam giàu có vì hàng trăm chương trình, hàng ngàn nghệ sĩ đang sống trong cảnh khó khăn", ông Sơn nêu.

Cũng theo ông Sơn, nếu khoa học khai mở cho xã hội tri thức về tự nhiên thì văn học, nghệ thuật khai mở cái thiện, cái đẹp và tình yêu thương cho con người. Trong 3 mục tiêu của giáo dục chân, thiện, mỹ thì văn học, nghệ thuật chiếm đến 2.

Sáng tạo văn học, nghệ thuật luôn tiên phong khai mở cho con người yếu nghĩa trong cuộc sống vì vậy luôn đòi hỏi các văn nghệ sĩ phải xả thân.

Một xã hội văn minh là xã hội biết lắng nghe và tạo điều kiện thuận lợi cho sáng tạo của văn nghệ sĩ và những người thực hành văn hóa.

Ông cho rằng đây là giai đoạn rất cần "chấn dân khí" vì một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì thế, rất cần ủng hộ, khuyến khích có những sản phẩm văn hóa của người Việt Nam, cho người Việt Nam, vì người Việt Nam để từ đó có thêm tình yêu, có thêm niềm tin và tự hào đối với sự phát triển văn hóa của dân tộc.

"Đó là lý do tại sao tôi mong muốn có điều kiện liên quan đến phát triển văn hóa, trong đó có thuế giá trị gia tăng, tạo điều kiện tốt hơn cho sản phẩm văn học, nghệ thuật

Đồng thời, để thuế không trở thành rào cản cho lòng yêu nước, cho tinh thần tự tôn dân tộc, cho khát vọng phát triển đất nước từ cảm hứng do các tác phẩm văn học, nghệ thuật đem lại cho nhân dân và cả đất nước của chúng ta", ông Hiếu nêu ý kiến.

Nếu không chịu thuế VAT có thể dẫn đến tác động bất lợi cho nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ

Giải trình sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay hoàn toàn nhất trí việc cần tạo môi trường phát triển thuận lợi cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Đây là chủ trương rất chính xác.

Tuy nhiên, theo ông Mạnh, nếu như đưa các dịch vụ, hàng hóa của lĩnh vực này ra thuộc diện không chịu thuế VAT sẽ dẫn đến các tác động, có thể bất lợi cho các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực này như câu chuyện phân bón.

"Khi đó, các thuế VAT đầu vào sẽ không được khấu trừ nếu như sản phẩm không thuộc diện chịu thuế. Do đó, chúng tôi thống nhất với định hướng trong soạn thảo lần này cần xem xét một cách rất kỹ lưỡng các lĩnh vực, mặt hàng cho phù hợp nhất", ông Mạnh nói.

Ông nêu rõ với ý kiến hôm nay của các đại biểu rất xác đáng nên cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát thật cụ thể các nội dung đề xuất để làm rõ các quan điểm, chính sách với từng nội dung, từng lĩnh vực... cho phù hợp nhất.

THÀNH CHUNG

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày