Người dân Đông Anh, Gia Lâm mong muốn gì khi huyện sắp lên quận?

Người dân ở Đông Anh và Gia Lâm đa phần đều mong muốn nếu huyện được lên quận, chất lượng cuộc sống của họ sẽ được nâng cao.

Theo kế hoạch vào tháng 7/2023, UBND Hà Nội sẽ trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đưa hai huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận, sau đó trình Chính phủ và Thường vụ Quốc hội vào quý cuối cùng của năm. Qua báo cáo của các huyện và rà soát sơ bộ từ sở, ban ngành hai huyện này đã đạt các tiêu chí tối thiểu để lên quận.

Thời gian qua, thông tin về việc hai huyện này lên quận đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Người dân ở Đông Anh và Gia Lâm đa phần đều mong muốn nếu lên quận, chất lượng cuộc sống của họ sẽ được nâng cao.

Mong muốn có công ăn việc làm

Những ngày đầu tháng 4/2023, trở lại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, đi trên những tuyến đường trải asphalt thẳng tắp, rộng mở đến từng xóm thôn, ngắm những ngôi nhà cao tầng bề thế, những ngôi trường đạt chuẩn khang trang, sạch sẽ mới cảm nhận rõ sự "thay da, đổi thịt" của nơi này.

Từ khi hay tin huyện Gia Lâm sắp lên quận, vợ chồng bà Nguyễn Thị Hiền (61 tuổi, trú thị trấn Trâu Quỳ) luôn mong ngóng các cấp chính quyền tạo thêm việc làm cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đồng thời nâng cao đời sống văn hóa, xây dựng thêm nhiều điểm công cộng, khu sinh hoạt cho người lớn tuổi.

1 Nguoi Dan Dong Anh Gia Lam Mong Muon Gi Khi Huyen Sap Len Quan

Huyện Đông Anh sắp lên quận (Ảnh: Vietnamnet).

"Giờ chúng tôi chỉ mong sao khi lên quận các con, cháu có công ăn, việc làm ổn định, đời sống người dân được nâng cao", bà bày tỏ và kể nhà có 4 nhân khẩu, trước đây được chia gần 5 sào ruộng, năm 2009 chính quyền địa phương lấy hơn 2 sào để phục vụ việc xây dựng khu đô thị 31ha và đền bù gần 170 triệu đồng.

Tuy nhiên, diện tích còn lại gia đình không thể tiếp tục canh tác vì thiếu nước, vợ chồng bà mong chính quyền địa phương sớm thu hồi phần còn lại và có đền bù thỏa đáng.

Bà Nguyễn Thị Sáng (50 tuổi, trú thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm) cùng chung mong muốn sau khi từ huyện lên quận đời sống của người dân được nâng cao bền vững.

"Ngoài xây các khu đô thị, trường học, bệnh viện cần phải làm thêm các khu công nghiệp để người dân trong khu vực có công việc, thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống", bà Sáng nêu.

Điều khiến bà lo lắng khi huyện lên "đời" là người dân sẽ gặp phải vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt trong việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa.

2 Nguoi Dan Dong Anh Gia Lam Mong Muon Gi Khi Huyen Sap Len Quan

Hệ thống giao thông, đô thị của huyện Gia Lâm đang được đầu tư, xây dựng mạnh mẽ (Ảnh: Nguyễn Hải).

Cần thay đổi tư duy đến cách làm khi huyện lên quận

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, việc Đông Anh và Gia Lâm lên quận là kế thừa và phát huy giá trị của quá trình phát triển vừa qua", ông Nghiêm nói và khẳng định khi lên quận đời sống của người dân sẽ được nâng cao, kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Ngoài ra, các hạ tầng xã hội, kỹ thuật, giao thông, y tế, trường học,... được nâng cấp, đất đai khai thác có hiệu quả.

Ông Nghiêm nhận định, điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân ở Đông Anh là đã có sẵn nhiều khu công nghiệp, chế xuất, di tích lịch sử,... khi lên quận sẽ được phát huy hết khả năng, thu hút thêm các nguồn đầu tư.

Còn với Gia Lâm, nhiều khu đô thị mới được hình thành và điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế mạnh mẽ. Như vậy người dân có điều kiện thuận lợi để nâng cao thu nhập, văn hóa, giáo dục, xã hội.

3 Nguoi Dan Dong Anh Gia Lam Mong Muon Gi Khi Huyen Sap Len Quan

Khu đô thị tại thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) đang dần hoàn thiện (Ảnh: Nguyễn Hải).

"Hai huyện này lên được quận sẽ tạo ra thế mạnh mới để thực hiện mô hình thành phố "Bắc sông Hồng"", ông Nghiêm nhấn mạnh Đông Anh và Gia Lâm là những huyện đầu mối tạo ra liên kết vùng đồng bằng sông Hồng của Hà Nội với các tỉnh lân cận vì có mạng lưới giao thông thuận tiện.

Theo TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, với những điều kiện về con người, kinh tế, tốc độ đô thị hóa,... Đông Anh và Gia Lâm đủ điều kiện để lên quận.

Để chuyển đổi từ huyện lên quận không chỉ đơn giản là cái "tên" mà còn là chuyển đổi từ tư duy, lối sống đến cách sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Đây là những điều mà các nhà hoạch định, lãnh đạo các cấp đã có những tính toán kĩ lưỡng, cụ thể để chuyển đổi kinh tế từ huyện sang quận.

"Nền tảng kinh tế, cơ sở để chuyển từ huyện lên quận các cấp lãnh đạo đã có những tính toán cụ thể. Bây giờ phải thực hiện những tính toán, chủ trương đường lối làm sao hiệu quả nhất chứ không phải "lên đời" là xong", ông Chức nêu quan điểm.

Bên cạnh đó khi lên quận về văn hóa, đời sống của người dân sẽ có những thay đổi vì chuyển từ đời sống xóm làng sang đô thị, phố phường. Đây là những điều mà chính quyền cần phải quan tâm, hỗ trợ bởi việc này người dân không thể làm trong "một sớm một chiều".

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày