Ngày 12/7/1984 và ký ức của những cựu binh mặt trận Vị Xuyên

Cứ đến ngày 12/7, những người lính từng chiến đấu tại mặt trận Hà Giang đều hướng về nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc, tưởng nhớ những đồng đội đã dành cả thanh xuân nằm lại nơi này.

1 Ngay 1271984 Va Ky Uc Cua Nhung Cuu Binh Mat Tran Vi Xuyen

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên hiện là nơi an nghỉ của gần 1.900 liệt sĩ và 1 phần mộ tập thể. Ảnh: Nam Phương

Với những người lính đã chiến đấu trên Mặt trận Vị Xuyên, ngày 12/7/1984 là một mốc thời gian không thể nào quên. Hơn 600 cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh chỉ vài giờ đồng hồ trong trận đánh được mật danh là MB84. Đa số họ tuổi đời còn rất trẻ, mười tám đôi mươi. Họ không do dự, chẳng tiếc máu xương, tất cả vì một mục tiêu duy nhất là đẩy lùi sự xâm lăng của kẻ thù.

Đã thành thông lệ, ngày 12/7 hàng năm là ngày trọng đại đối với những người lính Mặt trận Vị Xuyên.

Ngã xuống cho Tổ quốc trường tồn

Ngày 12/7/1984, quân đội ta tập trung lực lượng chiến đấu để giành lấy các cao điểm 685, 1509, 772, 1030 (Vị Xuyên, Hà Giang). Trong thế trận giằng co khốc liệt, ta đã giành lại được điểm cao 772 và 685 nhưng hơn 600 người lính thuộc sư đoàn 356 đã mãi mãi nằm xuống. Từ đó, 12/7 vẫn được coi như ngày “giỗ trận” của những người lính trên mặt trận Vị Xuyên. 

Hàng năm, cứ đến Ngày “giỗ trận” 12/7, những người lính Vị Xuyên năm xưa lại tề tựu về nghĩa trang Vị Xuyên, hát vang câu hát gửi đến đồng đội. Có một điều tâm linh khó lí giải, dù nắng đến mấy nhưng trong ngày này cũng có những hạt mưa. Năm mưa ít thì lất phất vài hạt bóng mây giữa trưa, có khi mưa buổi sớm hay xẩm tối; có năm thì mưa dầm.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, Hà Giang nơi an nghỉ của gần 1.900 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Trong số gần 1.900 ngôi mộ ở đây, hơn nửa “chưa xác định được danh tính” nhưng họ vẫn còn may mắn hơn hàng ngàn đồng đội nằm cạnh trong một tập thể hoặc những người vẫn còn nằm lại nơi các sườn núi đá hay cao điểm phía xa xa mà chưa thể quy tập được hài cốt.

Ngược dòng lịch sử, ngày 12/7/1984, Bộ Tư lệnh quân khu và cấp trên quyết định lấy 12/7 là ngày tấn công tổng lực, ngày Sư đoàn 356 trấn thủ nơi này suốt từ năm 1979 dốc toàn lực để giành lấy các cao điểm 685, 1509, 772, 1030. Trong thế trận địch ở trên núi, ta ở dưới các chân núi, trận đánh diễn ra hết sức khốc liệt. Bất chấp hỏa lực mạnh cùng làn mưa pháo của đối phương, quân ta đã giành lại được điểm cao 772 và 685 bị mất vào tay địch trước đó, nhưng cái giá phải trả là hơn 600 người lính thuộc Sư đoàn 356 đã mãi mãi nằm xuống nơi biên cương lúc rạng sáng 12/7. 

Nếu tính riêng mặt trận Hà Giang, côn số cán bộ chiến sĩ nằm lại mảnh đất này lên tới hàng vạn người qua suốt 21 năm xung đột biên giới phía Bắc (từ 17/2/1979 đến năm 1990). Hòa bình lập lại, những người lính Hà Giang và đặc biệt là các cựu chiến binh Sư đoàn 356 đã liên lạc với nhau trở lại mặt trận Vị Xuyên tìm kiếm những đồng đội đã ngã xuống. Họ tiên phong, tiến hành vận động anh em cùng lập đài hương cho đồng đội, quy tập một nơi cho những người đã dành cả thanh xuân cho mảnh đất này có “mái ấm sum vầy”. Để rồi, cuối năm 2013 - 2014, đài hương hoàn thành đặt tại cao điểm 468.

Vì Tổ quốc không tiếc máu xương

Năm nào cũng vậy, nhà báo Thuận Hóa lại cùng đồng đội về với Vị Xuyên, về với những đồng đội của mình. Theo ông, đây không chỉ là hoạt động tưởng niệm, tri ân, nó còn là nghĩa tình và trách nhiệm của một người lính với chính đồng đội, với chính bản thân mình.

“Những ngày này 38 năm trước, đúng ngày 12/7/1984, hơn 600 người lính sư đoàn 356 hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên cũ (nay là Hà Giang). Mặt trận Vị Xuyên được ví như “cối xay thịt”, “lò vôi thế kỷ” hay hàng loạt những cái tên “chết chóc” khác khi nói về sự khốc liệt của chiến tranh nơi này. Khi ấy, chúng tôi tuổi đời mười tám đôi mươi chỉ biết chiến đấu và sẵn sàng ngã xuống. Chúng tôi không do dự, chẳng tiếc máu xương chỉ với mục tiêu duy nhất đảy lùi được kẻ thù xâm phạm biên cương”, nhà báo Thuận Hóa nhớ lại.

Với những người lính đã chiến đấu trên mặt trận Vị Xuyên, ngày “giỗ trận” 12/7/1984 không chỉ là dịp để tưởng nhớ đến đồng đội đã ngã xuống mà còn là minh chứng rõ nét nhất cho một giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Trước đó, Sư đoàn 313 bắt đầu rút thì Sư đoàn 356 lên thay. Nhưng mất mát nhiều nhất là Sư đoàn 356, thời điểm họ trực tiếp giáp mặt kẻ thù để giành lại các cao điểm bị mất trước đó.

Cùng tâm trạng bồi hồi như cựu binh Thuận Hóa, ông Lê Anh Quyển – lính Vị Xuyên năm 1984 chia sẻ: “Mình lên đây đúng năm 1984 đúng giai đoạn khốc liệt nhất của mặt trận này. Khi đánh nhau bọn mình có biết gì đâu, chỉ biết hướng sung về quân thù và không lùi bước. Sau này nghe các tướng kể lại, chỉ trong 3 ngày (12-14/7/1984), Trung Quốc đã bắn hơn 100.000 quả đạn pháo vào khu vực Vị Xuyên. Khái niệm “lò vôi thế kỷ” ra đời từ đó, do pháo bắn vào các vách núi đá khiến nó bị nung chín hóa thành vôi”.

“Mặt trận Vị Xuyên - “Lò vôi thế kỷ” nổi lên với 3 cái nhất: Mặt trận nhỏ nhất; Tập trung nhiều sư đoàn nhất (9 sư đoàn) và… chết nhiều nhất. Nhưng bọn tôi đâu có ngán gì, vì Tổ quốc không tiếc máu xương. Hy vọng tinh thần ấy được tuổi trẻ ngày nay giữ mãi mỗi khi quốc gia có biến, để bảo vệ non sông, bảo vệ từng tấc đất tiền nhân để lại”, ông Quyển nói thêm.

Nam Phương

Nguồn: Vietnamnet


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày